23/09/2016 12:25 GMT+7

Don Sahong - “tử huyệt cá” trên dòng Mekong

PGS.TS LÊ ANH TUẤN
PGS.TS LÊ ANH TUẤN

TTO - Thủy điện Don Sahong ngăn dòng chảy, chặn đường đi chính của nhiều loài cá di cư từ hạ nguồn sông Mekong lên thượng nguồn sinh sản và sau đó cá con quay về hạ lưu (Campuchia và VN).

Khi đập thủy điện Don Sahong hoàn thành ở Nam Lào, nguồn sinh kế của hàng chục triệu người dân Campuchia và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng - Ảnh: Nat Geo
Khi đập thủy điện Don Sahong hoàn thành ở Nam Lào, nguồn sinh kế của hàng chục triệu người dân Campuchia và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng - Ảnh: Nat Geo

Những ngày giữa tháng 9-2016, sau khi tận mắt chứng kiến công trình thủy điện Don Sahong (Lào) đang được tất bật thi công với đập ngăn nước sông Mekong, những lo lắng trong tôi về sinh kế của hàng chục triệu người dân lưu vực sông Mekong đã trở thành hiện thực.

Không chỉ người dân Lào và Campuchia sống dọc dòng sông này, mà người dân ĐBSCL ở VN cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng cá ngày càng khan hiếm hơn và có nguy cơ chỉ còn là... ký ức khi dòng sông đang bị trơ đáy.

Tan tác một dòng sông

Công trình thủy điện Don Sahong ở huyện Khone, tỉnh Champasak, cách biên giới Campuchia khoảng 2km.

Do không có phương tiện công cộng đi đến khu vực này, tôi thuê một ôtô từ TP Pakse đi dọc quốc lộ 13 xuống huyện Khone.

Đây là vùng đất ngập nước nổi tiếng nhất vùng Nam Lào có tên là Si Phan Don (có nghĩa là 4.000 đảo), đặc biệt là thác Khone (tiếng Lào gọi là Khone Phapheng) được ca tụng là con thác đẹp và hùng vĩ nhất trên sông Mekong.

Khi đến khu vực Veun Kham, tài xế rẽ phải về phía tây để vào bản Hang Sadam rồi mới tiếp cận được khu vực công trình xây dựng đập Don Sahong.

Xung quanh công trường có hàng rào kẽm, không chắc chắn lắm nhưng rất nhiều biển báo viết bằng tiếng Lào, tiếng Anh và tiếng Trung nội dung: “Cấm xâm nhập”.

Tôi nhờ mấy người bạn Lào và người dân địa phương xin vào trong nhưng ai cũng lắc đầu. Quyết không bỏ cuộc, tôi hỏi đường qua một bản khác để tìm cách vòng trở lại.

Khi mặt trời đã ngả về hướng tây, tôi cũng đến được công trình thủy điện Don Sahong. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là các dãy nhà ở của công nhân và văn phòng làm việc của chuyên viên kỹ thuật Trung Quốc.

Tất cả đều được rào kín chắc chắn. Các dãy nhà có bảng hiệu ghi bằng tiếng Lào và tiếng Trung. Gần đó là các bãi tập kết sắt thép, máy móc, thiết bị được mang đến từ Trung Quốc.

Trong công trường có vài toán công nhân người Việt, đa số họ là dân Nghệ An và Hà Tĩnh, đến Lào làm công thông qua những “cò” lao động người Việt nên chỉ làm công nhật chứ không có giấy phép lao động.

Trò chuyện với tôi, các lao động người Việt thừa nhận không biết gì ngoài thông tin đây là nhà máy thủy điện. Không một lao động người Việt nào biết tiếng Trung, tiếng Lào.

Ngoài lao động người Việt và Trung Quốc, trên công trường này không có công nhân Lào, trừ vài chuyên viên kỹ thuật của Công ty Don Sahong Power.

Công trình đang được thi công phần móng nhà máy thủy điện. Phía đầu dòng Don Sahong là một đập ngăn dòng đã được xây dựng để nước sông Mekong không tràn qua, tạo thuận tiện cho việc thi công. Dòng đã cạn đáy, trơ đá, không còn một con cá nào trên lòng dẫn Don Sahong.

Các nhà dân dọc dòng sông này đã phải chuyển đi nơi khác. Hàng trăm hecta rừng cây đã bị đốn hạ, nằm ngổn ngang hai bên con sông này.

Thay cho những cánh rừng xanh bạt ngàn mà nhiều năm trước tôi từng trông thấy khi còn làm chuyên gia phát triển nông thôn ở Nam Lào là cảnh tan hoang và một công trường bề bộn.

Một công nhân Trung Quốc nhìn mưa càu nhàu. Mưa to làm công việc ở công trường thêm khó khăn, nhưng đối với tôi lại là chút vui nhỏ mong lũ về nhiều hơn một tí cho vùng châu thổ Cửu Long.

Tuy nhiên, chút niềm vui ấy mau chóng vụt tắt khi tôi bắt gặp ánh mắt đăm chiêu của một cụ già người Lào đang nhìn về dòng Don Sahong. Tôi đưa máy ảnh lên rồi lại để xuống vì không nỡ ghi lại những hình ảnh khắc khổ của người dân Lào hiện sống bên dòng Don Sahong.

Công trình đập thủy điện Don Sahong thời điểm giữa tháng 9-2016
- Ảnh: NVCC - LÊ ANH TUẤN
Công trình đập thủy điện Don Sahong thời điểm giữa tháng 9-2016 - Ảnh: NVCC - LÊ ANH TUẤN

Cá sẽ mất dần ở ĐBSCL

Với chiều cao 32m, công suất lắp máy 260MW, thủy điện Don Sahong chỉ là một công trình thủy điện quy mô trung bình nhưng bị nhiều nhà khoa học môi trường và nhà khoa học xã hội trên thế giới phản đối.

Bởi nó ngăn dòng chảy, chặn đường đi chính của nhiều loài cá di cư từ hạ nguồn sông Mekong lên thượng nguồn sinh sản và sau đó cá con quay về hạ lưu (Campuchia và VN).

Đặc biệt, đập thủy điện Don Sahong nằm ngay những vùng đất ngập nước quan trọng ở tầm quốc tế, được công ước Ramsar công bố để bảo tồn như: khu Siphandone của Lào, khu Stung Treng của Campuchia và Vườn quốc gia Tràm Chim của VN.

Tuy nhiên, Chính phủ Lào nói rằng đập Don Sahong không nằm trên dòng chính của sông Mekong nên bỏ qua thủ tục “Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận” (PNPCA) với các nước thành viên trong Ủy ban sông Mekong (MRC).

Phía Lào đơn phương xúc tiến triển khai công trình này trước khi thực hiện các nghiên cứu tác động, kể cả tác động xuyên biên giới, như đã làm với thủy điện Xayabury.

Không chỉ chính phủ Campuchia, Thái Lan và VN bày tỏ ý kiến không đồng tình, mà các tổ chức môi trường và người dân các nước hạ lưu vực sông Mekong cũng nhiều lần phản đối mạnh mẽ.

Bởi dự án này là nguy cơ đe dọa an ninh sinh kế của hàng chục triệu người dân trong lưu vực dòng sông Mekong.

Và đến thời điểm này, khi công trình đập thủy điện ngăn dòng Don Sahong chưa hoàn thành, hậu quả đã xảy ra. Trò chuyện với tôi, nhiều người dân ở huyện Khone cho biết đã chịu tổn thất nặng do dự án này.

Trước tiên là mất đất ở và đất canh tác, sau đó là mất nguồn sinh kế từ việc đánh bắt cá và trồng trọt ven sông.

Khác với ĐBSCL ở VN, cá là nguồn thu nhập lớn nhất cho dân làng ở huyện Khone. Một người dân có thể bắt trung bình 20-30kg cá/ngày vào mùa lũ.

Sau khi dòng Don Sahong bị chặn, không còn một con cá nào trên sông. Muốn bắt cá, người dân phải đi xa hơn để ra sông chính Mekong, nhiều rủi ro hơn trong mùa mưa lũ. Có điều mỗi ngày chỉ còn bắt 2-3kg cá, giảm tới 90% nguồn lợi thủy sản do ảnh hưởng của dự án thủy điện.

Ngoài ra, hàng trăm hecta rừng bị tàn phá sạch. Công trường đầy bụi đá bay mịt mù, ồn ào rất khó chịu. Việc đi lại của dân làng rất hạn chế, kể cả tiếp xúc mua bán với công nhân Trung Quốc.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược về 11 đập thủy điện trên dòng chính Mekong (công bố năm 2010), thủy điện Don Sahong sẽ làm suy giảm nguồn cá trên sông Mekong.

Trong đó Campuchia và VN là nơi gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Nhìn cảnh sông cạn trơ đáy và những người dân Lào lam lũ lo lắng vì không còn cá để đánh bắt, tôi càng thấy âu lo hơn cho người dân ở ĐBSCL.

Những năm gần đây, cá trên sông Tiền, sông Hậu đã giảm rất nhiều, buộc nhiều người dân từng sống bằng nghề chài lưới phải bỏ nghề lên bờ kiếm sống.

Chẳng biết những năm tới sẽ còn bao nhiêu gia đình phải từ bỏ chiếc xuồng, tay lưới để tha phương cầu thực?

Tôi biết chắc chắn một điều cá sẽ không còn như bây giờ, bởi nó không thể bơi vượt qua chiều cao 32m của đập thủy điện Don Sahong để lên thượng nguồn, đủ sức sinh sản, rồi sau đó đàn cá con rủ nhau bơi về hạ lưu. Có lẽ cá sẽ chỉ còn trong ký ức của người dân sống dọc con sông này.

PGS.TS Lê Anh Tuấn tại công trình đập thủy điện Don Sahong thời điểm giữa tháng 9-2016 - Ảnh: NVCC - LÊ ANH TUẤN
PGS.TS Lê Anh Tuấn tại công trình đập thủy điện Don Sahong thời điểm giữa tháng 9-2016 - Ảnh: NVCC - LÊ ANH TUẤN

Ngày 16-8-2016, dự án Don Sahong được khởi công dù đã được bắt đầu xây dựng từ hơn một năm trước.

Tập đoàn Mega First Corporation Berhad (Malaysia) là nhà đầu tư chính. Công trình này do ba tập đoàn xây dựng gồm Don Sahong Power Company, Power China và SinoHydro thực hiện. Nhà thầu cung cấp thiết bị và tổ chức thi công là của Power China và SinoHydro (Trung Quốc).

Đây là dự án thủy điện thứ hai trên đất Lào trong số chín dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

Trước đó ngày 7-11-2012, dự án thủy điện Xayabury (tỉnh Xayabury, phía bắc thủ đô Vientiane, Lào) đã được khởi công.

PGS.TS LÊ ANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp