Nhiều chuyên gia kỳ vọng những chính sách hỗ trợ kịp thời như chỉ đạo của Thủ tướng sẽ giúp doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh: NG.HIỂN
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một số bộ, ngành khẳng định đang gấp rút triển khai các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng. Theo Bộ Tài chính, nhiều loại thuế sẽ được gia hạn, tức là cho chậm nộp trong 5 tháng với tổng số tiền thuế được giãn nộp ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng.
“Trong tháng 3 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ chính sách giảm thuế, phí và lệ phí. Các khoản phí, lệ phí nào thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác sẽ được cắt giảm ngay, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội.
Ông ĐINH TIẾN DŨNG (bộ trưởng Bộ Tài chính)
Tung gói hỗ trợ 280.000 tỉ đồng
Nhận định tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhất là trong bối cảnh hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó một số ngành, lĩnh vực sản xuất bị thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo phải tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Trong đó, triển khai gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng trên cơ sở đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng sẽ tập trung vào việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí...
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp như cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt... Xem xét không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 về thuế, hải quan đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm... Chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý 1 và quý 2-2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý...
Với ngành du lịch và hàng không, Thủ tướng yêu cầu cần khẩn trương phục hồi bằng các chính sách như đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch cấp quốc gia; kích cầu du lịch nội địa; tiếp thị sản phẩm mới thu hút khách du lịch quốc tế.
Xét và cải tiến thủ tục cấp thị thực điện tử, đề xuất việc miễn phí thị thực đối với khách du lịch đi theo chương trình du lịch trọn gói đến hết năm 2020, trước hết là các vùng, quốc gia không có dịch. Tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trên cơ sở giảm giá, phí, lệ phí, chi phí của ngành hàng không...
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt các bộ, ngành liên quan phải nghiên cứu chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định...
Một trong số hàng trăm mặt bằng tại TP.HCM đã bị người thuê đóng cửa, trả lại mặt bằng cho chủ nhà do kinh doanh gặp khó mùa COVID-19 - Ảnh : T.T.DŨNG
Sẽ giãn nộp các loại thuế trong 5 tháng
Chiều 6-3, trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh chỉ thị của Thủ tướng, ông Đinh Tiến Dũng - bộ trưởng Bộ Tài chính - cho biết Luật quản lý thuế quy định Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt.
"Để giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng đã đồng ý với nội dung đề xuất của Bộ Tài chính với gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh" - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, Bộ Tài chính đang hoàn thiện và sẽ trình Chính phủ ngay trong tháng này dự thảo nghị định về gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh; gia hạn tiền thuế đất cho đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19 như du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, da giày...
"Các loại thuế trên sẽ được gia hạn, tức là chậm nộp trong 5 tháng. Ước tính tổng số tiền thuế được giãn nộp là khoảng 30.000 tỉ đồng" - ông Dũng nói, đồng thời khẳng định ngay trong tháng 3 này, Bộ Tài chính trình Chính phủ chính sách giảm thuế, phí và lệ phí.
"Nếu khoản phí, lệ phí nào thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác cũng sẽ cắt giảm ngay, còn vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội. Vì đã giảm thuế là phải được Quốc hội quyết" - ông Dũng thông tin.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công thương - cho biết bộ này sẽ sớm thành lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp để trực tiếp triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp. Về lâu dài, để thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn, các dự án đóng vai trò động lực cho tăng trưởng, nhất là dự án năng lượng.
Việc tập trung phát triển thương mại điện tử, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp VN triển khai phân phối hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường nội địa cũng rất cần thiết. Việc đa dạng hóa thị trường, mặt hàng nhập khẩu cũng sẽ được đưa vào nội dung thảo luận tại các phiên họp của Ủy ban hỗn hợp giữa VN với các nước và dự thảo chiến lược phát triển xuất nhập khẩu giai đoạn tới.
"Chúng tôi sẽ sớm hoàn tất công tác chuẩn bị triển khai thực hiện EVFTA nhằm tận dụng cơ hội mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của VN cũng như tìm kiếm các thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào thay thế. Tập trung phát triển thị trường nội địa, hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường nội địa".
TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng):
Thúc đẩy đầu tư công để làm "mồi"
Trong chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ phải nghiên cứu chuyển đổi từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, như dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020; xem xét việc áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định...
Theo tôi, đây là giải pháp đúng đắn. Bởi trong thời điểm khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng co cụm lại chứ không dám bung ra làm ăn. Do đó, để khuyến khích các doanh nghiệp, tạo động lực cho nền kinh tế, rất cần vốn "mồi" bằng thúc đẩy đầu tư công.
Về gói hỗ trợ tín dụng, theo tôi, thực chất nằm trong định mức tín dụng hằng năm của doanh nghiệp nhưng tập trung vốn cho những đối tượng ưu tiên, phân loại có mục tiêu để vực dậy doanh nghiệp khó khăn. Vẫn chưa thể đánh giá hết hệ quả của dịch COVID-19 gây ra, nên nhóm giải pháp mà Chính phủ đưa ra là toàn diện, cấp thiết giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
A.H. ghi
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (ĐH Kinh tế TP.HCM):
Bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc
Tôi cho rằng bảy nhóm giải pháp chính được nêu trong Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh của Thủ tướng ban hành khá toàn diện và rất sát với thực tiễn của VN chứng tỏ có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu sát. Nói nôm na là bắt đúng bệnh, bốc đúng thuốc, chẩn đoán đúng "căn bệnh" mà nền kinh tế đang gặp phải do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm giảm bớt áp lực, gánh nặng mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Chẳng hạn như giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch cũng như tạo ra điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp làm ăn thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt thanh tra, kiểm tra. Với chính sách này, các doanh nghiệp cũng bình đẳng, không phân biệt ông lớn, ông nhỏ, công tư... mà chỉ cần bị ảnh hưởng là sẽ được hỗ trợ.
Chính phủ đã phát lệnh, điều quan trọng còn lại là sẽ thực thi như thế nào, sẽ đi vào nền kinh tế qua kênh truyền dẫn như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. 250.000 tỉ đồng là con số rất lớn, do vậy cần có sự thực thi có trách nhiệm của các bộ, ngành để tạo ra tấm lá chắn vững vàng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đi vào đúng đối tượng và tránh việc lợi dụng chính sách.
TS Bùi Quang Tín (CEO Trường doanh nhân BizLigh):
Tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh
Tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế VN rất lớn và hệ quả của nó không chỉ trong năm 2020 mà còn có khả năng kéo dài đến năm 2021. Do vậy, cần giải pháp tổng thể để vực dậy nền kinh tế. Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh đã được Chính phủ ban hành, vấn đề còn lại bây giờ là làm sao cho chính sách được vận hành trơn tru, các bộ ngành, địa phương phải chung tay, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không có doanh thu, gặp khó khăn về dòng tiền. Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Tuy nhiên có vấn đề chưa rõ là tái cơ cấu, giãn nợ, giảm lãi suất các ngân hàng có được hỗ trợ gì từ Nhà nước hay không. Đành rằng cứu doanh nghiệp cũng là cứu mình nhưng cũng cần có các biện pháp hỗ trợ lại ngân hàng, tránh trường hợp ngân hàng cảm thấy bị thiệt nên làm theo kiểu đối phó, không mang lại hiệu quả cao.
Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh:
Phải tiếp sức dài hơi
Điều doanh nghiệp mong muốn nhất lúc này là được sự "tiếp sức hà hơi" từ ngân hàng, cơ quan quản lý bằng nhiều biện pháp. Giải pháp tái cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời gian trả nợ là giải pháp đúng, nhưng chưa đủ vì doanh nghiệp không thể đứng yên mà không hoạt động sản xuất. Doanh nghiệp vẫn cần dòng tiền nhằm duy trì sản xuất kinh doanh dù ở mức tối thiểu để nuôi lao động và tìm cơ hội phục hồi.
Do vậy, cùng với việc giãn nợ, các ngân hàng cũng nên tiếp tục cho vay để doanh nghiệp duy trì sản xuất mà không phải đòi hỏi các điều kiện như phương án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp... Nếu đòi như vậy trong lúc này, doanh nghiệp không thể nào đáp ứng được. Nếu không được hỗ trợ vay vốn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phải đóng cửa, không còn khả năng trả nợ cũ. Thời gian hỗ trợ cũng lâu dài, từ 6 tháng trở lên chứ không nên chỉ hỗ trợ trong thời gian quá ngắn.
ÁNH HỒNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận