Bạn trẻ xin chữ tại "phố ông đồ" trước Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
Rất nhiều chương trình văn hóa - nghệ thuật được các địa phương lên kế hoạch triển khai.
TP.HCM: dời các sân khấu về quận, huyện
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho biết năm nay TP.HCM đã chỉ đạo tổ chức, nâng chất các loại hình vui chơi, giải trí để phục vụ người dân dịp Tết.
Cụ thể trong khu trung tâm TP.HCM có các hoạt động của đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, đường đèn (các con đường được trang trí ánh sáng nghệ thuật).
Do Tết năm nay không bắn pháo hoa, các sân khấu nghệ thuật cũng có chủ trương dời về biểu diễn tại các quận, huyện nên đường hoa Nguyễn Huệ sẽ trở thành điểm nhấn quan trọng thu hút khách tham quan và người dân chơi Tết tại khu trung tâm, đặc biệt là đêm giao thừa.
Ông Võ Trọng Nam, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM, cho biết khác với mọi năm đêm giao thừa TP.HCM tổ chức sân khấu ở khu trung tâm thì năm nay các sân khấu được chuyển về quận huyện, nhất là khu vực ngoại thành. Có tổng cộng 63 suất diễn phân bổ tại 14 quận, huyện.
Đặc biệt trong đêm 30 và mùng 1 Tết sẽ có 10 suất diễn của lực lượng chuyên nghiệp về biểu diễn tại các quận huyện, trong số này có những chương trình được truyền hình trực tiếp.
Mùng 5 Tết có lễ hội Đống Đa (tổ chức ở Trung đoàn Gia Định), mùng 7 có chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng ngày thành lập Đảng tại công viên tượng đài Bác Hồ.
Hà Nội: trình chiếu hình ảnh pháo hoa
Ông Tô Văn Động, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội, cho biết trong thời khắc giao thừa Tết Đinh Dậu, thành phố đã chuẩn bị một chương trình dựng sẵn kéo dài 5 phút, có đếm ngược 30 giây và đúng thời khắc giao thừa là hình ảnh bắn pháo hoa, pháo hoa nghệ thuật sẽ được trình chiếu.
Riêng với các chương trình nghệ thuật lớn của thành phố tổ chức trong đêm giao thừa, tại tất cả các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật sẽ có gắn màn hình LED như khu vực Nhà hát lớn, hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ, điểm biểu diễn nghệ thuật ở Tây Hồ, Hà Đông.
Tại các điểm này đều trình chiếu chương trình đón giao thừa, trong đó có đếm ngược 30 giây, sau đó đúng 0h là hình ảnh bắn pháo hoa, hình ảnh pháo hoa nghệ thuật sẽ được trình chiếu.
Ông Động cho biết đối với các cơ sở thờ tự, tôn giáo, vào đêm giao thừa từng đơn vị có thể thỉnh chuông báo hiệu thời khắc chuyển giao năm mới.
Huế: các chùa cử 3 hồi chuông trống
Ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết chương trình nghệ thuật chính tại quảng trường Ngọ Môn - Huế đón Tết như mọi năm vào đúng thời khắc giao thừa sẽ có một tiết mục trống.
Tỉnh cũng đang cân nhắc phương án có pháo sáng bừng lên để báo hiệu thời khắc giao năm. Ông Cao cho hay đã vận động các chùa và nhà thờ trên địa bàn tỉnh gióng lên hồi chuông trong giờ khắc giao năm.
Theo đại đức Thích Không Nhiên - Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, trong thời khắc giao thừa toàn bộ các ngôi chùa và Niệm Phật đường ở Huế đều cử ba hồi chuông trống Bát nhã, làm lễ đón giao thừa và cũng là lễ vía Đức Phật Di Lặc đản sinh.
Tây Nam bộ: nghe đờn ca tài tử, cải lương, múa lân
Theo ông Nguyễn Đức Đảm - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Tiền Giang, trong đêm giao thừa UBND tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật tại đường hoa Hùng Vương (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) từ 21h đến giao thừa.
Đặc biệt, người dân sẽ được thưởng thức các tiết mục đờn ca tài tử do chính các nghệ nhân của tỉnh biểu diễn tại sân khấu trên đường hoa Hùng Vương trong lúc chờ đến thời khắc giao thừa.
Tại Kiên Giang, lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh cho biết đã giao Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang chủ trì tổ chức chương trình nghệ thuật mừng Đảng, mừng xuân đêm giao thừa.
Các địa phương còn lại giao cho trung tâm văn hóa của địa phương mình tổ chức, với tinh thần chung là lựa chọn các tiết mục văn nghệ vui tươi, ca ngợi quê hương, đất nước.
Trong khi đó, tỉnh Bạc Liêu sẽ triển khai các hoạt động múa lân phục vụ người dân khi không bắn pháo hoa như hằng năm.
Bà Cao Xuân Thu Vân - giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu - cho biết cũng như mọi năm, tại quảng trường Hùng Vương sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chào đón năm mới (từ 20-22h) được truyền hình trực tiếp, nhưng năm nay “khoảng trống” hai giờ tới thời khắc giao thừa sẽ là các hoạt động biểu diễn múa lân (dự kiến kéo dài 30 phút), sau đó người dân tiếp tục các hoạt động thưởng lãm tại quảng trường chờ giao thừa.
Mong ấm no hơn năm cũ Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến người dân về kế hoạch đón giao thừa và những mong mỏi nhân năm hết Tết đến. Anh Phan Huy Cường (kỹ sư cơ khí, ngụ ở Q.1, TP.HCM): Nhớ khoảnh khắc cùng nhìn về một hướng
Tôi có một thú vui là mỗi dịp Tết đến xách máy ảnh chạy lòng vòng mấy chợ hoa Tết, hội hoa xuân, đường hoa Nguyễn Huệ và đặc biệt là đêm giao thừa để chụp hình làm kỷ niệm. Đêm cuối cùng trong năm, gia đình tôi cùng lên xe chạy ra đường hoặc chọn một tầng cao, một quán cà phê có view đẹp chờ ngắm pháo hoa. Khoảnh khắc cả thành phố, cả đất nước cùng nhìn về một hướng, cùng ước mơ, cùng hi vọng, theo tôi, có một ý nghĩa sâu sắc. Năm qua, đất nước ta có nhiều trận lũ, nhiều chuyện buồn do thiên tai gây ra. Tôi hi vọng năm sau mọi chuyện sẽ an lành và người dân cả nước lại được có cơ hội ngắm pháo hoa đón chào năm mới. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tiệp (29 tuổi, giám đốc Trung tâm ngoại ngữ - tin học Toàn Năng): Tết nhân văn
Nhiều năm nay, năm nào đêm giao thừa cả nhà chúng tôi cũng quây quần bên nhau đón chào năm mới. Nghe chủ trương không bắn pháo hoa, dùng tiền để lo cho người nghèo, tôi ủng hộ. Đó là một chủ trương nhân văn, thể hiện lá lành đùm lá rách, sự quan tâm với người dân nghèo. Lo được cho người nghèo đón Tết vui tươi thì cái Tết của toàn dân tộc mới càng thêm ý nghĩa, mới toát lên được giá trị ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Những người ở tuổi chúng tôi cứ mỗi dịp Tết đến lại trăn trở nhiều vấn đề của thời cuộc, nhiều vấn đề của đất nước. Năm qua, phong trào khởi nghiệp được phát động rầm rộ trong giới trẻ nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Năm tới phải làm sao để phong trào này phát triển mạnh, lan tỏa hơn nữa trong giới trẻ. Anh Phùng Tuấn Dũng (trưởng nhóm tình nguyện ABOB chuyên chụp ảnh cưới cho người khuyết tật và người nghèo): Tết vui hơn khi có sự sẻ chia
Năm nào cũng vậy, dù công việc bận rộn đến mấy, mấy anh em trong nhóm ham làm từ thiện cũng lên kế hoạch đi vận động, xin tài trợ, bỏ tiền túi để có thêm chút quà bánh phụ Tết với người nghèo. Năm nay, nhóm vừa tổ chức chuyến tặng quà Tết cho 500 gia đình khó khăn ở Bến Tre. Với chúng tôi, Tết mệt nhưng vui hơn nhiều nếu san sẻ được niềm vui cho mọi người. Năm nay không có pháo hoa, có lẽ tôi chỉ loanh quanh ở nhà, chờ giao thừa xông đất rồi lì xì mừng tuổi. Chúng tôi là những người trẻ thích làm từ thiện, luôn ủng hộ các ý tưởng tiết kiệm để chăm lo cho người nghèo. Tôi tán thành giảm bắn pháo hoa, dành kinh phí làm nhiều việc cần thiết hơn. Tôi đề xuất có thể trong một năm bắn pháo hoa nhiều dịp thì sau này chỉ nên bắn pháo hoa đêm giao thừa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận