Chị Phạm Thị Kiều (phải) sống bằng nghề lựa ve chai đã gần 20 năm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Nghề này hôi hám, bụi bặm thật nhưng vẫn còn khỏe hơn nhiều nghề khác, được cái là chủ không la mắng, mình cứ bỏ sức ra mà làm, đến khi nào chán thì lại về quê đi nhổ củ mì
NGUYỄN VĂN CƯỜNG (24 tuổi)
Những gì người hốt rác lượm lặt từ rác đã trở thành miếng cơm manh áo của những anh buôn đồ món, chị lựa ve chai hay là cả sự nghiệp gia truyền của những vựa phế liệu ở khu Sở Thùng (phường 11, quận Bình Thạnh).
Buôn đồ món
Trưa đứng bóng, anh Ben (36 tuổi) chạy chiếc Dream cũ chui thẳng vào xóm trọ chật chội bên đại lộ Phạm Văn Đồng.
Người phụ nữ trong dãy trọ khiêng chiếc bao tải, xổ xuống đất cả đống đồ cũ nát. Nào là dây điện, đĩa nhạc, điện thoại, ổ cắm điện, dây sạc... và một bịch thuốc Tây.
Ben ngồi banh cả mớ đồ, lượm lặt vài chiếc điện thoại nát bươm cầm lên tay rồi nói: "Nhiêu đây hai chục ngàn, còn thuốc Tây để gom thêm ít bữa nữa rồi mua luôn thể".
Anh Ben là tay buôn đồ món chính gốc Sở Thùng, hay còn gọi là nghề "lạc - xoong". Nhiều năm nay, anh Ben cùng anh trai sục sạo ở những khu có dân làm rác như Sở Thùng, Thủ Đức, quận 9, quận 12 để mua tất cả những thứ gì có thể kiếm lời từ rác.
Anh Ben kể rằng những ngày mới vào nghề anh lỗ "sặc máu" dù đã được một ông anh có thâm niên 20 năm chỉ giáo.
Tuy nhiên, sau gần nửa năm lỗ triền miên, tay buôn này bắt đầu sống được. Với nghề đồ món, mỗi người chuyên một thứ như giày dép, đồng hồ cổ hay điện thoại, máy tính bảng. Riêng anh Ben buôn tất, từ dây nịt, bóp da, đồ trang sức, kính mắt, hộp quẹt... đến cả thuốc Tây.
"Sáng mua được cái gì thì chiều sang tay lại cho những người chuyên bán tiệm, cái nào nhắm đem về tút lại cho ngon lành như đồng hồ, mắt kiếng hàng hiệu bán kiếm lời. Có khi mua được cả iPhone 7 Plus bị người ta đập vỡ màn hình, về thay lại bán ngon ơ.
Còn như thuốc thang thì chỉ mua hàng Mỹ như thuốc bổ, kháng sinh, thuốc trợ tim còn hạn sử dụng" - anh Ben kể.
Theo anh, nghề đồ món "mang ơn" nghề hốt rác bởi đây chính là mỏ hàng của nghề. Nhiều hôm bí hàng, anh chạy thẳng đến điểm đổ rác để mua tại trận những thứ họ vừa lượm lặt.
Cũng là tay buôn đồ món với thâm niên hơn chục năm ở Sở Thùng nhưng Giang chỉ chọn buôn một thứ hàng "độc".
Đó là mỹ phẩm đã qua sử dụng. Giang đến từng phòng trọ của dân làm rác sục sạo mua từng thỏi son, hộp kem dưỡng da, phấn, dụng cụ trang điểm... loại thải.
"Bán được hết, bán ngon lành nữa là đằng khác. Bán sỉ không à, cứ đăng lên mạng ai mua là bán, hàng xuất ra tận Hà Nội, cũng nhiều người thích xài hàng hiệu mà còn chút chút vậy đó" - Giang tiết lộ.
Chỉ tính riêng khu Sở Thùng cũng có vài chục tay buôn đồ món hằng ngày rảo khắp các xóm trọ người làm rác.
Theo Giang, ai làm nghề này cũng có máu nghề, như má Năm ở chợ An Đông dù đã 70 tuổi, nhà ba mặt tiền giàu nứt vách nhưng vẫn không bỏ nghề.
Theo Giang, cũng có người tướng tá bệ vệ, lúc nào cũng mặc vest, xịt nước hoa, chạy SH nhưng khi mở cốp xe ra thì... lộ ngay một tay buôn đồ món từ rác với cả chục món đồ.
Nghề của dân ngụ cư
Nghề rác dân lập đã sinh sôi ra một "đội quân" kiếm cơm bằng nghề phân loại ve chai, dân trong nghề gọi là "lựa mủ".
Công việc của họ đơn thuần chỉ là ngồi trong các vựa phế liệu, kho chứa hàng của dân làm rác phân loại "ve chai" theo từng nhóm hàng.
Nghề này chẳng khác nghề nhổ cỏ mướn ở quê là bao bởi chẳng ai có tài sản, vốn liếng gì, có người gọi là đi.
Những người làm rác bận rộn lại không quen tay, phân loại chậm chạp nên có đất để dân "lựa mủ" tồn tại. Đội quân này đa số là dân ngụ cư kiếm miếng ăn qua ngày.
"Mình ít học, không nhiều chữ nghĩa như người ta thì phải lựa ve chai kiếm tiền nuôi con ăn học chứ biết làm sao. Nhưng nó là đồng tiền chính đáng mà!" - chị Phạm Thị Kiều (42 tuổi) nói. Chị Kiều quê ở Đồng Nai, có gần 20 năm trọ ở khu Sở Thùng và cũng chừng ấy năm chị đi "lựa mủ".
Theo chị, nghề này nắng mưa gì cũng có việc để làm. Cứ người làm rác có phế liệu thì đội quân "lựa mủ" có việc.
Trước đây, người "lựa mủ" hưởng 10% số tiền bán được từ phế liệu. Bây giờ giá phế liệu bết bát nên tăng lên 15%, tính trung bình chị Kiều cũng kiếm được 150.000 - 200.000 đồng mỗi ngày.
"Tiền tươi thóc thật, cứ lựa xong, bán cho vựa là mình biết giá liền, người thuê trả tiền ngay trong ngày. Ai lựa nhiều được nhiều, lựa ít được ít, cứ ăn bám vô người làm rác mà sống" - chị Kiều cho biết.
Ở "đại bản doanh" của dân làm rác có cả chục vựa thu mua phế liệu lớn nhỏ, mở cửa quanh năm theo "lịch làm việc" của dân làm rác.
Chủ vựa phế liệu lớn nhất hẻm 348 Phan Văn Trị (Bình Thạnh) - anh Phạm Văn Tâm (43 tuổi) cho biết đây là nghề gia truyền, hai vợ chồng nối gót từ đời ông nội.
Từ năm 12 tuổi, anh Tâm đã phụ cha mẹ buôn bán bằng nghề này. Đến bây giờ, tuy là chủ vựa nhưng hai vợ chồng vẫn phải làm quần quật từ sáng đến tối phân loại rác theo từng nhóm hàng trong căn nhà kho dậy mùi ẩm mốc.
Theo anh Tâm, nghề phế liệu có gốc gác từ người Hoa, sau này người Việt mới học theo và đứng ra làm chủ thu mua. Tuy nhiên, để sống được thì người mua như anh Tâm phải biết giá, biết hàng và nhắm xuất hàng đúng thời điểm được giá.
"Hàng của tui là hàng tái chế, tất tần tật những thứ có thể tái chế mà người làm rác đem về là tui mua rồi xuất cho đầu nậu" - anh Tâm nói.
Nhiều tiền hơn chặt mía
Nguyễn Văn Cường kiếm sống trong vựa ve chai của anh Phạm Văn Tâm - Ảnh: NGỌC HIỂN
Ba năm nay, vựa phế liệu của anh Phạm Văn Tâm cũng là nồi cơm của Nguyễn Văn Cường (24 tuổi, quê Tây Ninh).
Cường được chủ vựa nuôi ăn ở và trả lương 5 triệu đồng mỗi tháng. Công việc của Cường là phân loại áo mưa, ve chai, sắt vụn, nhôm, dép nhựa, giấy thùng, giấy vụn... ra những bao riêng biệt.
"Làm cực nhưng có tiền đều đặn hơn là ở quê đi chặt mía" - Cường so sánh.
Ban ngày làm việc trong bãi phế liệu, buổi tối Cường trèo lên một căn gác nhỏ ngay trong kho ngả lưng. Cũng nhờ sống tằn tiện vậy mà hằng tháng đứa con mồ côi cha này cũng dư dôi được chút đỉnh gửi về quê nuôi mẹ già.
_______________________
Kỳ cuối: Ký ức Sở Thùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận