Thu nhập của người làm kênh YouTube lắm khi tỉ lệ nghịch với những giá trị họ mang tới cho cuộc sống.
Người làm các clip đăng tải lên kênh của mình theo mục tiêu làm sao thu hút được càng nhiều lượt xem càng tốt. Nếu trên kênh hiển thị quảng cáo, chủ kênh sẽ được chia doanh thu theo tỉ lệ chủ kênh 55% số tiền thu được.
Người làm các clip cũng có thể không cần thu tiền quảng cáo mà hợp tác với một số nhãn hàng rồi lồng hình ảnh, âm thanh quảng cáo của nhãn hàng đó vào clip.
Hình thức này, người xem khó thấy trực tiếp trong video (vì không có quảng cáo xuất hiện) nhưng số tiền thu được lớn hơn nhiều. Cũng có nhiều kênh kiếm tiền bằng cả hai cách trên.
Youtube hiện là kênh chia sẻ video lớn nhất. Trên đó đã có rất nhiều kênh đăng tải các video rất giá trị, hữu ích cho cộng đồng (kiến thức, video học tập) nhưng đa số là video giải trí. Nhiều video được cho là nhảm nhí, tào lao lại thu hút khá đông lượt xem so với các kênh giáo dục. Hàng loạt kênh Youtube chạy theo các loại video nhiều người xem để kiếm tiền nhiều.
Youtube cũng có những tiêu chí khuyến khích các kênh chia sẻ về những kinh nghiệm, về học tập... Tiêu chí đối với các video phải có tính sáng tạo, nội dung phải mang một ý nghĩa giáo dục nào đó. Những kênh thường xuyên đăng tải các video không có 2 yếu tố trên rất có thể kênh Youtube đó sẽ bị ngưng kiếm tiền.
Nhiều người làm kênh Youtube không làm vì tiền, chỉ chia sẻ những kinh nghiệm, những kiến thức cho cộng đồng. Rất tiếc, số người tìm hiểu các video dạng này còn rất khiêm tốn so với các loại video giải trí.
Một doanh nghiệp quảng cáo trên Youtube đã có sự chọn lựa các kênh họ muốn tiếp cận. Nhưng điều đáng nói là họ rất khó kiểm soát việc này. Có khi, một kênh về giải trí thuần túy nhưng chủ kênh lại chọn lĩnh vực cho kênh của mình là giáo dục. Vô tình, sản phẩm nhắm đến các đối tượng lĩnh vực giáo dục lại xuất hiện trên các video nhảm nhí.
Việc quảng cáo trên Youtube hay Facebook tuy có lựa chọn đối tượng nhưng nó cũng giống như xác suất của trò chơi xúc xắc thôi.
Việc Nhà nước ta yêu cầu Google (chủ sở hữu trang Youtube) hoặc Facebook gỡ bỏ các video hoặc các bài viết có nội dung không lành mạnh là cần thiết nhưng theo tôi, đó chỉ là cách "tỉa cành", không giải quyết được bài toán "video độc hại" khi mỗi phút, tại Việt Nam có hàng ngàn video được tải.
Youtube nhận biết nội dung video chủ yếu bằng các thuật toán (một phần rất nhỏ bằng sức người). Các thuật toán dù có tốt đến đâu, có "thông minh" đến đâu vẫn không nhận biết được hết những video nào gọi là "xấu". Người đăng cũng đủ tinh quái, nhiều mưu kế để đánh lừa thuật toán. Vấn đề ở đây là các video như thế nào được cho là nhảm, tào lao, là xấu? Bao giờ mới hết các "video độc hại"?
Luật an ninh mạng cũng đã có nhưng việc xử lý hình sự đối với các chủ thể đăng tải các video bạo lực, gây hoang mang cộng đồng chưa thấy được xử lý nhiều. Việc công an tìm ra một chủ thể đăng tải các video bạo lực, gây hoang mang cộng đồng không khó. Nếu có thể xử lý công khai các kiểu vi phạm này, tôi tin rằng các clip như thế sẽ giảm nhiều.
Đã có nghị định 72/2013 của Chính phủ về việc chịu trách nhiệm của các chủ thể khi đăng tải thông tin trên Internet. Những quy định này, theo tôi, còn rất chung chung. Chúng ta cần xây dựng một bộ nguyên tắc và phát triển quy định pháp luật cụ thể (có thể bổ sung theo thời gian) như thế nào là "nội dung xấu" để người chủ kênh Youtube phải chịu trách nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận