Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp:
Năng động, đổi mới để thực sự trẻ!
Phóng to |
Tôi cũng có nghe trên thế giới có một số người khi tuổi đời còn rất trẻ đã trở thành lãnh đạo quốc gia và với tôi thì không có lý do gì để không tin vào tài năng của thế hệ trẻ Việt Nam. Để có thể đưa được một người trẻ tuổi vào vị trí lãnh đạo, tôi cho rằng quan trọng nhất là công tác phát hiện, vì những người trẻ tuổi có tài năng thường đầy cá tính, họ có thừa ngọn lửa nhiệt tình cống hiến và không tiếc khả năng sáng tạo nhưng lại thường ít quan tâm đến chức vụ.
Để tìm được những “viên ngọc quý” này, đòi hỏi lãnh đạo phải chịu khó sâu sát với công việc, vì chỉ qua công việc mới đánh giá được phẩm chất, năng lực của cán bộ, vì anh muốn có người tài giỏi đáp ứng được công việc thì anh phải đi tìm, chứ không đợi người ta tìm đến anh, xin anh… Tiếp theo đó là công tác bồi dưỡng, thử thách trước khi có thể giao những công việc cao hơn. Theo tôi người lãnh đạo thành công là người phát hiện, bồi dưỡng và đưa được người, thậm chí còn giỏi hơn mình, vào vị trí thay mình.
* Qua theo dõi, nắm bắt tình hình đất nước, anh có “đơn đặt hàng” nào gởi đến “những người 8X” hôm nay?
Thế hệ các bạn trẻ ngày nay được hưởng những điều kiện ngày càng tốt hơn về mọi mặt để trưởng thành và phát triển.Tuy vậy, thế giới mà chúng ta đang chủ động hội nhập còn nhiều diễn biến phức tạp, các bạn trẻ cần phải không ngừng học tập nâng cao kiến thức và rèn luyện bản lĩnh để biến những lợi thế thành sức mạnh vượt qua các khó khăn và thử thách, đồng thời đủ tỉnh táo để “lọc nhiễu” trước lượng thông tin ngày càng lớn.
Thách thức lớn nhất đối với các bạn, theo tôi là làm sao làm chủ được thế giới của thông tin, của kỹ năng quản lý và khoa học công nghệ đang có tốc độ phát triển “chóng mặt” để tiến vào nền kinh tế tri thức. Tôi mong và cũng tin tưởng rằng thế hệ trẻ Việt Nam nhất định sẽ sống và làm việc xứng đáng với các thế hệ cha anh, đưa nước ta tiến kịp với các nước khác.
Phóng toNgô Tự Lập, nhà văn, nhà nghiên cứu, đang học tập và giảng dạy tại ĐH Illinois, Hoa Kỳ:
8X cần được khuyến khích sự độc đáo
* Giáo dục ở Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến tư duy lớp trẻ, đặc biệt là thế hệ 8X đang là học sinh, sinh viên?
Nhiệm vụ đầu tiên của giáo dục là dạy nói thật. nói thật là bài học đầu tiên để làm người. Nhưng ở ta, trẻ em thường phải học thuộc và nói những điều các em không nghĩ. Hãy thử xem trên truyền hình, ta sẽ thấy các em ăn nói toàn giọng người lớn, leo lẻo hoặc ngượng ngập, mất tự nhiên. Nhưng điều đáng lo ngại là các em sẽ nhận thấy rằng nói dối sẽ được ngợi khen. Tình trạng gian dối, trốn thuế, chạy điểm, mua bằng và nhất là lối sống hai mặt có lẽ bắt nguồn từ đó.
Về phương pháp giáo dục, chúng ta còn nặng tính áp đặt. Ở ta, dù ở cấp phổ thông hay đại học, ông thầy đều chỉ là người có môt túi kiến thức. Trong trường hợp tốt nhất, khi người học nhận được hết kiến thức của thầy và kiến thức của thầy không sai, thì cùng lắm trò cũng chỉ bằng ông thầy. Nền giáo dục của ta nhằm đào tạo ra người biết nhiều trong khi người trí thức phải là người luôn luôn muốn và biết phát hiện vấn đề, đồng thời tìm cách giải quyết các vấn đề ấy. Giáo dục phổ thông của ta có lẽ không tồi lắm, nhưng giáo dục đại học thì rất đáng lo ngại.
Khía cạnh khác là tạo dựng lòng tin của học sinh. Muốn sáng tạo thì phải có lòng tự tin. Một trong những mục đích của trường học ở Mỹ là giúp trẻ tự tin vào bản thân nó. Cách chấm điểm, chẳng hạn, không nên sử dụng như là công cụ để xếp thứ bậc học sinh và đánh giá giáo viên, điều khiến giáo viên chạy theo thành tích ảo và khiến đứa trẻ tự ti vì thua chị kém em. Thử hỏi, một học sinh từ lớp một đến lớp mười hai luôn đứng bét lớp, trượt xuống, làm sao có đủ tự tin để học tập, nhất là khi tất cả bạn bè đều biết điều đó?
Cuối cùng là thể thao. Ở lớp Học viết, khi tôi cho viết bài luận về bản thân, có tới hai phần ba trong số 18 sinh viên viết về thể thao. Có sinh viên suốt cả học kỳ không viết về điều gì khác ngoài thể thao. Phải khỏe thì mới có thể học tốt, làm việc tốt và cả yêu tốt được…
* Hoài bão của anh hiện nay là gì?
Năm 17 tuổi, tôi tự nhủ sẽ biết ít nhất 4 ngoại ngữ. Tuy nhiên, với tôi, đó là ý định chứ không phải hoài bão. Hoài bão giống như ước mơ, nhưng đó là những ước mơ dược hoạch định. Hoài bão chỉ có ở người trẻ, tôi không còn trẻ nữa, tôi chỉ có các kế hoạch mà thôi.
* Anh có quan tâm đến chuyện tích lũy kinh nghiệm? Kinh nghiệm của người già có tác dụng gì đối với người trẻ 8X?
Người trẻ luôn cần học hỏi kinh nghiệm của người già, nhưng người già cũng cần học hỏi kinh nghiệm của người trẻ. Kinh nghiệm không phải đo bằng tuổi tác mà đo bằng chất lượng sống, chất lượng nghĩ… Người thông minh và cần cù chỉ cần một năm làm việc có thể có nhiều kinh nghiệm hơn một kẻ đã làm việc hàng chục năm trong nghề. Với tôi, tích lũy kinh nghiệm là điều cần làm, nhưng phải nói câu “rút kinh nghiệm” nhiều lần thì nên phải tránh!
Là người không còn trẻ nữa, tôi nghĩ rằng người cần học, cần làm mới mình hơn cả chính là người già chứ không phải người trẻ. Một cô gái trẻ đâu cần trang điểm mà vẫn đẹp? Chỉ người già mới cần trang điểm. Bản thân tôi chẳng hạn. Tôi có máy tính từ năm 1991, khi đại đa số người dân Hà Nội chưa biết hình thù nó ra sao. Ngày nay trình độ tin học của tôi còn thua con trai tôi, mới 9 tuổi.
Phóng toTạ Bích Loan, nhà báo, Phó trưởng ban VTV3:
Tuổi trẻ tài cao không còn là "chuyện lạ Việt Nam"!
* Một nét tính cách của thế hệ 8X mà chị thấy được?
Tính cá nhân cao hơn thế hệ đi truớc: có nhiều hơn những người biết rõ giá trị của bản thân, luôn cố gắng làm giàu giá trị đó và tìm cách khẳng định nó. Họ có những suy luận độc lập. Tôi thường xuyên "phải" ngạc nhiên và thấy thú vị khi nói chuyện với họ. Có điều tôi băn khoăn, liệu tính cá nhân cao hơn có nghĩa là người ta sẽ cô đơn hơn không?
* Theo chị, giới trẻ 8X có gì khác so với những thế hệ đi trước?
Thật ra thì 8X và các X khác khi còn trẻ cũng không khác biệt lắm đâu, nếu như chúng ta đọc lại những cuốn hồi ký hoặc xem lại những bộ phim cũ. Ai trẻ mà chẳng đầy nhiệt huyết, khát vọng thay đổi thế giới. Ai trẻ mà chẳng tự tin vào sức mình và thấy "đường không xa núi chẳng mấy cách chia, trong đáy mắt mùa xuân là vĩnh viễn" (Xuân Quỳnh).
Tuy vậy tôi cũng cảm thấy bây giờ những người trẻ tuổi hình như tính toán nhiều hơn, có phải vì họ luôn phải cạnh tranh quyết liệt để khẳng mình không? Họ ít biết hy sinh hơn, có nghĩa là ích kỷ hơn bố mẹ họ. Hay là vì thế hệ đi trước sống trong hoàn cảnh khác? Và điều băn khoăn này của tôi được giải tỏa khi phỏng vấn các bạn trẻ trở về từ những đợt Thanh niên tình nguyện hoặc Mùa hè xanh.
* "Hãy viết ra một khẩu hiệu và hãy tập sống theo khẩu hiệu đó". Có một lời khuyên như vậy. Nếu chị là một người 8X, chị sẽ tự vạch cho mình một khẩu hiệu sống như thế nào?
Tôi thích câu nói mà Bác Hồ đã nói với thanh niên: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền... Và ngoài ra, tôi thích một câu hát trong một bài hát tiếng Nga: Mối quan tâm của chúng ta thật giản dị, mối quan tâm của chúng ta là để Tổ Quốc sống mãi...
Phóng toNguyễn Tử Quảng, Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng (ĐH Bách Khoa Hà Nội):
Khoa học công nghệ phát triển với tốc độ cao
* Anh nhận thấy 8X Việt còn phải tích lũy thêm điều gì?
Tôi thấy điều mà thanh niên VN thua kém thanh niên nước ngoài là sự chủ động. Tuy rằng đã có rất nhiều người trong số các bạn 8X đã rất năng động, nhưng phải nói một tình trạng chung là phần lớn thiếu sự chủ động. Bao giờ trong buổi học đầu năm học cho một lớp SV mới, đặc biệt là các em mới vào trường tôi cũng phải "lên lớp" một bài về việc này. Tôi hỏi "Các em có biết lúc bằng tuổi các em thì Bác Hồ, Bác Giáp đã làm gì?", phần lớn các em đều trả lời được.
Sau đó tôi hỏi tiếp: "Thế vậy các em còn nghĩ mình còn nhỏ không?", cả lớp thường im lặng và các bạn hiểu tôi muốn nói gì. Cái thiếu chủ động là ở đó, các bạn vẫn nghĩ rằng mình còn nhỏ, mọi việc đã có gia đình, ngay cả việc học có khi cũng là học vì gia đình, vì một guồng quay chung, học hết phổ thông thì lên ĐH, hết ĐH lên cao học... chừng nào còn lớp thì còn học và chẳng biết học để làm gì, động lực của việc học không phải là để làm việc.
Phóng toĐặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc cà phê Trung Nguyên, Nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc ASEAN 2004:
Sáng tạo là động lực đột phá hàng đầu
* "Khi tôi bằng tuổi anh bây giờ, tôi sẽ giàu hơn anh, nổi tiếng hơn anh!". Nếu một người trẻ tuổi thế hệ 8X "tuyên chiến" với ông chủ của cà phê Trung Nguyên như vậy, anh đáp lại sao?
Rất tốt! Sự kế thừa luôn phải là những con người xuất sắc, đột phá, có những ý tưởng mạnh mẽ, đầy sáng tạo và cùng vì sự lớn mạnh của đất nước.
* "Phải giàu cho cả dân tộc lên ngôi", nhiều người trẻ rất phấn khích với câu nói này của anh, nhưng làm sao để giàu thì nhiều người cũng không có câu trả lời. Anh nghĩ sao về điều này?
Trước đây, ông cha ta chiến đấu chống giặc ngoại xâm không ngoài mục đích giành độc lập tự do cho dân tộc. Vậy hôm nay, chúng ta kinh doanh làm giàu không chỉ cho riêng bản thân mình mà phải hướng đến làm giàu cho đất nước. Chúng ta không chỉ đổi đời cho riêng mình mà đang làm thay đổi cuộc đời của nhiều người, nhiều thế hệ và vận hội của cả một dân tộc, một quốc gia.
Điều quan trọng là các bạn phải giàu khát vọng làm giàu mà chính những quốc gia rất gần ta như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những minh chứng rất sống động và thực tiễn. Họ không có nhiều tài nguyên thuận lợi như nước ta, từ trong đống đổ nát tro tàn của chiến tranh, dân tộc họ đã hun đúc một khát vọng làm giàu, một ý chí mạnh mẽ khẳng định và giới thiệu với thế giới hình ảnh quốc gia trỗi dậy với những biểu tượng của các tập đoàn, của những sản phẩm thương hiệu nổi tiếng. Chỉ cần bây giờ chúng ta có một nửa hào khí của dân tộc năm xưa trong chiến trận thì tôi tin thế hệ bây giờ sẽ làm nên được những điều kỳ diệu cho đất nước trong thời bình.
* Anh thích nét tính cách nào ở người trẻ tuổi thế hệ 8X?
Tính sáng tạo và hoài bão lớn lao hơn trong những điều bình thường. Sự sáng tạo sẽ là nền tảng sức bật không ngừng cho những người trẻ tuổi và những khát khao, ước mơ lớn lao sẽ giúp cho nhiều thế hệ trẻ, cho một quốc gia làm nên được nhiều điều kỳ diệu mang dấu ấn lịch sử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận