Khách quốc tế đến TP.HCM trong tháng 12-2022 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Báo cáo của Tổng cục Du lịch về tổng kết năm 2022 cho biết lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt, đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Lượng khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19.
Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.
Dù xác định năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng, ngành du lịch Việt Nam vẫn phấn đấu đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch dự báo du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại trong khi các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam lại chưa mở cửa hoàn toàn.
Trong bối cảnh đó, chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế so với các quốc gia trong khu vực. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành du lịch sẽ mạnh mẽ hơn, xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch.
Vì thế, để đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố "Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045" sau khi được Chính phủ phê duyệt, triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Ngoài ra còn có đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn", đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt...
Tổng cục cũng sẽ chuẩn bị tốt cho hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào quý 1-2023, hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và hội nghị chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Hoàn thành việc tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch sau khi tổ chức lại mô hình Tổng cục Du lịch.
Theo các doanh nghiệp, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách của du lịch Việt Nam không quá thách thức. Nếu nhìn sang các nước thì cũng khá phù hợp xu hướng chung là tăng gấp đôi con số thực hiện năm 2022. Chẳng hạn, Thái Lan cũng đặt mục tiêu đón 20 triệu khách trong năm 2023 sau khi đón vị khách thứ 10 triệu hồi tháng 12; tương tự, Singapore cũng không giấu tham vọng tăng gấp đôi con số gần 6 triệu lượt khách hiện nay.
Nhưng để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, ngành du lịch Việt Nam phải sớm tháo gỡ những nút thắt về chính sách visa, quảng bá điểm đến, các rào cản kỹ thuật như mua bảo hiểm COVID-19... đang vướng hiện nay.
"Bước sang năm 2023, Việt Nam cần có lộ trình phục hồi cụ thể, cái gì xác định là điểm nghẽn thì phải tháo hết, phải thay đổi quan điểm khách có sẵn ngoài biên giới, chỉ cần mở cửa là có khách đến, bây giờ các thị trường đều mở và cạnh tranh để thu hút khách diễn ra rất quyết liệt", ông Phạm Hà, chủ tịch Lux Group, nhận định.
Thăm dò ý kiến
Theo bạn, ngành du lịch Việt Nam cần những điều kiện gì để thu hút du khách và cải thiện thứ hạng chót bảng như hiện nay?
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận