Công trình xây dựng nhà ở tại quận 2, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Theo đó, bản vẽ xin cấp phép xây dựng vừa được đề xuất chỉ thể hiện các tiêu chí cơ bản như: mặt bằng các tầng, mặt cắt, ranh giới khu đất, ranh kiến trúc, ranh bancông, số tầng, chiều cao công trình.
Mẫu bản vẽ này đơn giản hơn rất nhiều so với bản vẽ xin cấp phép xây dựng hiện nay vốn rất nhiều chi tiết như phải thể hiện thiết kế bên trong căn nhà, vị trí các phòng, cầu thang, nhà vệ sinh...
Khổ sở với bản vẽ xin phép xây dựng
Ông Q. (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết ông vừa xây xong căn nhà và đang làm thủ tục hoàn công. Khi xin giấy phép xây dựng, ông Q. phải thuê công ty đo vẽ để làm bản vẽ xin phép tốn hơn 2 triệu đồng. Sau đó, đơn vị thi công dựa trên bản vẽ kèm giấy phép để làm bản vẽ thiết kế xây dựng.
Trong bản vẽ xin phép xây dựng, cầu thang được bố trí nằm ngang nhưng khi xây thực tế thì thấy không đẹp nên ông Q. bàn với đơn vị thi công thiết kế lại cầu thang nằm dọc sát vách tường.
Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng kiểm tra công trình yêu cầu ông Q. phải làm thủ tục điều chỉnh giấy phép xây dựng vì sai so với bản vẽ. Ông Q. phải nhờ đơn vị thiết kế điều chỉnh lại bản vẽ để làm thủ tục xin điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Khu đất của ông Q. có cạnh ngang mặt tiền bị xéo, bản vẽ giấy phép xây dựng cũng bị xéo theo hình thửa đất nên ông quyết định bỏ phần đất xéo, xây bức tường trước nhà lùi lại cho vuông vức. Tính ra, diện tích nhà của ông nhỏ hơn so với giấy phép xây dựng. Lần này, ông Q. "đuối" quá nên không xin điều chỉnh giấy phép nữa.
Với lại, ông Q. cho rằng nhà mình xây nhỏ hơn diện tích xin phép nên không cần xin điều chỉnh. Khi làm thủ tục hoàn công, ông Q. phải thuê một công ty khác làm bản vẽ hoàn công. Phần diện tích nhà nhỏ hơn so với giấy phép xây dựng, ông được tư vấn có thể sẽ bị xử phạt và khó khăn trong việc làm thủ tục hoàn công.
Nhiều người dân đã từng xây nhà cho biết họ khổ sở khi xin giấy phép xây dựng cũng như quá trình thi công vì cơ quan chức năng quản lý xây dựng rất chặt theo bản vẽ. Cứ mỗi chi tiết thay đổi là phải điều chỉnh giấy phép xây dựng.
Có khi chủ nhà không rành, đơn vị thiết kế tự ý điều chỉnh thiết kế bên trong căn nhà cho hợp với công năng, không gian sử dụng thì bị cơ quan chức năng phát hiện và xử phạt, đình chỉ thi công. Chủ nhà phải điều chỉnh giấy phép xây dựng, đóng phạt mới được xây tiếp.
Đội trưởng đội thanh tra địa bàn của một quận tại TP.HCM cho biết theo quy định, đối với nhà ở riêng lẻ thì việc thay đổi thiết kế bên trong, thay đổi kiến trúc mặt tiền nhà trong khu vực không có quy chế quản lý kiến trúc thì không được xem là xây dựng sai phép. Tuy nhiên, một số quận, huyện quan niệm rằng những nội dung nào chủ nhà xây không đúng với giấy phép là sai phép.
Nếu thanh tra Sở Xây dựng có bỏ qua những thay đổi thiết kế bên trong nhà thì các đơn vị khác cũng yêu cầu phải xử lý. Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhận định rằng việc quản lý trật tự xây dựng theo cách này đã gây bức xúc, phát sinh khiếu kiện trong dân và cũng không loại trừ nảy sinh tiêu cực trong công tác quản lý trật tự xây dựng.
Người dân không cần làm bản vẽ xin phép xây dựng
Một chuyên gia lĩnh vực xây dựng cho biết với bản vẽ đơn giản do Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất thì người dân sẽ không cần làm bản vẽ khi xin giấy phép xây dựng. Người dân chỉ nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đơn xin cấp phép xây dựng, cơ quan cấp phép sẽ chiếu theo quy hoạch của khu vực rồi cung cấp bản vẽ kèm giấy phép xây dựng. Trên cơ sở bản vẽ này, chủ nhà sẽ thiết kế để xây dựng ngôi nhà.
Theo Sở Xây dựng, với cách thực hiện bản vẽ như trên, người dân sẽ dễ dàng nộp hồ sơ xin phép xây dựng qua mạng. Và qua bản vẽ giấy phép xây dựng này cũng thể hiện những nội dung mà cơ quan quản lý trật tự xây dựng cần quản lý trong một căn nhà ở riêng lẻ gồm: chỉ giới xây dựng, độ vươn bancông, chiều cao công trình, số tầng.
Các cán bộ thuộc thanh tra Sở Xây dựng nhận định rằng với bản vẽ giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng đề xuất, việc quản lý trật tự xây dựng sẽ đơn giản, nhẹ nhàng hơn. "Hiện nay, việc quản lý quá chi tiết theo bản vẽ giấy phép xây dựng là không cần thiết. Lực lượng thanh tra Sở Xây dựng còn mang tiếng làm khó người dân khi kiểm tra từng chi tiết theo bản vẽ giấy phép xây dựng" - vị cán bộ này cho hay.
KTS Võ Kim Cương - nguyên phó Văn phòng kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng lâu nay nhiều người dân và cả cơ quan chức năng lầm tưởng rằng mỗi nét vẽ trên bản vẽ đều có tính pháp lý. Vì vậy nên nhất nhất phải xây dựng đúng y chang như bản vẽ; cửa nhà, cầu thang sai vị trí cũng bị phạt. "Trong khi đó, bản vẽ chỉ là minh họa cho giấy phép xây dựng chứ không có tính bắt buộc" - ông Võ Kim Cương khẳng định.
Về đề xuất mẫu bản vẽ đơn giản kèm theo giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng, KTS Võ Kim Cương cho rằng nếu được chấp thuận thì "cực kỳ tốt" cho người dân và cả cơ quan quản lý. Người dân không bị gò bó khi xây nhà, các đơn vị thiết kế tự do sáng tạo sẽ làm cho không gian bên trong căn nhà đẹp hơn, công năng sử dụng hợp lý hơn.
"Tuy nhiên, cần cải cách làm sao để giấy phép xây dựng thể hiện bằng chữ là yếu tố chính, bản vẽ chỉ là tài liệu minh họa. Nếu được chấp thuận thì TP.HCM nên thực hiện thí điểm ở một vài khu vực rồi lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân. Sau đó cân nhắc xem thủ tục hành chính đơn giản hơn được bao nhiêu, khâu nào cần điều chỉnh, cách triển khai như thế nào để thuận tiện và phù hợp cho người dân" - KTS Võ Kim Cương góp ý.
Đơn giản hơn so với bản vẽ quy định hiện hành
Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất với Bộ Xây dựng về việc sử dụng mẫu bản vẽ nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng để cấp phép xây dựng (không cần cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt) trên địa bàn TP.HCM. Bản vẽ này chỉ thể hiện những tiêu chí cơ bản như mặt bằng các tầng, mặt cắt của công trình, ranh giới thửa đất, ranh kiến trúc, ranh bancông, vị trí, ranh xây dựng...
Trong khi đó, bản vẽ xin phép xây dựng hiện hành theo thông tư 15 năm 2016 của Bộ Xây dựng, gồm: bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỉ lệ 1/50 - 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình; bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỉ lệ 1/50 - 1/200; bản vẽ mặt bằng móng tỉ lệ 1/50 - 1/200 và mặt cắt móng tỉ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỉ lệ 1/50 - 1/200.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận