Ngày 23-4, Hội đồng nghị viện châu Âu (PACE) khai mạc phiên họp mùa xuân tại thành phố Strasbourg (Pháp) - Ảnh: HỘI ĐỒNG CHÂU ÂU
Tối 22-4, Hội đồng nghị viện châu Âu đã công bố báo cáo điều tra độc lập kết luận một số nghị sĩ trong cơ quan này bị nghi ngờ nhận tiền bạc và quà cáp từ nước cộng hòa Azerbaijan để bảo vệ lợi ích cho quốc gia này. Báo chí châu Âu đã gọi vụ này là "ngoại giao trứng cá muối".
Báo cáo điều tra được công bố ngay trước khi Hội đồng nghị viện châu Âu (PACE) khai mạc phiên họp mùa xuân tại Strasbourg (Pháp) ngày 23-4. Báo cáo dày 211 trang do "Tổ điều tra độc lập về cáo buộc tham nhũng trong Hội đồng nghị viện" soạn thảo.
Tổ điều tra gồm ba chuyên gia: Cựu thẩm phán Jean-Louis Bruguière người Pháp-chuyên gia về chống khủng bố tại các tổ chức quốc tế; cựu thẩm phán Nicolas Bratza người Anh-nguyên chánh án Tòa án Nhân quyền châu Âu và bà Elisabet Fura người Thụy Điển-cựu thẩm phán Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Báo chí vạch trần các nghị sĩ "bẩn"
Sự việc bị phanh phui hồi năm ngoái. Hàng chục tờ báo ở châu Âu như Suddeutsche Zeitung (Đức), Le Monde (Pháp), The Guardian (Anh), Berlingske (Đan Mạch) đã phối hợp với tổ chức phi chính phủ "Dự án Điều tra về tham nhũng và tội phạm có tổ chức" (OCCRP) công bố vụ tham nhũng trong nội bộ PACE.
Ông IIham Aliyev, 56 tuổi, cầm quyền từ năm 2003, tiếp tục tái đắc cử Tổng thống Azerbaijan vào ngày 11-4-2018 cho nhiệm kỳ thứ tư - Ảnh: AP
PACE gồm 324 nghị sĩ của 47 quốc gia thành viên Hội đồng châu Âu, trong đó có 28 nước Liên minh châu Âu. PACE họp mỗi năm bốn tuần tại Strasbourg để thảo luận về các vấn đề dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền chứ không có quyền lập pháp.
Báo chí tiết lộ qua nghiên cứu 16.000 bảng kê giao dịch ngân hàng cho thấy từ năm 2012-2014 Azerbaijan đã chi 2,5 tỉ euro để vận động hành lang đối với châu Âu nhằm đánh bóng hình ảnh tích cực về Azerbaijan và tác động đến các quyết sách của châu Âu đối với Azerbaijan.
Trong số này có nhiều triệu euro được chi ra để "mua" một số nghị sĩ của PACE. Ví dụ năm 2015, một phái đoàn của Hội đồng châu Âu đã đánh giá cuộc bầu cử quốc hội Azerbaijan là "bước tiến đến dân chủ".
Năm 2013, một báo cáo chỉ trích tình hình "tù chính trị" tại Azerbaijan đã bị PACE bác bỏ vì nghị sĩ Luca Volontè liên tục gây sức ép. Nhờ "công trạng" này, một quỹ do ông Luca Volontè phụ trách đã nhận được 2,39 triệu euro do Azerbaijan tài trợ thông qua doanh nghiệp của vợ ông.
Trong khi đó, các nghị sĩ có liên quan khăng khăng cho rằng đó là tiền thù lao hợp pháp nhận được do công lao tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ ở Azerbaijan .
Các nghị sĩ có liên quan trong báo cáo được mời ngừng tham gia hoạt động của PACE trong thời gian một ủy ban của PACE xem xét từng trường hợp cụ thể"
Chủ tịch PACE Michele Nicoletti tuyên bố tối ngày 22-4-2018
Nhận tiền để nói tốt cho nước bạn
Từ tiết lộ của báo chí, tổ điều tra độc lập do PACE thành lập bắt đầu hoạt động vào ngày 26-6-2017.
Báo cáo điều tra công bố hôm 22-4 vừa qua kết luận khoảng một chục thành viên trước đây và hiện nay của PACE đã bị nghi ngờ nhận hối lộ để bênh vực lợi ích riêng của Azerbaijan và làm trái quy tắc ứng xử của PACE.
Họ được phía Azerbaijan tặng trứng cá muối (caviar) và thảm, được lưu trú miễn phí trong các khách sạn sang trọng ở Baku hoặc được "lại quả" bằng tiền. Chính vì vậy vụ này được gọi là "ngoại giao trứng cá muối" (caviargate).
Các nghị sĩ bị "mua" thuộc các quốc tịch Đức, Tây Ban Nha, Anh, Ba Lan, Bỉ, Ý, Thụy Điển, Na Uy, Azerbaijan.
Tiêu biểu như trường hợp của ông Pedro Agramunt người Tây Ban Nha. Ông này đã trao cho phái đoàn Azerbaijan một báo cáo mật về Azerbaijan, sau đó phía Azerbaijan đã gợi ý để ông sửa lại báo cáo.
Ông Pedro Agramunt (trái) buộc phải từ chức chủ tịch PACE sau chuyến đi đến Syria gặp Tổng thống Bashar al-Assad - Ảnh: VĂN PHÒNG TỔNG THỐNG SYRIA
Ông Agramunt còn bị nghi ngờ được phía Azerbaijan hậu thuẫn để nắm chức chủ tịch PACE vào tháng 1-2016. Tuy nhiên đến tháng 10-2017, ông buộc phải từ chức vì ngoài nghi vấn nhận tiền của Azerbaijan, ông bị phê bình vì đi Syria gặp Tổng thống Bashar al-Assad bằng máy bay của Nga mà không báo cáo với PACE.
Báo cáo điều tra nêu có năm trường hợp cựu thành viên PACE đã vận động hành lang ủng hộ Azerbaijan và nhận hậu tạ của Azerbaijan, trong đó có hai nghị sĩ Đức.
Ông Eduard Lintner bị nghi ngờ đã nhận 800.000 euro qua trung gian của các công ty bình phong. Bà Karin Strenz cũng đã nhận phong bì vì "công lao" vận động hành lang ủng hộ Azerbaijan. Năm 2015, bà là thành viên người Đức duy nhất trong PACE bỏ phiếu phản đối đề nghị trả tự do cho "tù chính trị" ở Azerbaijan.
Trường hợp đáng chú ý nhất là nghị sĩ Luca Volontè người Ý. Ông này bị nghi ngờ đã nhận 2,4 triệu euro từ Azerbaijan. Báo cáo điều tra khẳng định ông đã nhiều lần nhận chuyển khoản từ Azerbaijan qua trung gian của các công ty bình phong Anh. Tại Ý vào cuối năm 2016, ông này đã từng bị điều tra về tội rửa tiền.
Nghị sĩ Luca Volontè người Ý bị nghi ngờ đã nhận 2,4 triệu euro từ Azerbaijan - Ảnh: AFP
Mỗi nước tự xử lý nghị sĩ
Azerbaijan gia nhập PACE từ năm 2001. Quốc gia giàu có này có tài nguyên dầu mỏ dồi dào, đã hào phóng chi tiền và quà cáp cho các thành viên PACE nhằm củng cố uy tín của Tổng thống IIham Aliyev đồng thời đập tan những chỉ trích về "tù chính trị" hay về tiến trình bầu cử ở Azerbaijan.
Azerbaijan cũng mong muốn giới thiệu Azerbaijan như một đất nước Hồi giáo không khoan dung cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, "ngoại giao trứng cá muối" còn là phương tiện để Azerbaijan tác động đến các cuộc đối thoại giải quyết xung đột ở vùng Nagorno-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia.
Ba chuyên gia điều tra độc lập giải thích còn nhiều nghi vấn liên quan đến nhiều thành viên PACE khác nữa nhưng tổ điều tra không thể xem xét tài khoản ngân hàng nên chỉ xem xét đến bằng chứng là quà cáp.
Chủ tịch đương nhiệm PACE Michele Nicoletti cho biết báo cáo điều tra sẽ được gửi cho quốc hội của 47 nước thành viên để quốc hội xử lý các nghị sĩ có nêu trong báo cáo. Ông cũng cam kết sẽ củng cố lại quy tắc đạo đức trong cơ quan này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận