Các cán bộ Việt Nam tại Nhật đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân tại sân bay quốc tế Haneda, thủ đô Tokyo - Ảnh: TTXVN |
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ trên chuyến bay Hà Nội - Tokyo, ông Mai Xuân Thông - người được tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cả hai lần thăm chính thức Nhật Bản, cho biết “đang rất hồi hộp chờ đợi hội nghị lịch sử của giới doanh nhân Việt - Nhật với gần 1.500 chủ doanh nghiệp hai nước đăng ký tham dự, đích thân thủ tướng hai nước chủ trì”.
Hợp tác làm ăn bền vững
* Được biết, người Nhật đầu tư vào các dự án rất lớn ở Thanh Hóa. Vậy trong vai trò một doanh nghiệp tư nhân thì ông quan tâm gì ở chuyến thăm Nhật lần này?
- Trong tôi vẫn còn nguyên kỷ niệm khi được vinh dự đi cùng với đoàn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản từ 26 đến 28-5-2016.
Doanh nghiệp của tôi đã có quá trình hợp tác làm ăn với các công ty Nhật từ trước, nhưng chuyến đi đó cho tôi động lực rất lớn và gợi mở nhiều vấn đề, đặc biệt là tôi suy nghĩ đến các giải pháp để hợp tác làm ăn bền vững, góp phần vào ý nguyện kết nối hai nền kinh tế Việt - Nhật, cũng như đón nhận sự hỗ trợ của Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản nhằm thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước chúng ta.
Thanh Hóa từ lâu là địa bàn quan trọng của các nhà đầu tư Nhật Bản, với tổng mức đầu tư hơn 12,8 tỉ USD tính đến thời điểm hiện tại từ các công ty Nhật và các công ty Nhật liên danh.
Thanh Hóa là địa phương tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Nhật Bản lớn nhất trong số 63 tỉnh thành, xếp trên cả Hà Nội và TP.HCM.
Khi quan sát thì tôi thấy một trong những khó khăn lớn nhất là chất lượng nguồn nhân lực của mình còn nhiều hạn chế khi làm việc với người Nhật.
Chính vì vậy tôi mới nung nấu là tỉnh mình còn nghèo, ngân sách nhà nước hỗ trợ lĩnh vực này còn hạn chế, mình có điều kiện một chút thì góp phần vào.
Chúng tôi trở thành đơn vị kinh tế tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là đào tạo tiếng Nhật cho người lao động để xóa bỏ rào cản về ngôn ngữ.
Tập đoàn Miền Trung đã ký kết với Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, đào tạo miễn phí tiếng Nhật cho sinh viên và người lao động tại địa phương trong 4 năm (2017-2020), chúng tôi không ràng buộc gì với người học mà để họ phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản đang triển khai các dự án tại Thanh Hóa.
* Vậy ông bỏ tiền ra đào tạo tiếng Nhật miễn phí cho hàng ngàn người để đổi lấy lợi ích gì?
- Thú thật là khi đưa ra quyết định này, như trên tôi nói là xuất phát từ tâm tư khi tôi tham gia chuyến thăm Nhật Bản năm ngoái, chứ chưa tính toán gì cụ thể cho mình, chúng tôi cũng không ràng buộc học viên phải làm việc cho tập đoàn sau khi được đào tạo.
Tôi cho rằng nếu mình góp phần vào tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn ngay trên quê hương của mình thì chính mình cũng hưởng lợi từ các dự án họ đang triển khai, đang hợp tác với mình.
* Ông có ký kết cụ thể gì trong chuyến thăm Nhật Bản này không?
- Có một vài dự án tôi chưa thể tiết lộ. Còn riêng với các dự án xử lý rác thải thì chúng tôi đang tập trung trao đổi với phía đối tác Nhật và sẽ triển khai ngay sau chuyến đi này.
Hiện nay, công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt của VN vẫn chủ yếu là chôn lấp tại các bãi, phát sinh rất nhiều hệ lụy, ô nhiễm môi trường rất khó khắc phục.
Thời gian qua, chúng tôi đã hợp tác với Tổng công ty môi trường Daiei, họ đã sang VN 5 lần và chúng tôi đã ký kết biên bản ghi nhớ thành lập liên danh giữa Tập đoàn Miền Trung và Daiei để mở rộng xử lý rác thải trên toàn lãnh thổ VN, trọng tâm là tỉnh Thanh Hóa.
Trong tháng 3 vừa rồi, hai bên đã tổ chức hội thảo đề xuất hướng giải quyết các vấn đề môi trường ở Thanh Hóa.
Đại diện Tổng công ty môi trường Daiei đã đề xuất, giới thiệu “công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng” cho việc xử lý rác thải tại TP Sầm Sơn, được đại diện các cơ quan chức năng của VN đánh giá cao.
Ông Mai Xuân Thông - Ảnh: Lê Kiên |
Tôi học được nhiều thứ từ người Nhật
* Ông học được gì khi hợp tác với người Nhật?
- Chúng tôi học được rất nhiều thứ từ người Nhật, trước hết là phong cách, thái độ làm việc của họ rất nghiêm túc.
Lần đầu tiếp xúc với người Nhật thì thấy họ nguyên tắc đến khô cứng, nhưng khi đi vào công việc thì thấy rằng sự nghiêm túc rất đáng học hỏi bởi nó đem lại hiệu quả trong công việc.
Công nghệ Nhật Bản, năng lực quản trị doanh nghiệp của người Nhật là những thứ mà chúng ta còn cần nhiều thời gian mới học hỏi được. Thêm một điều nữa mà tôi cảm nhận được là người Nhật rất tôn trọng đối tác.
* Ông kỳ vọng gì vào cơ hội hợp tác, làm ăn của giới doanh nhân hai nước qua chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
- Tôi nghĩ rằng chỉ trong vòng một năm mà Thủ tướng hai lần thăm Nhật thì chứng tỏ lãnh đạo hai nước đang rất nỗ lực thực hiện các giải pháp kết nối hai nền kinh tế.
Không chỉ riêng tôi mà giới doanh nhân đều cho rằng đây là cơ hội không thể tốt hơn để doanh nghiệp VN và Nhật Bản hợp tác với nhau, Việt - Nhật đang hợp tác làm ăn với nhau như hai người bạn thân.
Chúng tôi đều rất chờ đợi sự kiện chưa từng có là cuộc gặp gỡ của gần 1.500 doanh nghiệp hai quốc gia với hai vị thủ tướng.
Qua thực tế ở địa phương, tôi khẳng định vẫn còn nhiều lĩnh vực, cơ hội làm ăn tốt ở VN dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Hội nghị này chắc chắn sẽ đem lại thêm rất nhiều niềm tin cho các doanh nghiệp Nhật và doanh nghiệp của chúng ta yên tâm.
Hội nghị lịch sử với 1.500 doanh nhân Việt - Nhật Sáng 5-6, Thủ tướng tham dự diễn đàn “Tương lai châu Á” và là diễn giả chính trong phiên khai mạc diễn đàn lớn thường niên này do Nikkei tổ chức. Với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu giữa ngã tư đường - bước đi tiếp theo của châu Á”, diễn đàn năm nay có sự tham dự của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, phó tổng thống Indonesia, phó thủ tướng Thái Lan, cựu thủ tướng Singapore Goh Chok Tong... Trọn buổi chiều 5-6 sẽ là diễn đàn lớn nhất từ trước đến nay của giới doanh nhân hai nước có chủ đề “Hướng tới kỷ nguyên mới trong quan hệ hợp tác kinh tế VN - Nhật Bản”. Dự kiến cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe sẽ cùng hiện diện tại diễn đàn có nội dung chính là xúc tiến đầu tư và trao đổi hợp tác này, với số lượng lãnh đạo doanh nghiệp hai nước tham dự lên đến gần 1.500 người. “Thủ tướng VN sẽ có bài phát biểu quan trọng để truyền tải thông điệp mạnh mẽ về một môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng và minh bạch tại VN” - đại sứ Nguyễn Quốc Cường tiết lộ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận