Các VĐV của đội tập trên sân Phú Thọ. Ảnh: T.P |
Đây cũng là lần đầu tiên môn cricket được đưa vào thi đấu tại SEA Games. Và có lẽ ít ai biết môn thể thao gần giống với bóng chày này đã hiện diện tại VN từ 3, 4 năm qua.
Tập hợp các HLV... thể hình, bóng chuyền
Cricket là một trong những môn thể thao có lượng người chơi đứng đầu thế giới. Vì vậy cộng đồng những người nước ngoài sinh sống tại VN, đặc biệt là người Anh, Úc, Ấn Độ, từ nhiều năm qua đã tự gầy dựng phong trào chơi cricket ở TP.HCM. Thậm chí Hiệp hội Cricket Việt Nam (VCA) đã ra đời được khá lâu. Bắt đầu ở ĐH RMIT, sân chơi cho các thành viên trong hội sau này chuyển sang Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao Phú Thọ (Q.11), và một đội tuyển cricket gồm toàn người Việt cũng ra đời từ cách đây hơn nửa năm dưới hình thức xã hội hóa.
Phần lớn thành viên trong đội là sinh viên đang theo học hoặc đã tốt nghiệp ĐH Thể dục thể thao TP.HCM. Họ đều xuất thân từ những môn thể thao khác, người bóng chuyền, bóng đá, người lại thể hình. Tiêu biểu như đội trưởng Lê Hoàng Đang (25 tuổi) vốn là một HLV cá nhân (PT - personal trainer). Đang có việc làm ổn định trong môn thể hình với thu nhập tầm 8 triệu đồng/tháng, nhưng Đang quyết định ngưng ngang công việc để tập cricket và chỉ nhận chế độ tập luyện 5 triệu đồng/tháng.
Đang là cử nhân ngành quản lý TDTT của Trường đại học TDTT TP.HCM. Với năng khiếu thể thao vốn có và một chút máu thích khám phá điều mới lạ, Đang từng dự SEA Games 2011 trong tư cách VĐV bóng chày. Đang nói: “Tôi tập thử và thấy cricket khá thú vị. Toàn đội đang cố tập luyện và làm quen với luật thi đấu cricket. Môn này có luật hơi phức tạp. Dù mới tập luyện nhưng chúng tôi phấn đấu không đứng chót tại SEA Games 2017”.
Nếu như đội trưởng Đang từng tham dự SEA Games thì với các thành viên còn lại, kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á là một giấc mơ mà đời thể thao sinh viên của họ chưa bao giờ với tới được. Nhiều người đã phải hi sinh rất nhiều, từ chuyện học tập đến cả công việc ổn định để lần đầu trong đời hiện thực hóa giấc mơ SEA Games. Điển hình như Hoàng Phúc Tý (23 tuổi) - cũng tốt nghiệp Đại học TDTT TP.HCM và đang làm HLV bóng chuyền cấp phong trào tại Bình Dương. Đây là một trong những VĐV chịu khó nhất trong đội khi mỗi sáng phải chạy từ Bình Dương lên sân Phú Thọ tập đến trưa, rồi chạy ngược về Bình Dương với tổng lộ trình gần 80km để dạy bóng chuyền.
Môn thể thao tốn kém
Trở ngại của những bạn trẻ khi đến với cricket là vấn đề kinh phí. Đây là một môn thể thao đòi hỏi nhiều dụng cụ - nào gậy, nào găng tay, dụng cụ bảo hộ bên cạnh giày và bóng. Riêng mỗi cây gậy mà đội đang sở hữu đã có giá cả triệu bạc. Đội cricket VN vì thế tồn tại dưới hình thức xã hội hóa khi các dụng cụ tập luyện, thi đấu đều do VCA tài trợ. Việc thành lập đội cũng do VCA đề xuất với Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM.
HLV Blinkhoff hướng dẫn các học trò. Ảnh: H.Đ. |
Ông Sandeep Gill - tổng thư ký VCA (người Ấn Độ) - cho biết: “Cricket là một trong ba môn thể thao có lượng người chơi đông nhất thế giới. Vì vậy chúng tôi muốn quảng bá môn thể thao này đến với người Việt. Ít nhất nó cũng giúp những người nước ngoài sinh sống tại VN đam mê cricket sẽ có thêm sân chơi”.
Không chỉ có dụng cụ tập luyện, VCA còn mời được cả một chuyên gia người nước ngoài cho đội - HLV Michael Blinkhoff (Úc). Là nhiếp ảnh gia, ông Blinkhoff làm việc ở VN đã 2 năm và cũng thường chơi cricket chung nhóm với các thành viên của VCA. Ông nhận lời giúp đỡ đội tuyển 3 buổi/tuần và hoàn toàn miễn phí.
18 cầu thủ, với 16 trong số đó là các sinh viên, học sinh lần đầu dự SEA Games cùng các HLV không phải chuyên nghiệp, sẽ đặt chân đến Malaysia vào tháng tới. Giấc mơ của họ không phải là những tấm huy chương, mà là hi vọng về một môn thể thao hàng đầu thế giới sẽ có cơ hội phát triển hơn tại VN.
Môn thể thao đông thứ 2 thế giới Theo thống kê của trang PledgeSports, cricket là môn thể thao có lượng người chơi đông thứ nhì thế giới với khoảng 2 tỉ người, chỉ xếp sau bóng đá (4 tỉ người) và trên cả bóng rổ (1,2 tỉ), quần vợt (1 tỉ)... Trong cricket, mỗi đội ra sân gồm 11 người và luân phiên nhau giữ vai trò giao bóng hoặc đánh bóng (bằng gậy). Mục đích của đội ném bóng là làm vỡ 3 cọc cầu môn đội đánh bóng, đội đánh bóng bảo vệ cầu môn bằng cách dùng gậy. Cricket là môn thể thao dễ dính chấn thương. “Chấn thương chủ yếu nhất là do bóng văng trúng người. Dù đã có quần áo bảo hộ các chỗ yếu nhược nhưng vẫn không tránh hết được, chúng tôi bị bầm giập là chuyện bình thường” - anh Nguyễn Phan Dũng, HLV trưởng của đội, chia sẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận