Lấy chủ đề "Người đơm hoa giấy: từ làng nghề truyền thống đến hiện đại", chuỗi sự kiện gồm các buổi workshop, trò chuyện và trưng bày về nghề làm hoa giấy của làng Thanh Tiên xứ Huế sẽ diễn ra từ nay đến hết 20-10 tại không gian Toong Minh Khai, TP.HCM.
Khán giả có dịp khám phá hành trình hơn 300 năm thăng trầm của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, tham gia workshop để trải nghiệm các công đoạn, và lắng nghe tâm tình từ các nghệ nhân cùng những người trẻ đang nỗ lực nâng niu và quảng bá vẻ đẹp nghề truyền thống này.
Hành trình trăm năm thăng trầm của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, nghề làm hoa giấy làng Thanh Tiên đã có trong danh mục thống kê các nghề thủ công từ thế kỷ 16 - 19.
Làng Thanh Tiên xưa có tên Tân Lãn hay Tân Lạn, là một trong những địa phương hiếm hoi còn nắm giữ những thủ thuật bí truyền trong nghề làm bông lùng, bông bụp - một loại hoa đặc trưng trên bàn thờ của Huế xưa.
Đã có vị thế suốt vài thế kỷ, nhưng đến thời hoa nhựa lên ngôi, làng nghề Thanh Tiên trở nên lỗi thời, có giai đoạn tưởng đã thất truyền.
Tại buổi tọa đàm khai mạc chuỗi sự kiện, nghệ nhân Trần Phú có dịp chia sẻ cùng khán giả TP.HCM những tâm tình suốt 50 năm vượt khó giữ nghề.
Sinh ra trong gia đình có ông và cha làm hoa giấy, nghệ nhân Trần Phú đã tập làm hoa từ năm 7 tuổi. Ông đã chứng kiến nhiều chìm nổi, vất vả của làng nghề hoa giấy Thanh Tiên.
Theo nghệ nhân Trần Phú, làm hoa giấy tỉ mỉ và nhiều công đoạn, phải chuẩn bị nguyên vật liệu khá lâu.
Mùa hè đốn tre, chẻ tre, phơi khô, nhuộm rồi đóng gói; hết mùa sắn thì bẻ đọt sắn về thụt lõi làm nụ hoa; rồi chuẩn bị giấy, màu nhuộm...
Mỗi loại hoa lại có những kỹ thuật khác nhau nên mất khá nhiều thời gian mới hoàn thiện được một cành.
Mỗi sáng, người trong nhà lại dậy sớm găm bông vào cây rơm rồi chia nhau bán. Thời cực khổ nhất không có cả xe đạp, phải đi bộ từ làng ra bến đò, rồi đi bộ bán từ chợ này qua chợ khác. Có ngày chẳng bán nổi 100 bông, làm cực mà ít người mua nên nhiều gia đình đã bỏ nghề.
Hơn chục năm nay, nhờ quyết tâm và kiên trì của các nghệ nhân đương thời, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên dần được nghiên cứu, tìm tòi và phục dựng thành công.
Hoa giấy Thanh Tiên cũng dần được nâng cao giá trị, không chỉ có loại hoa truyền thống dùng thờ cúng và tâm linh, mà còn chuyển sang những bông hoa nghệ thuật tinh xảo, sử dụng trong các không gian cao cấp và xuất khẩu ra nước ngoài.
Câu chuyện bảo tồn và đưa hoa giấy 'ra biển lớn'
Nhiều góc nhìn về câu chuyện bảo tồn, phát triển và đưa hoa giấy Thanh Tiên vững vàng "ra biển lớn" cũng được nghệ nhân văn hóa ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh, luật sư Ngô Tiến Nhân và nhà báo, đạo diễn Xuân Phượng tranh luận sôi nổi tại tọa đàm.
Làm thế nào để hoa giấy Thanh Tiên vốn đã được không ít khách du lịch yêu thích có thể xuất khẩu nhiều hơn, đáp ứng những tiêu chí về an toàn và bảo quản tốt cho từng nguyên vật liệu?
Nên giữ nguyên cách làm truyền thống, hay thay đổi một số khâu để phù hợp với thị trường xuất khẩu? Làm thế nào để không chỉ 'bảo tồn trong bảo tàng', mà để nghề truyền thống tiếp tục phát triển mạnh hòa vào dòng chảy của đời sống hiện đại?
Sự kiện cũng là dịp để chị Phan Ngọc Hiếu, nhà sáng lập Maypaperflower, chia sẻ đam mê nghệ thuật của những người trẻ được truyền cảm hứng từ làng nghề Thanh Tiên.
Mỗi tác phẩm tại sự kiện đều bày tỏ sự tôn trọng truyền thống của người trẻ, và mong muốn chung tay phát huy các giá trị tinh hoa của cha ông, thổi những giá trị văn hóa truyền thống vào hơi thở đương đại.
Một số hình ảnh tại chuỗi sự kiện:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận