Theo đó, hàng chục ngàn công nhân tại địa phương sẽ được tuyển dụng, góp phần đưa người lao động ly hương về quê và có công ăn việc làm ngay tại quê hương.
Khi công nhân muốn làm việc gần nhà
Bà Nguyễn Kim Chi (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho biết bà có đứa cháu đang làm công nhân ở TP.HCM cứ gọi điện về hỏi thăm Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ chừng nào xây xong. "Chừng nào khu công nghiệp xong có nhà máy hoạt động nó sẽ về xin vô đây làm cho gần nhà", bà Chi nói.
Công nhân Nguyễn Thi Tuyết - quê ở Sóc Trăng, đang làm việc cho một doanh nghiệp may mặc ở Bình Dương - cho hay vợ chồng chị rất muốn làm việc ở gần nhà để gần cha mẹ nhưng tìm việc ở địa phương khó quá.
"Vợ chồng tôi đã học nghề may và làm việc này nhiều năm rồi, nhưng tìm việc tại tỉnh nhà không được. Làm nghề khác thì mức lương thấp không đủ sống, nếu có nhà máy tại Cần Thơ hay Sóc Trăng thì chắc chắn vợ chồng tôi sẽ về làm gần nhà", chị Tuyết nói.
Tương tự, anh Huỳnh Văn Tốt - quê ở Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, đang làm công nhân cho một doanh nghiệp da giày ở Đồng Nai - cho hay có nghe gia đình nói về khu công nghiệp lớn gì đó sắp khởi công tại quê nhà nên rất háo hức.
"Nếu có cơ hội tìm được việc làm phù hợp tại khu công nghiệp này tôi sẽ về gần nhà. Tôi mong địa phương có nhiều nhà máy để bạn bè cùng trang lứa về gần nhà làm", anh Tốt cho hay.
Một lãnh đạo doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2 (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho rằng doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy tại miền Tây là một xu thế do sự dịch chuyển lao động từ TP.HCM, Đông Nam Bộ trở về quê sau đại dịch COVID-19.
Theo vị này, trước đây doanh nghiệp tập trung xây dựng nhiều ở Bình Dương thì lao động cả nước gom về Bình Dương làm. Nhưng đại dịch COVID-19 xảy ra, đa phần lao động ở đó không về nhà được, rồi con cái đi làm nhiều năm cũng muốn làm gần nhà nên lượng lao động ở Bình Dương không còn nhiều nữa.
Doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng lực lượng lao động ở miền Tây còn nhiều nên đầu tư nhà máy dưới này vì da giày, may mặc sử dụng lao động khá nhiều.
"Công nhân về làm việc dưới này thì công việc đồng áng họ vẫn làm được. Có thêm thu nhập từ nguồn nhà, rồi sau đó đi làm thêm thì mới ổn định" - vị này nói và cho biết có nhiều khu công nghiệp đặt tại miền Tây sử dụng lao động địa phương là quá tốt.
Lên kế hoạch đón và giữ lao động ở quê
Tại Bến Tre, ông Phạm Thanh Hùng, giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, cho biết vào đầu tháng 8-2023 tỉnh này đã khởi công Khu công nghiệp Phú Thuận ở huyện Bình Đại rộng hơn 231ha, được xây dựng tại xã Phú Thuận và Long Định với tổng mức đầu tư 3.539 tỉ đồng.
Đây là khu công nghiệp thứ ba của tỉnh để giữ chân người lao động địa phương, tỉnh đã có kế hoạch từ đầu năm.
Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023 có khoảng 1.500 lao động từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ trở về địa phương do thất nghiệp, ngành lao động của tỉnh đã kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre giới thiệu việc làm cho khoảng 1.000 lao động.
Bên cạnh đó, chính sách thu hút lao động tại chỗ của địa phương này cũng có sự khác biệt so với các địa phương khác. Theo ông Hùng, địa phương sẽ đảm nhận việc đào tạo tay nghề và kết nối với các doanh nghiệp, còn việc giữ chân lao động là do các doanh nghiệp đưa ra các chính sách để thu hút và đãi ngộ.
Ông Hùng cũng cho biết thêm từ đầu năm đến nay sở đã liên kết với các trường nghề, trường trung cấp, cao đẳng đào tạo tay nghề cho khoảng 17.000 lao động với nhiều ngành nghề khác nhau như điện tử, dệt may, ô tô...
Tại Long An, ông Nguyễn Đại Tánh, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết dù tình hình kinh tế khó khăn chung, nhiều người lao động bị ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay nhưng Long An vẫn đang có nhiều chính sách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt, thu hút doanh nghiệp lẫn người lao động an sinh.
Hiện toàn tỉnh có 15.621 doanh nghiệp đăng ký, trong đó đang hoạt động 11.465 doanh nghiệp (doanh nghiệp hoạt động sản xuất chiếm 30%, kinh doanh chiếm 35%, xây dựng chiếm 17% và 18% còn lại là các lĩnh vực khác) với 352.385 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Qua cập nhật nhu cầu tuyển dụng lao động hằng tuần của sở và báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Long An, từ nay đến cuối năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khá cao, khoảng 20.000 vị trí việc làm.
Trong đó, kỹ thuật cơ khí - công nghệ 5,4%, chế biến - chế tạo 29,41%, kinh tế - văn phòng 4,53% và lao động phổ thông 60,66%.
Gấp rút rèn tay nghề
Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ dự kiến tạo công ăn việc làm cho khoảng 25.000 - 30.000 lao động. Đây là cơ hội trở về của những lao động đang làm việc ở TP.HCM, Bình Dương...
Ông Ðoàn Quốc Sử - chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ - cho biết dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ sẽ sử dụng hết nguồn lao động của địa phương.
Do đó, huyện Vĩnh Thạnh đã trình UBND TP xây dựng đề án đào tạo nghề cho lao động địa phương miễn phí. Dự kiến sẽ có từ 3.000 - 5.000 lao động địa phương được đào tạo để cung ứng cho các nhà máy trong Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.
"Hạn chế lao động địa phương bỏ đi TP.HCM, Bình Dương làm công nhân, ngoài ra lượng người dân bỏ đi chắc chắn sẽ quay về lao động gần nhà để vừa chăm con vừa chăm mẹ cha, làm mấy công ruộng sau nhà nên họ sẽ quay về", ông Sử cho hay.
Theo ông Nguyễn Phương Lam - giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ, việc VSIP chuẩn bị khởi công khu công nghiệp tại huyện Vĩnh Thạnh là "cú hích" không chỉ cho Cần Thơ mà có thể nói lan tỏa cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bởi đây là lần đầu tiên có một khu công nghiệp hoàn chỉnh bởi VSIP sẽ đầu tư bài bản, khác xa với cách tiếp cận của các doanh nghiệp trong nước cũng như những công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp trước đây.
Họ đầu tư tại TP Cần Thơ là một tín hiệu rất tốt, gần như chắc chắn khi khởi công, quá trình xây dựng và khi đưa vào vận hành thì có ngay doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chúng ta không phải chờ đợi như trước đây.
Theo ông Lam, TP Cần Thơ và các tỉnh cần hoàn thiện nhiều hơn, nhanh hơn những hạ tầng cơ bản đã có nhưng chưa hoàn thiện. Chẳng hạn như các tuyến đường bộ cao tốc Chính phủ đang đầu tư nhưng hạ tầng kết nối chưa có. Lẽ ra ngay bây giờ các tuyến đường đó phải cơ bản hoàn thành. Và hạ tầng khác là cảng biển.
Giai đoạn 2, giai đoạn 3 của VSIP có tổng diện tích gần 900ha, được xem là khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam, chưa kể có thể còn có những khu VSIP tại địa phương khác trong tương lai thì hạ tầng cảng biển và các hạ tầng khác phải đáp ứng, nếu không chúng ta không theo kịp.
"Tôi cho rằng sức hấp dẫn của Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang có, vấn đề là những điều kiện hạ tầng đáp ứng cần làm nhanh. Hạ tầng giao thông nội thành, nội thị, nội vùng phải hoàn thiện bên cạnh đầu tư của Chính phủ. Các đường vành đai của mình đến nay triển khai với tốc độ rất chậm, chưa kết nối được", ông Lam nói.
Về vấn đề lao động, rõ ràng khi có nhà đầu tư với quy mô lớn, diện tích lớn và khu sản xuất lớn thì chắc chắn cần lao động, tuy nhiên lao động theo xu hướng sắp tới là lao động có tay nghề. Ở những khu công nghiệp như VSIP thì không có khái niệm ngành thủy sản hay chế biến đầu tôm, đầu cá mà chắc chắn là sản xuất chế tạo và chế biến.
Do đó, ông Lam cho rằng điều đầu tiên các địa phương cần làm là đoán xu thế sắp tới là gì để đào tạo tay nghề đáp ứng. Đây là cơ hội để tạo việc làm, kéo lao động đã đi TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ để họ quay trở về - những lao động đã có tác phong công nghiệp.
Thứ hai, dù có đón lượng lao động này trở về đi nữa thì cũng giải quyết câu chuyện lao động tại chỗ, để họ đừng đi nữa. Như vậy, các địa phương trong vùng cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, nếu không sẽ không đáp ứng điều kiện làm việc với máy móc thiết bị hiện đại.
Có một điểm cần lưu ý là các khu công nghiệp hiện nay ở các tỉnh miền Tây đều ít quan tâm xây dựng khu ký túc xá, nhà ở cho công nhân. Các tỉnh phải có kế hoạch này ngay từ bây giờ, không chỉ cho khu VSIP này thôi mà trong tương lai cần xây dựng cho nhiều khu khác.
* Ông NGUYỄN PHƯƠNG LAM (giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ):
Sẽ có nhiều nhà đầu tư đến miền Tây
Có hai tín hiệu tốt đối với Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thứ nhất, Chính phủ Singapore đang đặt ra kỳ vọng lớn về năng lượng tại Đồng bằng sông Cửu Long. Họ sẽ mua năng lượng sạch ở Việt Nam, đặt ở Đồng bằng sông Cửu Long dẫn về Singapore, các địa phương Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và các tỉnh ven biển có thế mạnh năng lượng điện gió trở thành trung tâm năng lượng mới của Việt Nam.
Trung Quốc cũng rất quan tâm tới Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đầu tháng 9, tổng lãnh sự Trung Quốc sẽ dẫn đoàn 30 doanh nghiệp về đây để tìm hiểu hợp tác đầu tư và họ đặt vấn đề cụ thể, muốn VCCI cùng làm diễn đàn Việt Nam - Trung Quốc đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long.
Tháng 10-2023, chủ tịch một tập đoàn logistics lớn nhất của Nhật Bản sẽ đích thân đến Cần Thơ. Tất nhiên họ đã có nghiên cứu và chiến lược phát triển là 40% tăng trưởng của họ trong 10 năm tới là tại Việt Nam, họ muốn đến Cần Thơ để xem cơ hội này.
Những vấn đề trên cho thấy một vùng rộng lớn, trong đó Cần Thơ là tâm điểm, trở thành trung tâm logistics của cả khu vực từ kho bãi, bến cảng cho tới giao thông vận tải, trung tâm đóng gói hàng hóa. Chúng tôi đang sắp lịch cho họ làm việc với TP Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng liên quan cảng Trần Đề.
Sức hấp dẫn của Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là có, vấn đề là cần làm nhanh hạ tầng gồm giao thông nội thành, nội thị, nội vùng bên cạnh đầu tư của Chính phủ. Các đường vành đai của mình đến nay gần như nằm trên giấy, triển khai với tốc độ rất chậm.
* Ông PHẠM VĂN THIỀU (chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu):
Không chấp nhận qua Tết lại đi miền Đông
Trước Tết người dân về quê ăn Tết, rồi qua Tết lũ lượt trở lại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ để kiếm công ăn việc làm. Câu chuyện này lặp đi lặp lại nhiều năm qua do chúng ta không giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động được.
Bạc Liêu là vùng trũng nên việc phát triển công nghiệp giải quyết lao động tại chỗ rất khó khăn. D
oanh nghiệp họ đến rồi đi vì chi phí logistics cao quá, đầu tư vào nhà máy, xí nghiệp ở đây lớn quá mà chi phí logistics cao quá thì họ đến nghiên cứu rồi bỏ đi, không đầu tư nữa. Lý do là hệ thống giao thông không hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, nhiệm kỳ tới và nhiệm kỳ tới nữa khi hệ thống đường cao tốc được Nhà nước đầu tư hoàn chỉnh, rồi kết hợp với các tuyến đường ven biển sắp được triển khai, cộng với các tuyến đường nội tỉnh đấu nối các tuyến cao tốc thì tôi nghĩ rằng phát triển công nghiệp của tỉnh sẽ nhanh hơn vì dư địa của tỉnh còn rất nhiều.
Bài toán đặt ra sắp tới là chúng ta phải làm sao giữ chân lao động. Đây là nguồn lực mà chúng ta lãng phí quá lớn do chưa có điều kiện giữ chân họ lại để họ làm việc, để lao động sản xuất trên mảnh đất quê hương của mình thì chi phí thấp hơn, cuộc sống ổn định hơn so với lao động ngoài tỉnh.
* GS HÀ THANH TOÀN (hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ):
Sẽ đề xuất VSIP hợp tác đào tạo nguồn nhân lực
Trường đại học Cần Thơ rất ủng hộ việc triển khai xây dựng Khu công nghiệp VSIP. Tôi cũng sẽ đề xuất lãnh đạo VSIP có ký kết hợp tác giữa Trường đại học Cần Thơ và VSIP trong đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp này. Cần bao nhiêu nhân lực, lĩnh vực nào, mình sẽ ký kết dựa theo nhu cầu của VSIP để làm.
Nhà trường sẽ hỗ trợ nguồn nhân lực liên quan vấn đề kỹ thuật, công nghệ, cũng như trao đổi thầy cô giáo đến các doanh nghiệp để tư vấn khởi đầu, rồi đưa sinh viên đến thực tế, thực tập, trao đổi...
Nói chung sẽ có rất nhiều việc mà tôi nghĩ trường sẽ phối hợp, hỗ trợ toàn diện với VSIP để chuẩn bị nguồn nhân lực và các tiến bộ kỹ thuật mới cho các doanh nghiệp đầu tư tại Khu công nghiệp VSIP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận