04/08/2020 12:28 GMT+7

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 3: Tình người sau gương mặt nhem nhuốc

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Có một tiệm sửa xe ôtô trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 đêm đêm hay kêu tôi lại để cho mấy món ve chai. Đó là những vỏ chai nhớt, lon nước mà khách đến sửa xe uống rồi để lại.

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 3: Tình người sau gương mặt nhem nhuốc - Ảnh 1.

Phóng viên Tuổi Trẻ (giữa) dùng bữa cơm rau đạm bạc cùng “đồng nghiệp” xóm ve chai - Ảnh: TỰ TRUNG

Ngày đầu vào Nam chỉ nghĩ phải kiếm việc gì để sáng đi làm, chiều có cái ăn đút ngay vào mồm. Làm ve chai dơ bẩn, nhưng tối đi nhặt thì sáng đã có tí tiền mua cân gạo, gói mì.

Chú Hoàng Văn Tiêu (quê Vĩnh Phúc, ở cùng xóm trọ)

Dù chỉ là người nhập vai để tìm hiểu phận đời ve chai, nhưng tôi đã trải đủ cảm xúc vui buồn. Đó là những đêm còng lưng đạp xe tìm rác dưới các tòa nhà cao tầng sang trọng mà thấy lòng xốn xang, buồn tủi, là những bữa cơm "ké" đạm bạc nhưng thấm đẫm tình người nghèo khó dành cho nhau.

Dưới bóng chung cư sang trọng

Hằng đêm từ hẻm Hoa Sữa trên đường Phạm Hùng nối dài (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM), tôi chạy dọc theo đường Nguyễn Văn Linh rồi tạt qua Nguyễn Hữu Thọ để tìm nhặt chai nhựa, lon nhôm. Tôi rời xóm trọ ve chai lúc trời chập tối, đoạn đường đi về khoảng vài giờ đạp xe vừa đủ với một thằng nhặt ve chai nghiệp dư như tôi. 

Những ngày đầu chưa quen với hai bao ve chai bên thành xe, tôi bị người khác quẹt phải và nghe nạt nộ thẳng mặt bằng những câu rất khó nghe: "Mày mù hả? Chạy kiểu gì vậy?".

Qua những giao lộ đường lớn, tôi thường xuống dẫn bộ vì đã vài lần lạc vào các dòng xe cộ đông đúc. Đèn pha xe chĩa thẳng vào tôi, tiếng còi xe như cáu gắt cùng với nhiều ánh nhìn hăm he chẳng mấy thiện cảm. 

Tôi đi đúng làn đường nhưng cũng phải "nín thở" né những chiếc xe máy chạy ngược chiều bật đèn pha như lao vào mình. Lúc đó, tôi phân vân không biết phải nép vào lề đường hay cứ chạy tới.

Dừng đèn đỏ, tôi cũng rất ngại ngùng khi đậu xe ve chai to đùng giữa dòng người lưu thông, vì chả ai muốn đứng gần "xe rác" dơ bẩn, hôi thối. Nhiều lần tôi thấy người ta che mũi hoặc kéo kín khẩu trang. 

Tôi sợ những ngã ba, ngã tư, vì hay bị người khác đi xe máy tạt ngang đầu xe. Đã vài lần tôi suýt va chạm họ trong tình huống bất ngờ như thế. Có lẽ họ nghĩ xe máy tốc độ cao nên không quan tâm đến chiếc xe đạp tả tơi của tôi.

Và rồi tai nạn "nghề nghiệp" không né cho tôi. Đó là lúc ống quần dài của tôi bị mắc vào dây sên, suýt chút nữa thì ngã nhào ra giữa lòng đường. Rồi lần khác nhặt ve chai trong đêm, tôi bị mảnh tôn sét cứa đứt tay. Với dân ve chai "học việc", những tai nạn này như bài kiểm tra độ "lành nghề" cũng như thử thách bền lòng nơi tôi.

Tôi quen với việc nhìn ngó, bới móc thùng rác và các bọc rác mà người dân đặt trước nhà khi "linh cảm" có ve chai trong đó. Những hôm đầu ngửi mùi rác, tôi rất khó chịu, cảm giác cứ như úp mặt vào một xe rác nào đó đang chạy ngang trên đường. 

Qua tuần thử thách đầu tiên, tôi bắt đầu quen dần với suy nghĩ "bà con làm được thì mình cũng làm được". Tôi bắt đầu "nhạy" hơn khi có thể nhìn thấy ve chai từ phía xa. Tôi rành rẽ hơn việc điều khiển xe đạp, cúi xuống với nhặt nhanh những chai nước vứt bên hè đường mà không cần phải rời xe.

Ngày nào "trúng mánh", không bị mưa gió, tôi nhặt được khoảng hai bao ve chai, còn hôm thất bát tôi chỉ nhặt được một bao... Những ngày đầu đạp xe qua cầu lộng gió, ngước nhìn những tòa nhà cao tầng sang trọng ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 mà tôi dậy lên cảm xúc tủi tủi, cô đơn. Tôi nhớ có lần đạp xe qua quán cà phê acoustic bên đường, có bạn trẻ đàn hát giai điệu réo rắt của bài Hotel California bất hủ. Dưới ánh đèn màu đô thị hoa lệ, đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh những cụ già, đứa bé đang ngày ngày còng lưng nhặt mót miếng ăn từ bãi rác bên đường!

Trên đoạn đường đi về, tôi hay bắt gặp những gương mặt quen thuộc mỗi đêm. Đó là những cô gái "bán hoa" đợi khách ở hàng cây ven đường, là người đàn ông tật nguyền ngồi trên chiếc xe lăn xin ăn nơi dốc cầu hay các cậu bé lê la bán vé số khuya... 

Đó là những đêm với cái bao ve chai chỉ lác đác vài chai nhựa thì bỗng có người vỗ vai phía sau: "Cho em nè". Họ chạy theo tôi, cho thùng bia cùng mấy vỏ lon bia bên trong. Lúc đó, tôi thấy lòng mình thật sự ấm áp, dù món đồ đó chẳng đáng bao nhiêu tiền.

Thỉnh thoảng, tôi lại ghé vào mấy bàn nhậu gia đình ven đường để xin vỏ bia. Đa phần người ta đều cho tôi. Nhiều người còn cười cười nhìn tôi và tôi cũng đáp lại bằng nụ cười cảm kích.

Có một tiệm sửa xe ôtô trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 đêm đêm hay kêu tôi lại để cho mấy món ve chai. Đó là những vỏ chai nhớt, lon nước mà khách đến sửa xe uống rồi để lại. Họ nhặt lại và để dành cho tôi. Tất nhiên là tôi vui như "trẻ con nhận được quà" những lần như thế. 

Đem chuyện kể với các "đồng nghiệp" nơi xóm trọ, họ bảo: "Dân ve chai ai lại không thế. Người ta thấy mình tội nghiệp nên cho đó". Tôi từng nghe họ kể về những lần được cho bánh kem, được cho tiền ngày cận tết với những niềm vui ấm áp.

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 3: Tình người sau gương mặt nhem nhuốc - Ảnh 3.

Chú Bình nhặt xốp phế thải để xoay xở cuộc sống - Ảnh: THÀNH NHƠN

Bó rau, con cá cho nhau nơi xóm trọ nghèo

Vào ở chừng một tuần, xóm trọ tôi ở bỗng "đông vui" hẳn vì công an ập vào bắt trường gà. Khoảng giữa trưa, cả xóm nháo nhào vì mấy tiếng súng bắn chỉ thiên của công an. Hơn chục người chạy tán loạn, có cả những người vì vội quá nên nhảy cả xuống ao nước cầu tõm đen ngòm để trốn. 

Công an rời đi, vài người từ dưới ao bước lên, bốc mùi khủng khiếp. Cả xóm chẳng biết nên khóc hay cười với tình cảnh tréo ngoe của mấy thanh niên mê đá gà này.

Trong suốt nhiều ngày ở đây, chắc thấy tôi nhặt ve chai "tội nghiệp" nên mấy chị, mấy anh tìm đủ mọi cách lay động tôi bỏ nghề bằng những lời mời mọc đầy hấp dẫn: "Có công ty đang tuyển bảo vệ gần đây, lương khoảng 6 triệu lận" hay "làm phụ hồ đi em, ăn ở chủ lo hết"... 

Lấy lý do "đam mê tự do" của nghề nhặt ve chai, tôi thoái thác rồi tiếp tục nhập vai để trải nghiệm vui buồn với nghề.

Chị Trần Thị Oanh, người nhặt ve chai ở đối diện phòng trọ của tôi, thỉnh thoảng lại hỏi thăm tôi xem nay có nhặt được nhiều không. Tôi nhớ có lần chị mua bao cam sành, mang tận qua bên phòng cho tôi mấy trái kêu để dành vắt nước uống. Mấy trái cam không đáng là bao với người có tiền, nhưng với người phải nhặt mót ve chai, kiếm từng đồng bạc lẻ từ bãi rác thì nghĩa tình biết bao.

Thời gian nhập vai, ngoài buổi sáng hay mua xôi bắp dằn bụng và ăn cơm hộp buổi trưa, thì tối tôi hay được "ăn ké", nhiều nhất vẫn là nhà chú Đỗ Văn Bình. Những bữa cơm giản dị của người lao động nghèo khi thì đậu hủ chiên, canh rau mồng tơi, lúc thì vài miếng thịt ram nho nhỏ. Đáp lại ân tình của cô chú, tôi hay mua trái dưa hấu, ký chôm chôm và vài bó rau gửi tặng.

Tận dụng những tủ lạnh hư hỏng và mảnh đất bé tẹo gần ao nước, cô Duyệt - vợ chú Bình - cần mẫn trồng mồng tơi, rau dền, khoai lang và bầu bí. Những bữa ăn của tôi thêm chất xanh từ vườn rau nho nhỏ đó.

Xóm trọ tôi ở còn có một ông thầy cúng bị tật nguyền không thể đi đứng được. Hằng ngày mọi người lại thay phiên nhau lo cơm nước cho ông. Dù ai cũng nghèo khó nhưng cách mọi người chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình khiến nhiều lần tôi thấy mắt mình cay cay. Chuyện cho nhau qua lại vài trái bắp, túi gạo hay con cá, bó rau khiến xóm trọ nghèo luôn có những nụ cười tình thân...

Cảm ơn Sài Gòn

Có những người giận dữ khi tôi cố gắng tìm vỏ chai, lon nhôm ở thùng rác trước chung cư vì sợ vương vãi, nhưng cũng có những chú bảo vệ chỉ tôi đến tận nơi để nhặt. Và có người chạy theo cho tôi ve chai, nhưng cũng có người vừa chạy xe vừa vứt vỏ chai lăn lóc trước mặt tôi. Những ngày còng lưng tìm miếng ăn từ rác, tôi đã có bao kỷ niệm khó quên...

"Ngày đi, chú mời xóm làng, họ hàng bữa rượu thịt giã biệt. Chú hẹn 5 năm sau sẽ trở về quê hương sinh sống nhưng giờ thì mấy chục năm rồi vẫn nhặt ve chai ở đất Sài Gòn!"...

Kỳ tới: Ra đi, đầu vẫn ngoảnh lại

Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 2: Ve chai 'học việc' Đời ve chai - Tìm miếng ăn từ rác - Kỳ 2: Ve chai "học việc"

TTO - Tôi như "dân ngoại đạo" trước muôn màu muôn vẻ của thế giới ve chai. Chỉ riêng việc xác định cái gì nhặt được, cái gì không đã khiến thằng học việc với kinh nghiệm số 0 tròn trĩnh như tôi ngao ngán.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp