Phóng to |
Giám đốc một công ty dịch vụ thương mại chia sẻ: khi còn ở quê miền Tây, bàn thờ nhà anh được đặt ở vị trí trang trọng nhất, nằm ngay gian giữa. Bên ngoài cùng đặt bộ lư đồng, hai bên hông bàn thờ là bình hoa và đĩa trái cây, sát tường là ảnh ông bà.
Bình thường 2-3 tuần hoặc có khi cả tháng mọi người lau dọn bàn thờ một lần và mỗi chiều đều đốt nhang để bàn thờ được ấm cúng. Nhưng việc dọn, chưng diện bàn thờ trong những ngày giáp tết luôn mang lại một cảm giác khác. Công việc này bắt đầu từ ngày 28 hoặc 29 tháng chạp, làm sao trước sáng 30 phải hoàn tất để cúng rước ông bà.
“Cũng không cầu kỳ gì lắm, chỉ thay đĩa trái cây bằng mâm ngũ quả (cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài, mà theo phát âm chệch của người miền Tây là cầu-sung-vừa-đủ-xài). Còn chậu hoa nhỏ, đơn giản được thay bằng chậu lớn, nhiều hoa hơn, trong đó không thể thiếu phát tài để hên cả năm”, vị giám đốc này nói.
Nhiều năm nay đã sống tại TP.HCM, nhà nhỏ hơn và không phải ba gian như lúc ở quê nhưng anh vẫn chọn vị trí trang trọng nhất trong nhà để đặt bàn thờ. Bàn thờ cũng không còn rộng như xưa nên anh bày biện sao cho gọn và bộ lư đồng cũng được thu nhỏ lại. Tuy vậy việc nhang khói hằng ngày vẫn được anh và các thành viên trong gia đình thay phiên nhau làm.
Xưa nay nhiều người quan niệm: thờ ông bà, tổ tiên ở giữa nhà hoặc vị trí cao nhất. Nhưng theo kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, với nhà phố đa số như ở TP.HCM, việc đặt bàn thờ ở giữa sẽ không phù hợp, còn nếu chọn vị trí cao nhất trong nhà có thể bàn thờ sẽ lạnh vì ít người lui tới (có trường hợp mỗi ngày chỉ lui tới một lần để thắp nhang).
Với quan niệm như vậy, gia đình kiến trúc sư Dũng đặt bàn thờ ông bà, tổ tiên ở nơi hội tụ, nhiều người qua lại nhất. “Đó có thể là góc phòng khách, phòng ăn hoặc không gian rộng thoáng tại tầng trệt. Tuy nhiên vị trí đặt bàn thờ sao cho trang trọng”, ông nói. Cách bố trí này tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi với mọi người trong nhà như ông bà đang ở chung với mình, đồng thời dễ lau chùi, dọn dẹp. Ông cũng lưu ý nên đặt bàn thờ ở độ cao vừa phải, dễ tiếp cận, thắp nhang; còn đặt theo hướng nào hoặc phong thủy ra sao tùy quan niệm của mỗi người.
Cũng theo ông Dũng, vào dịp tết cần lau chùi, trang trí bàn thờ xong trước giao thừa để khi giao thừa là bắt đầu thắp nén nhang trên bát hương mới. Việc trang trí không nên đơn giản quá (vì thiếu đi sự trang trọng) nhưng cũng không nên cầu kỳ quá; có thể gồm bát hương, bình hoa, mâm ngũ quả, tượng Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ...
Mỗi loại đồ thờ đều mang một ý nghĩa tượng trưng. Lư hương tròn tượng trưng cho bàn thái cực, trục vũ trụ là khói trầm hương vươn lên từ bát hương mang ý nghĩa tinh thần được xem như gạch nối giữa trời với đất, âm dương hòa hợp đem tới nguồn hạnh phúc. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng “nhật nguyệt quang minh”, những nén hương tượng trưng cho các vì tinh tú. Bình hoa tượng trưng cho cái tâm không, là “lục căn thanh tịnh”. Có nhà còn trưng bày thêm hai cành hoa cúc giấy, có nhiều hoa nhỏ bao quanh một hoa lớn. Hai cành hoa này tượng trưng cho ngày dương (hoa màu vàng, bên trái), ngày âm (hoa màu trắng, bên phải). Nhiều gia đình còn đặt thêm sau bát hương một cái đỉnh trầm trang trí hình con lân ở đỉnh, tượng trưng cho sự thông minh, sức mạnh để kiểm soát tâm hồn người hành lễ, hình hổ phù mang ý nghĩa cầu no đủ, cây trúc biểu hiện tính cách quân tử. Cành đào thể hiện có huyền lực trừ tà ma và mọi điều xấu, màu đỏ chứa nguồn sinh khí lớn lao. Hoa đào đỏ thắm còn là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu năm mới. Với ý nghĩa cầu phúc, có nhà cắm thêm vào một cành hoa tre nhuộm ngũ sắc gần giống như cây đũa bông cắm trên bát cơm cúng cho kiếp đời đã qua. Có nơi trên bàn thờ còn có cái khảm (gần như cái am nhỏ) bằng gỗ, có cánh cửa, bên trong đựng bài vị tổ tiên được chạm trổ tứ linh. Nhà nghèo khó ở nông thôn thường treo lên vách trên bàn thờ một bức tranh dân gian vẽ mâm ngũ quả, chiếc cuốn thư… để cầu mong sự no đủ và cũng để làm sáng ấm căn nhà. Lễ vật dâng cúng phải thanh khiết. Đồ lễ cúng thường có đĩa cau trầu, trà rượu, hoa quả, hương trầm, giấy trắng, vàng bạc, giấy tiền và một bát nước lã, một bát nước trà (chè) nóng. Ngoài ra còn có mâm cỗ với xôi chè, các loại bánh và thức ăn mặn, hai cây mía còn nguyên đọt lá và rễ... TRẦN NHƯ LỘC |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận