Phóng to |
Giáo sư Trần Văn Khê đến thăm khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu - Ảnh: H.T.Vân |
Xung quanh hoạt động này, bà Lê Thị Ái Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban tổ chức - cho biết: “UBND tỉnh đã cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghệ thuật ĐCTT Nam bộ tỉnh Bạc Liêu để hỗ trợ bảo tồn hoạt động ĐCTT, giúp đỡ những nghệ sĩ, nghệ nhân, soạn giả... có hoàn cảnh khó khăn và ra mắt quỹ này trong dịp festival. Song song đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ ban đầu về thiết bị âm thanh, nhạc cụ cho các đội ĐCTT để họ có thể tổ chức sinh hoạt; định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan ĐCTT, tạo sân chơi cho các nghệ nhân; phát động các cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bản tổ của ĐCTT... Đặc biệt, tỉnh đã giao Sở VH-TT&DL phối hợp Sở GD-ĐT xây dựng chương trình, kế hoạch, sớm đưa bộ môn nghệ thuật ĐCTT vào giảng dạy trong các trường phổ thông”.
Bà Lê Thị Ái Nam - Ảnh: H.T.Vân |
- Sau khi nghệ thuật ĐCTT Nam bộ diễn tấu tại Hội chợ thế giới Paris năm 1900, bộ môn nghệ thuật này được nhiều người chú ý, các cuộc hội chợ ở Sài Gòn tiếp theo sau đó đều có sự hiện diện của ĐCTT. Nở rộ nhất là vào thập niên 1930 với nhiều cuộc giao lưu qua hình thức thi ca nhạc tài tử giữa các tỉnh thành. Lực lượng gây chú ý bậc nhất lúc ấy là Bạc Liêu và Cần Đước (Long An), nên mới có câu nói “nhứt Bạc Liêu, nhì Cần Đước”.
Nhìn lại chặng đường hơn trăm năm tồn tại và phát triển của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, có thể nói Bạc Liêu là một trong những “cái nôi” của ĐCTT. Cái nôi ấy đã sản sinh ra nhạc sư Lê Tài Khí, tức Nhạc Khị, người được suy tôn là hậu tổ của cổ nhạc - đã có công sưu tầm, hiệu đính, hệ thống 20 bản tổ (3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Bài). Ông cũng là người lập ra ban cổ nhạc Bạc Liêu và phát động phong trào sáng tác các bản vọng cổ biến tấu cả về ca từ lẫn nhịp điệu so với 20 bản tổ. Một trong những học trò xuất sắc của ông là nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tác giả của bài Dạ cổ hoài lang - “bài ca vua trong các làn điệu vọng cổ”.
Bên cạnh đó là đội ngũ đông đảo những người đã góp công khởi xướng, giữ gìn và phát triển loại hình ĐCTT rất độc đáo cho Bạc Liêu và cho cả Nam bộ. Đó là những tên tuổi lớn: sư Nguyệt Chiếu, Bảy Cao, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Bảy Kiên, cô Ba Vàm Lẽo, Lư Hòa Nghĩa... Chính họ đã làm nên cái riêng và cái duyên qua sự nối dài cho bộ môn sân khấu cải lương với những nhịp 2, 4, 8, 16, 32 rồi 64. Một đóng góp rất quan trọng khác là sự ra đời của dây vọng cổ Bạc Liêu, làm tiền đề cho các dây sau này... để bản vọng cổ ngày càng phát triển, trở thành bài ca vua trên sân khấu cải lương và chiếm một vị thế quan trọng trong ĐCTT Nam bộ.
* Còn hiện tại, vai trò của ĐCTT trong đời sống tinh thần của người dân Bạc Liêu?
- Về Bạc Liêu trong những ngày diễn ra Festival ĐCTT, du khách sẽ thấy từ nông thôn tới thành thị đâu đâu cũng ngập tràn không khí đón mừng festival. Không phân biệt lứa tuổi, không phân biệt ngành nghề, không phân biệt giới tính, nghệ thuật ĐCTT đã len lỏi, đã bắt rễ sâu vào đời sống tinh thần của người dân. Tại các buổi liên hoan, tiệc mừng, lễ cúng, lễ tang luôn hiện diện ĐCTT để niềm vui được nhân đôi, nỗi buồn được chia sẻ. Có nhiều gia đình 3-4 đời đam mê ĐCTT, biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ dân gian như đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu.
Hàng trăm câu lạc bộ, đội nhóm ĐCTT đã ra đời và duy trì suốt nhiều năm qua tại các địa bàn dân cư và cả ở các cơ quan, đơn vị, đoàn thể. Nhiều bạn trẻ thừa nhận họ cũng thích nghe nhạc trẻ, nhạc ngoại, nhưng tiếng đờn kìm, đờn tranh, đờn cò, những lớp, những làn điệu Lưu thủy trường, Nam ai, Nam xuân, những hò xự xang xê cống... của nhạc tài tử vẫn có sức cuốn hút lâu dài với họ. Các lớp dạy cổ nhạc và cách chơi nhạc cụ tài tử của các trung tâm văn hóa gần đây ngày càng có đông đảo bạn trẻ ghi danh.
350 nghệ nhân tham dự festival Với chủ đề Tình người, tình đất phương Nam, trong 21 sự kiện được tổ chức trong sáu ngày diễn ra festival (từ ngày 24 đến 29-4), có 14 hoạt động tôn vinh nghệ nhân, nghệ sĩ có công bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của ĐCTT. Lễ khai mạc festival sẽ diễn ra lúc 20g hôm nay, 25-4, tại quảng trường văn hóa Hùng Vương. Ban tổ chức cho biết festival lần này quy tụ một đội ngũ hùng hậu khoảng 350 nghệ nhân ĐCTT của 21 tỉnh thành phía Nam tham gia giao lưu, biểu diễn. Đặc biệt, ngoài các hoạt động chính diễn ra tại TP Bạc Liêu, các nghệ nhân, nghệ sĩ ĐCTT đến từ các tỉnh, thành phố sẽ dành thời gian về tận cơ sở, giao lưu với các câu lạc bộ, đội nhóm ĐCTT trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Tham dự festival có gần 20 tổ chức quốc tế, bao gồm cơ quan ngoại giao, văn hóa - giáo dục... cùng hàng chục đoàn khách trong nước, 72 cơ quan báo chí với hơn 300 phóng viên. |
Công bố nhiều số điện thoại đường dây nóng Ngày 24-4, đại tá Lê Tấn Thảnh - phó giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu - cho biết khi phát hiện các hành vi trộm cắp, cướp giật tại Festival ĐCTT..., người dân có thể gọi trực tiếp số điện thoại của ông (0913.892.282) hoặc các số điện thoại đường dây nóng đã được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và dán tại trụ sở công an các phường, xã. Cùng ngày, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bạc Liêu cho biết đơn vị này vừa công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin 24/24 giờ các phản ảnh của người dân về các hành vi vi phạm về giá, an toàn vệ sinh thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại trong những ngày diễn ra Festival ĐCTT (mời bạn đọc xem chi tiết trên ). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận