Sự hiện diện của ông Zelensky được xem là một trong những điểm nhấn của Đối thoại Shangri-La năm 2024.
Ngoài việc phát biểu tại diễn đàn, ông Zelensky dự kiến sẽ gặp gỡ lãnh đạo quốc gia khác trong ngày cuối cùng của Shangri-La 2024.
"Nga muốn xóa Ukraine khỏi bản đồ chính trị thế giới"
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bắt đầu phát biểu lúc 11h30. Mở đầu bài phát biểu, tổng thống Ukraine điểm lại một số mốc trong lịch sử ngoại giao Nga - Ukraine từ khi Liên Xô sụp đổ hồi năm 1991, trong đó có việc Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mình nắm giữ.
Ông gọi đây là "sự lừa dối lớn nhất lịch sử hiện đại" khi các cường quốc hạt nhân đã hứa với Kiev an ninh thật sự.
"Nga muốn xóa bỏ Ukraine khỏi bản đồ chính trị thế giới. Giữa những năm 2010, Nga mang chiến tranh đến đất nước chúng tôi. Một cuộc chiến những người Ukraine chưa bao giờ muốn, không khơi ra, và đã mở rộng thành cuộc chiến khốc liệt nhất ở châu Âu sau Thế chiến 2.
Tất cả điều này là một loạt các thất bại ngoại giao và những nỗ lực liên tục nhằm duy trì thế giới bị chia thành các khu vực ảnh hưởng. Điều này gây rối loạn, hủy hoại cuộc sống của các quốc gia và làm suy yếu các cường quốc toàn cầu", ông Zelensky khẳng định.
Tổng thống Ukraine cũng nhấn mạnh bất chấp những thất bại trước đó, hoạt động ngoại giao vẫn có thể phát huy tác dụng nếu thật sự nhằm bảo vệ sinh mạng con người.
Theo ông, nhờ những hoạt động hoạt động trong thời gian qua, Kiev đã tiến gần đến Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hòa bình ở Ukraine sắp tổ chức vào giữa tháng 6.
"Chúng tôi tin rằng thế giới của chúng ta muốn sự đoàn kết và có thể hành động hoàn toàn thống nhất. Điều chúng ta cần là đối thoại cởi mở mà mọi người được tham gia. Chúng tôi đã đảm bảo hội nghị tuân theo các quy tắc và tôn chỉ của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các quy định quốc tế khác.
Tất cả điều đó trở thành nền móng cho công thức hòa bình của chúng tôi và trở thành Hội thị thượng đỉnh hòa bình nơi mọi lãnh đạo của mọi quốc gia có thể bày tỏ sự cam kết của mình với hòa bình.
Phần đông thế giới có thể an tâm rằng sự tham gia của họ vào những gì được hội nghị thống nhất sẽ thật sự được thực hiện và Nga sẽ không thể đẩy chúng ta ra xa con đường chấm dứt chiến tranh này", ông nói.
"Ukraine chắc chắn sẽ trở thành thành viên EU"
Bất chấp việc kêu gọi mở thượng đỉnh hòa bình về Ukraine, đến nay, Kiev vẫn nhất quyết từ chối mời Nga tham dự. Điều này khiến Matxcơva chỉ trích kịch liệt và cho rằng sự kiện này sẽ không có giá trị.
Tại Shangri-La, ông Zelensky cáo buộc Nga cố gắng phá hoại hội nghị hòa bình bằng cách đe dọa nhiều nước trên thế giới thông qua việc cấm xuất khẩu lương thực, hóa chất, chi phối giá năng lượng... để các nước ấy từ chối tham dự hội nghị.
Ngoài ra, tổng thống Ukraine cũng tự tin khẳng định Kiev đã có những bước tiến quan trọng trong việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Ông cho rằng: "Ukraine chắc chắn sẽ trở thành thành viên EU, thành một phần của một trong những thị trường và không gian an ninh lớn nhất toàn cầu".
Ông Zelensky cũng gửi lời cảm ơn đến các nước đồng minh đã hỗ trợ Kiev về mặt quân sự, hồi hương trẻ em Ukraine bị chuyển sang Nga...
Ông cũng cảm ơn Libya, Bangladesh, Sudan... vì đã nhập khẩu lương thực của nước này, qua đó đóng góp vào nền kinh tế thời chiến của Ukraine.
Kỳ vọng các nước châu Á tham dự Thượng đỉnh hòa bình
Khi được đại biểu hỏi về cách mà Singapore có thể hỗ trợ Ukraine, ông Zelensky tuyên bố: "Cho đến nay, đã có 106 quốc gia xác nhận sẽ tham gia [thượng đỉnh hòa bình] ở cấp độ lãnh đạo hoặc đại diện cấp cao.
Tôi sẽ có buổi hội đàm riêng với tổng thống và thủ tướng Singapore. Chúng tôi sẽ bàn luận sâu về quan hệ song phương. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà lãnh đạo Singapore có thể hỗ trợ Ukraine là sự hiện diện tại thượng đỉnh hòa bình. Tôi cũng mong các nước khác trong khu vực sẽ tham dự và ủng hộ thượng đỉnh".
Ngoài ra, khi được hỏi về việc trưng dụng các tài sản bị đóng băng của Nga trên thế giới, tổng thống Ukraine khẳng định có cơ sở pháp lý cho việc này.
Ông cho biết: "Chúng tôi đang được trao cơ hội sử dụng một số cơ chế nhất định để dùng các tài sản bị đóng băng. Hiện tại ở châu Âu, số tài sản này trị giá khoảng 300 tỉ USD.
Nhiêu đó sẽ không đủ để bồi thường toàn bộ những gì Nga đã làm với Ukraine. Tuy nhiên, nếu các tài sản không chỉ bị đóng băng ở EU mà còn được dùng để phục vụ Ukraine thì [Tổng thống Nga Vladimir] Putin và vòng tròn thân cận sẽ cảm thấy cuộc chiến này đã quá đắt đỏ".
Hôm 1-6, tổng thống Ukraine hạ cánh xuống sân bay Changi (Singapore), khởi đầu chuyến công du Singapore để tham dự diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á.
Ngay sau khi đến Singapore, ông đã nhanh chóng tiến hành các cuộc hội đàm song phương với lãnh đạo các quốc gia trong khu vực.
Sáng sớm 2-6, ông Zelensky tuyên bố trên mạng xã hội X vừa gặp gỡ Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta. Bên cạnh đó, ông cũng trao đổi trực tiếp với phái đoàn nghị sĩ Mỹ và ông Prabowo Subianto, người trúng cử tổng thống Indonesia hồi tháng 2-2024.
Tổng thống Ukraine chia sẻ: "Tôi trân trọng sự ủng hộ của ông Ramos-Horta đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như các nghị quyết quan trọng của Liên Hiệp Quốc nhằm chỉ trích hành động hung hăng của Nga".
Chuyến đi lần này là lần thứ hai ông Zelensky đến châu Á kể từ khi nổ ra chiến sự với Nga từ tháng 2-2022. Lần đầu tiên là vào tháng 5-2023, khi ông tham dự hội nghị G7 tại Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận