Thẩm phán Neil Gorsuch dễ dàng vượt qua vòng phê chuẩn ở ủy ban nhưng không có nghĩa con đường tới Tòa tối cao đã trải sẵn thảm đỏ cho ông - Ảnh: Reuters |
Việc ông Gorsuch nhận được cái gật đầu của Ủy ban Tư pháp Thượng viện đã được dự đoán từ trước.
Với 11 phiếu thuận và 9 phiếu chống, ngày 3-4 (giờ Mỹ), rạng sáng 4-4 giờ Việt Nam, Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa chiếm đa số (11/20 ghế) đã chấp thuận ông Gorsuch cho chiếc ghế thẩm phán thứ 9 tại Tòa tối cao.
Chiến thắng ở ủy ban này chưa hẳn đã mở rộng cánh cửa bước vào Tòa án tối cao cho người được ông Trump đề cử. Phía trước là những người Dân chủ đang chuẩn bị sẵn sàng tranh luận đến khi kiệt sức trong phiên phê chuẩn toàn Thượng viện ngày 7-4 tới.
Phe Dân chủ dồn lực quyết trận sống mái
Các nghị sĩ Dân chủ đã liên tục phản đối đề cử của ông Trump, cáo buộc đó là âm mưu tiếm quyền tư pháp của đảng Cộng hòa. Do đó, quá trình phê chuẩn tại Thượng viện sẽ gặp nhiều khó khăn hơn dù phe Cộng hòa đang chiếm đa số (52 ghế) tại Thượng viện.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo Reuters, đã có 41 thượng nghị sĩ Dân chủ công khai tuyên bố phản đối ông Gorsuch, 3 người chưa ra quyết định. Phải nói rằng để có được con số này, phe Dân chủ đã phải tốn rất nhiều công sức, một quá trình đầy gay cấn và kịch tính cho đến phút chót khi thượng nghị sĩ Chris Coons tuyên bố không ủng hộ ông Gorsuch.
Phe Dân chủ đang quyết sử dụng “thủ tục Filibuster” – quyền được tranh luận không giới hạn cho tới khi kiệt sức để kéo dài thời gian phê chuẩn ở phiên toàn Thượng viện.
Nếu phe Cộng hòa tại Thượng viện muốn chấm dứt tranh luận để bỏ phiếu, họ phải có đủ 60/100 phiếu thuận. Tuy nhiên, với 41 thượng nghị sĩ Dân chủ đã phản đối ông Gosuch, hi vọng có thể chấm dứt “thủ tục Filibuster” của phe Cộng hòa đang rất mong manh.
“Thẩm phán Neil Gorsuch sẽ được phê chuẩn trong tuần này, đó là những gì tôi có thể nói. Nhưng quá trình phê chuẩn diễn ra như thế nào thì còn phụ thuộc vào những người bạn Dân chủ”, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell thừa nhận trong chương trình “Meet the Press” của đài NBC ngày 2-4 (giờ Mỹ).
Thượng nghị sĩ John Cornyn, nhân vật thứ hai của phe Cộng hòa ở Thượng viện hi vọng, ngăn cản phê chuẩn thẩm phán Gorsuch bằng thủ tục “thủ tục Filibuster” sẽ là “nỗ lực hả hê” cuối cùng của phe Dân chủ.
“Nếu họ (các nghị sĩ Dân chủ) áp dụng thủ tục đó với ông Gorsuch, họ sẽ còn tiếp tục lặp lại nó với tất cả các ứng viên khác được tổng thống đề cử”, ông Cornyn tỏ ra quan ngại trong chương trình “Face the Nation” của đài CBS.
Gậy ông có đập lưng ông không?
Tuy nhiên, vẫn còn một lối thoát cho phe Cộng hòa và ông Gorsuch ở Thượng viện. Trong trường hợp bế tắc bởi “thủ tục Filibuster”, ông McConnell có thể thay đổi quy định, chấm dứt việc tranh luận bằng một cuộc bỏ phiếu với kết quả đa số quá bán (51/100 phiếu thuận), không cần phải theo quy định đa số tuyệt đối 60/100.
Đây là “đòn hạt nhân” mà Tổng thống Trump đã từng nhắc tới và ủng hộ thực hiện nếu phe Dân chủ Thượng viện “trở chứng”.
Ra đời dưới thời chính quyền của Tổng thống Dân chủ Barack Obama khi phe Dân chủ còn chiếm đa số ở Thượng viện, “đòn hạt nhân” là khắc tinh của “thủ tục Filibuster”, được áp dụng từ năm 2013. Mệt mỏi với các thượng nghị sĩ Cộng hòa liên tục sử dụng “thủ tục Filibuster” để chống lại các đề cử của ông Obam cho các vị trí trong nhánh hành pháp và tư pháp, các thượng nghị sĩ Dân chủ đã thúc đẩy “đòn hạt nhân”.
Ngày 21-11-2013, “đòn hạt nhân” đã được phe Dân chủ sử dụng. Với 52 phiếu thuận và 48 phiếu chống, Thượng viện do các nghị sĩ Dân chủ chiếm đa số đã phá vỡ bế tắc, phê chuẩn một loạt vị trí đề cử, chấm dứt các nỗ lực phản kháng của phe Cộng hòa.
Theo quy định, đối với các vấn đề quan trọng, trong đó có phê chuẩn thẩm phán Tòa án tối cao, cần phải đạt được tối thiểu 60/100 phiếu thuận mới được thông qua tại Thượng viện. Tuy nhiên, nói như đài CNN, “Thượng viện Mỹ sẽ thay đổi và khác bây giờ mãi mãi” nếu phe Cộng hòa quyết phê chuẩn ông Gorsuch bằng kết quả đa số quá bán, cũng giống như cách phe Dân chủ đã từng tạo ra “đòn hạt nhân” cách đây 4 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận