07/08/2020 10:02 GMT+7

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 6: Trắng đêm nhặt mót miếng ăn

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Mảnh tôn gỉ sét, miểng chai, kim chích, xác chuột chết là những thứ người nhặt ve chai đêm hay đụng phải trong bóng tối lờ mờ. Nhưng họ còn đối mặt với nhiều thứ đáng sợ hơn như đám 'ma men', bọn đua xe tử thần và cả dân nghiện ngập bất cần đời

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 6: Trắng đêm nhặt mót miếng ăn - Ảnh 1.

PV Thành Nhơn phân loại ve chai cân bán sau mấy chuyến nhặt đêm - Ảnh: TỰ TRUNG

Miếng cơm và giấc ngủ vạ vật bên đường

Chập choạng tối, cơn mưa tầm tã khiến đường hẻm ở xóm trọ Hoa Sữa trên đường Phạm Hùng nối dài (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) càng lầy lội hơn. Dưới màn mưa, anh Yên - người nhặt ve chai đêm - vẫn cần mẫn mưu sinh như bao ngày.

Tôi đạp xe theo anh Yên suốt mấy đêm liền, nhưng việc ai nấy làm. Men theo con đường Phạm Hùng, anh lục tìm trong từng thùng rác, bọc rác chỉ để nhặt nhạnh những thứ dù là nhỏ nhặt nhất, từ ly nhựa, ống hút, tô nhựa đến nilông, chai nước, vỏ lon bia, giấy... 

Nhiều đêm tôi cũng đi nhặt ve chai nên thấu hiểu sự cần mẫn của anh cũng như những người phải đổ mồ hôi vào giờ này. Tất cả họ đều là những người nghèo, rất nghèo. Phải hàng trăm, thậm chí cả ngàn ly nhựa, ống hút mới được một, hai ký nhựa, và giá bán thì rẻ bèo với chỉ vài ngàn đồng/kg.

Thật sự người nhặt ve chai đêm hầu như nhặt nhạnh không bỏ sót thứ gì, bởi họ không có vốn liếng để thu mua và cũng không thể mua gì được vào giờ mọi người đã ngủ này. 

Tôi đã thử nhặt ống hút, ly nhựa và đạp xe gần suốt đêm vẫn không kiếm nổi 2kg mà bán lại chưa được 10.000 đồng. Số tiền không đủ cho nửa tô hủ tiếu hay dĩa cơm bình dân.

Nơi anh Yên hay nhặt nhạnh chủ yếu là khu vực gần chợ, các tiệm sửa xe, quán nước. Theo hành trình "săn" ve chai của anh mỗi tối, tôi thấy cứ vài phút anh lại xuống xe đạp, tìm đến các túi rác. 

Làm nghề đã lâu, dù tướng nhỏ thó nhưng cách anh đạp xe qua lại giữa hai bên đường tìm ve chai nhanh thoăn thoắt như sóc. Chuyến ve chai đêm của anh kết thúc sớm nhất cũng lúc 2-3h sáng khi cư dân thị thành đã say giấc.

Tôi ghé xe bán sữa đậu nành bên đường của chị Thắm và nghe chị tâm sự 9 năm bán sữa trên con đường này thì chừng ấy thời gian chị chứng kiến anh Yên nhặt nhạnh ve chai. 

"Ổng hiền lắm, ngày trước còn nhặt ban ngày nhưng vài năm trở lại đây thì chỉ nhặt vào ban đêm thôi. Lúc trước còn dùng tay trần, tôi khuyên mãi ổng mới chịu mua đôi găng tay. Cái gì ổng cũng nhặt, đầy hết mấy bao đồ mới về. Nhiều khi sáng đi chợ vẫn còn thấy ổng nhặt đồ mà xót ruột hết biết" - chị Thắm trải lòng.

Nếu như nhặt ve chai ban ngày đã dơ bẩn, thì người tìm ve chai đêm càng tiếp xúc nhiều với dơ bẩn, hôi thối hơn dưới ánh đèn đường chập choạng, rất khó nhìn thấy rõ. Dù chỉ nhập vai, tay tôi cũng từng nhiều lần thọc vào những bọc cơm ôi thiu đầy nước, những miếng tã con nít, xác chuột chết hay mảnh kim loại, miểng chai bén ngót. 

Sau mỗi chuyến làm đêm như thế, quần áo tôi vương mùi rất khó ngửi về xóm trọ. Nhưng hầu như chẳng ai để ý, bởi mọi người đều... giống nhau!

Nhặt ve chai đêm, không ít lần tôi chứng kiến những giấc ngủ chập chờn, kiệt sức. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, ông Nguyễn Thiện Tùng (67 tuổi) ngủ gục bên cạnh xe ve chai. Đồng hồ đã điểm 1h sáng. "Mệt quá cháu ơi, chợp mắt xíu rồi đi lượm tiếp" - ông Tùng nói trong khi miệng vẫn ngáp ngủ liên tục. 

Với những người nhặt ve chai đêm, giấc ngủ ngắn vật vạ, chập chờn bên vệ đường, dưới mái hiên nhà phần nào giúp họ chịu đựng được công việc quá cơ cực.

Dù không thật sự nhặt ve chai vì miếng cơm manh áo, tôi cũng nhiều lần thiếp đi dưới hiên nhà bên đường. 

Mệt mỏi và buồn ngủ, tôi chỉ định tấp vào ngồi nghỉ một tí mà ngủ gục lúc nào không hay. Chiếc xe đạp chở ve chai cứ dựng vỉa hè, chẳng kẻ trộm cắp nào muốn dây vào những thứ tả tơi, dơ bẩn này.

Thường khoảng 9h sáng, người nhặt ve chai đêm bắt đầu việc phân loại. Ở xóm trọ, chú Sơn (50 tuổi, quê Vĩnh Phúc) xách từng bao nilông to tướng đổ ra giữa sân để phân thành từng túi nhỏ. Chú cùng vợ chuyên nhặt ve chai đêm, cứ mỗi tối lại còng lưng ngang dọc các khu dân cư, bãi rác mà cố gắng kiếm miếng ăn cho ngày mới.

Thỉnh thoảng người nhặt ve chai đêm may mắn "hốt" được mớ lon bia của dân nhậu hoặc mớ bìa cáctông, đống xốp mà người khác lén đổ trộm ra đường. Những đêm nhặt ve chai, cũng có khi tôi may mắn gặp các bàn nhậu ven đường. 

Với trăm vỏ lon bia, tôi cũng kiếm được khoảng vài chục ngàn đồng. Mùa dịch giã này, giá ve chai xuống thấp nên một đêm lao động cật lực của chú Sơn, anh Yên may mắn cũng chỉ được tròm trèm 200.000, còn thường chỉ trên dưới 100.000 đồng.

Nhiều đêm lượm ve chai kiệt sức, ngủ gà ngủ gật bên đường mà tôi chỉ mong một giấc ngủ ngon, không lo nghĩ chuyện cơm áo gạo tiền.

Ông Nguyễn Thiện Tùng

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 6: Trắng đêm nhặt mót miếng ăn - Ảnh 3.

Người nhặt ve chai đêm rất sợ những tài xế chạy ẩu - Ảnh: THÀNH NHƠN

Nhiều hiểm nguy trong đêm

Ngoài nhọc nhằn, dơ bẩn, người nhặt ve chai đêm cũng hay gặp hiểm nguy mà chỉ ai trong cuộc mới thấu. Chẳng hạn họ gặp kẻ nghiện ngập hoặc bị dân say rượu tông xe. Chú Sơn tâm sự rất nhiều đêm hôm gặp dân nghiện ngập vạ vật, chích choác rất đáng sợ. 

"Thậm chí, nó còn phê thuốc ngay chỗ mình nhặt, rồi như khùng như điên gây sự với mình" - chú Sơn kể. Với người nhặt ve chai đêm, chuyện đứt tay vì không nhìn rõ mảnh tôn gỉ sét hay miểng chai là bình thường. Nhưng thứ họ sợ nhất là những ống chích của dân nghiện lẫn lộn trong bãi rác bên đường.

Chú Sơn chia sẻ với tôi kỷ niệm cười ra nước mắt cái lần bị bọn nghiện lấy mất xe ve chai. "Thiệt có ai mà nghĩ bọn nó lấy cả xe ve chai dơ bẩn, rách nát của mình làm gì. 

Vậy mà lần đó tôi mới lui cui nhặt, ngoảnh lại xe đạp đã mất toi. Tôi phải đi bộ, lượm ve chai cả tháng mới bòn đủ tiền mua lại" - chú Sơn kể.

Còn với chị Phan Thị Dung, lần bị xe "ma men" tông gãy răng là tai nạn khó quên. Đêm hôm, "ma men" phóng xe tông khiến chị ngã xuống đường, cằm va đập xuống đất. "Phải trồng lại mấy cái răng. Dân ve chai ở đây gặp tai nạn suốt" - chị Dung ngậm ngùi nhớ lại. 

Nhưng dù sao chị Dung vẫn may mắn vì còn giữ được mạng sống. Có những phận người nhặt ve chai đêm đã nằm chết bên đường với cơ thể đầm đìa máu. 

"Cách đây mấy năm có cô bé quê Vĩnh Phúc nhặt ve chai bên Lê Đức Thọ, Gò Vấp bị xe tông chết. Nhiều trường hợp người nhặt ve chai bị tông chết lắm. Đêm hôm sợ nhất là quái xế và ma men!" - chú Sơn bộc bạch.

"Mấy hôm đầu còn sợ này nọ, chứ giờ chẳng biết sợ gì. Không lăn ra đường, không còng lưng làm thì lấy cái gì mà ăn. Mình ráng kỹ thôi, còn lại để số phận" - chị Dung tâm sự.

3h sáng, tôi đạp xe theo những người nhặt ve chai đêm trở về xóm trọ nghèo. Kiệt sức, tôi ngủ luôn trên nền phòng trọ lạnh ngắt mà cứ chập chờn giấc mơ những phận người còng lưng trên bãi rác bên đường...

Cảm giác sợ mỗi đêm

Trong thời gian nhập vai, tôi thường xuyên nhặt ve chai đêm. Tôi vẫn nhớ những đoạn đường vắng thì xe container, xe tải thường chạy với tốc độ rất nhanh hoặc là đám đua xe vô cùng ngang tàng, nguy hiểm.

Ngoài ra, khi tôi dừng đèn đỏ ở các ngả đường đêm, cảm giác cũng vô cùng bất an bởi nhiều người lái xe ẩu, thấy đường vắng nên vượt đèn đỏ, rất dễ tông người.

"Chị kể hoàn cảnh, thầy hiệu trưởng thương hay sao mà nhận hai đứa con của chị vào học. Phong bì 200.000 đồng chị chuẩn bị sẵn, thầy kiên quyết không cầm. Thiệt chị với ảnh mừng rớt nước mắt".

Kỳ tới: Nước mắt và nụ cười xóm ve chai

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 5: Nhặt từng ống hút, tiết kiệm từng đồng Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 5: Nhặt từng ống hút, tiết kiệm từng đồng

TTO - Với những phận đời còng lưng nhặt ve chai để mưu sinh, việc ngày ngày bới móc bãi rác hôi thối đầy ruồi nhặng, chuột chết, mảnh chai, sắt gỉ là chuyện thường.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp