Để được công nhận phó giáo sư, ứng viên phải đạt nhiều tiêu chí mà trong đó có quy định về công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất ba bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích...
Le lói chục năm, huy hoàng giờ chót
Ông N.Đ.T. - giảng viên một trường đại học tại Hà Nội - đăng ký xét phó giáo sư chuyên ngành du lịch. Ông được cấp bằng tiến sĩ năm 2017. Theo hồ sơ tự khai, ông T. đã công bố 27 bài báo khoa học, trong đó 4 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín và 2 bài trên tạp chí quốc tế ISI, Scopus.
Trước khi được công nhận tiến sĩ, ông T. không có bất kỳ bài báo nào trên các tạp chí quốc tế. Sau khi được cấp bằng tiến sĩ năm 2017, ông cũng không có công bố quốc tế nào trong nhiều năm sau đó. Tuy nhiên, trong ba năm cuối tính đến ngày nộp hồ sơ xét chức danh phó giáo sư, ông T. bất ngờ công bố đến 6 bài trong đó có 4 bài năm 2023 và 2 bài năm 2021.
Một trường hợp khác cũng có sự bùng nổ đáng kinh ngạc trong 3 năm cuối. Ông P.X.D. - giảng viên một trường đại học tại Bắc Ninh - đăng ký xét phó giáo sư chuyên ngành thể dục thể thao. Ông D. được cấp bằng tiến sĩ năm 2017. Năm 2017 - 2020, ông này công bố nhiều bài báo trong nước nhưng không có bất kỳ bài quốc tế nào.
Đến năm 2021 ông công bố quốc tế 4 bài, năm 2022 tăng gấp đôi với 8 bài, năm 2023 công bố 3 bài. Như vậy chỉ trong vòng 3 năm, ông này công bố tổng cộng 15 bài báo quốc tế, trong đó có 12 bài là tác giả chính.
Trong danh sách ứng viên xét chức danh phó giáo sư năm nay, ông N.V.T. - giảng viên, trưởng khoa một trường đại học tại TP.HCM - là người được cấp bằng tiến sĩ khá sớm, từ 2007. Thế nhưng thống kê trong vòng 13 năm từ năm 2007 đến 2020, ông này chỉ công bố 2 bài trên tạp chí quốc tế, trong đó có 1 bài thuộc Scopus - Q3.
Tuy nhiên từ năm 2021 - 2023, số bài công bố trên các tạp chí quốc tế của ông T. tăng vọt. Năm 2021: 7 bài, năm 2022: 2 bài, năm 2023: 1 bài. Đáng chú ý là trong số 7 bài công bố năm 2021, có 2 bài đăng trên tạp chí mạo danh Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (Turcomat).
Tạp chí này đã bị loại khỏi Scopus từ năm 2020 và thông báo ngừng xuất bản bài mới từ năm 2021. Thế nhưng tháng 11-2021 ông T. có 2 bài xuất bản trên tạp chí này và được ông khai trong hồ sơ đăng ký.
Ông N.Đ.N. - trưởng bộ môn một trường đại học tại Hà Nội - được cấp bằng tiến sĩ năm 2011, đăng ký xét phó giáo sư ngành cơ khí - động lực. Suốt 9 năm sau đó, ông không có bất kỳ công bố quốc tế nào. Tuy nhiên, năm 2021 ông công bố bài quốc tế đầu tiên. Năm 2022 số công bố quốc tế tăng vọt lên 10 bài. Sáu tháng đầu năm 2023, ông công bố 4 bài.
Bà B.T.H.L. - phó trưởng bộ môn một trường đại học lớn tại Hà Nội - được cấp bằng tiến sĩ năm 2013. Từ 2013 đến 2020 bà công bố 41 bài trên các tạp chí trong nước, không có bất kỳ công bố quốc tế nào.
Tháng 9-2020, bà có bài quốc tế đầu tiên sau khi có bằng tiến sĩ. Năm 2021 có 2 bài. Đặc biệt từ tháng 1 đến tháng 6-2023, mỗi tháng bà có 1 bài đăng trên các tạp chí ISI, Scopus. Tất cả đều là tác giả chính.
Công bố quốc tế dồn dập là bình thường?!
Lý giải về việc công bố quốc tế dồn dập trong 3 năm cuối tính tới thời điểm đăng ký xét phó giáo sư, ông N.V.T. cho biết có những bài báo mất từ 6 tháng đến 1 năm để được xuất bản. Do vậy dù gửi bài năm 2021 nhưng có khi qua 2022 mới được xuất bản.
Ông T. cho biết thêm những năm gần đây, trường ông đẩy mạnh và khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế. Điều này cũng tạo động lực để số công bố quốc tế của giảng viên nhiều hơn.
Trong khi đó, bà B.T.H.L. cho biết lĩnh vực nghiên cứu của mình khá đặc thù và chuyên sâu. Bên cạnh đó, thời gian để các tạp chí xuất bản đôi khi rất lâu, phản biện chỉnh sửa nhiều lần nên đôi khi số bài báo xuất bản ở các thời điểm gần nhau.
TS Sơn Thanh Tùng - trưởng bộ môn quản lý đô thị và dự án, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng việc công bố vào những năm cuối trước khi xét phó giáo sư là điều bình thường.
Theo ông Tùng, có thể trong nhiều năm họ không công bố vì chưa có mục đích hoặc không có nhu cầu hoặc không bị áp lực phải công bố. Việc giảng dạy đôi khi chiếm rất nhiều thời gian và do đó giảng viên không còn thời gian để đầu tư vào nghiên cứu và viết bài.
"Tuy nhiên sẽ là có vấn đề khi số bài công bố nhiều bất thường trong một khoảng thời gian ngắn. Một người không thể có nhiều thời gian để nghiên cứu và công bố liên tục như vậy bởi họ còn làm những công việc khác như giảng dạy, quản lý. Nghiên cứu và viết một bài báo khoa học không đơn giản" - ông Tùng nhận định.
* GS.TS Bùi Văn Ga (phó chủ tịch hội đồng giáo sư ngành cơ khí - động lực, Hội đồng Giáo sư nhà nước):
Xét ở nhiều khía cạnh
Công bố quốc tế chỉ là một phần trong số các tiêu chí xét phó giáo sư, giáo sư. Hội đồng giáo sư xét rất kỹ các khía cạnh và tiêu chuẩn chứ không chỉ có công bố quốc tế của ứng viên.
Thực tế có những ứng viên có nhiều công bố quốc tế trong vài năm gần đây. Điều này cũng có thể trước đây họ chưa có đề tài, chưa kết nối được với các đồng nghiệp, cộng sự để thực hiện nghiên cứu. Gần đây họ mới có đề tài, có đủ điều kiện để nghiên cứu và công bố.
Dĩ nhiên họ chỉ có thể đăng ký xét phó giáo sư khi đã có đủ điều kiện, trong đó có công bố quốc tế. Do đó, nói họ công bố quốc tế chỉ để đủ điều kiện quốc tế sẽ phiến diện bởi khi họ có đủ điều kiện thì mới đăng ký và được xét ở hội đồng cơ sở.
Một tháng 5 bài xuất bản
Trong số các ứng viên phó giáo sư ngành kinh tế, bà N.P.T.H., hiện là trưởng khoa của một trường đại học tại TP.HCM, có số lượng bài báo khoa học trong nước và quốc tế rất khủng. Trước khi được cấp bằng tiến sĩ năm 2018, bà H. có tất cả 7 bài báo, trong đó 6 bài trong nước và 1 bài quốc tế. Sau khi có bằng tiến sĩ đến tháng 6-2023, bà công bố 41 bài báo, trong đó có 6 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín mà bà là tác giả chính.
Tính trong 3 năm cuối, năm 2021 bà công bố 7 bài, năm 2022 13 bài, chỉ riêng tháng 6-2022 có 5 bài xuất bản. Sáu tháng đầu năm 2023, bà có 12 bài xuất bản trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.
* GS Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc):
Thước đo không hiệu quả
Trong khoa học có câu rằng "khi một thước đo trở thành mục tiêu thì thước đo đó không còn là một thước đo có hiệu lực".
Nói cách khác, việc đếm số bài báo khoa học để làm tiêu chuẩn công nhận chức danh khoa bảng là một sai lầm bởi vì số bài báo công bố không phản ánh năng lực của một nhà khoa học. Nhưng bởi vì nó (số bài báo) được xem là một mục tiêu để đạt chức danh thì người ta sẽ làm mọi cách để đạt mục tiêu đó.
Tôi nghĩ một phần của vấn đề là tiêu chuẩn về "công bố quốc tế" (đúng ra, nên gọi là "công bố khoa học") được đưa ra quá đơn giản và hời hợt. Đơn giản là người ta chỉ đếm số bài báo mà không xem xét đến đó là bài báo loại gì.
Trong nghiên cứu khoa học, các hội đồng đề bạt chức danh khoa bảng thường chỉ tính các bài báo nghiên cứu nguyên thủy (còn gọi là "original papers"), chứ không đặt nặng các bài tổng quan, meta-analysis, ý kiến và xã luận. Hời hợt là vì chỉ xem công bố bài báo như là "công bố quốc tế" mà không xem xét đến uy tín của tập san và vị trí của tác giả trong bài báo.
Một tiêu chuẩn đơn giản và hời hợt thì dễ bị lạm dụng và lợi dụng. Tôi cho rằng cần phải rà soát lại tiêu chuẩn về công bố khoa học trong việc công nhận chức danh khoa bảng. Phải loại bỏ sự lệ thuộc vào con số bài báo, nên tập trung vào chất lượng nghiên cứu khoa học, và quan trọng hơn là đánh giá năng lực khoa học cho đúng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận