Về Tùng Ảnh những ngày này, đi trên các con đường thảm nhựa chạy dài đến từng thôn xóm, nhìn những dãy nhà cao tầng san sát và cả những cánh đồng lúa xanh hút tầm mắt sẽ ít ai nghĩ rằng đã từng có một Tùng Ảnh bị bom đạn tàn phá và nghèo khổ bao trùm.
Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng
Cụ Trần Văn Dụ đã 83 tuổi nhưng vẫn minh mẫn nhớ như in những đoạn đường lịch sử xã nhà. Cụ bảo người dân Tùng Ảnh nói riêng và Bắc Trung Bộ nói chung ở vùng khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, trải năm tháng lầm than, "một cổ hai tròng" khổ sở nên sớm diễn ra các phong trào yêu nước chống áp bức, xâm lược.
Từ cuối thế kỷ 19, Tùng Ảnh nổi lên nhiều chí sĩ yêu nước, tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa mà gây tiếng vang nhất là khởi nghĩa Phan Đình Phùng năm 1885 - 1895. Cách mạng khởi phát, Tùng Ảnh cũng sớm thành lập chi bộ Đảng.
Chính nơi đây là quê hương của chiến sĩ cách mạng kiên trung - đồng chí Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của Đảng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, xã Tùng Ảnh là vùng đất hứng chịu tàn phá của bom đạn.
Cụ Dụ đi bộ đội năm 1959, đến cuối năm 1968 trên một chuyến công tác có dịp ghé về thăm nhà vào một chiều nhá nhem tối và không thấy nhà cửa đâu.
Khắp nơi toàn hố bom, hỏi ra mới biết cả gia đình đã chuyển đến tập kết ở một địa điểm cách làng không xa. Thời đó toàn nhà tranh vách nứa, người dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp nên thiếu thốn trăm bề.
"Hòa bình lập lại, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Tùng Ảnh gượng dậy, bắt đầu tập trung vào phát triển kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, từ chủ trương xây dựng nông thôn mới, địa phương đã thay đổi rõ rệt, đường sá khang trang, nhà cửa kiên cố, người dân thoát khỏi cái thời chưa ăn đã lo mà chuyển sang ăn ngon mặc đẹp", cụ Dụ nhìn nhận.
Rời nhà cụ Dụ, chúng tôi thăm nhân vật khá đặc biệt, đó là ông Lê Tự Lập (70 tuổi, ngụ thôn Châu Tùng) - người không chỉ sinh ra và gắn bó với mảnh đất này mà từng có 25 năm làm chính quyền xã Tùng Ảnh, đồng hành với từng sự đổi thay trên quê hương cố Tổng bí thư Trần Phú.
Ông Lập cho biết xã Tùng Ảnh là vùng đất giàu truyền thống cách mạng bởi chỉ tính hai cuộc kháng chiến, địa phương này có tới 297 liệt sĩ và hơn 300 thương binh. Nơi này cũng là vùng đất học nổi danh với làng khoa bảng Đông Thái nức tiếng.
Tùng Ảnh phụ thuộc vào trồng lúa nhưng đất đai cằn cỗi nên nguồn nước tưới tiêu chủ yếu phục vụ từ trạm bơm Linh Cảm.
Song những năm tháng chiến tranh nơi đây là trọng điểm bị bắn phá, nguồn nước tưới tiêu bị đứt đoạn khiến năng suất rất thấp. Hơn nữa, trước đây sản xuất chủ yếu dựa vào sức người, manh mún, nhỏ lẻ nên sản lượng nông nghiệp chỉ đủ nuôi sống người dân.
Từ khoảng những năm 1990, Tùng Ảnh bắt đầu trở mình. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng, phân bón và giống cây trồng được cung ứng đầy đủ nên sản xuất nông nghiệp đã thay đổi rõ rệt.
Các dự án điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang, bài bản đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Người dân mạnh dạn đầu tư các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mở ra thêm hướng phát triển kinh tế mới, tăng thêm thu nhập.
Xây dựng quê hương Trần Phú ngày càng giàu đẹp
Ông Nguyễn Văn Đức, bí thư Đảng ủy xã Tùng Ảnh, cho biết người dân nơi đây luôn tự hào Tùng Ảnh là quê hương tổng bí thư đầu tiên của Đảng.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Trần Phú luôn là nguồn động viên to lớn để Ðảng bộ và nhân dân vượt mọi khó khăn, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Trên con đường phát triển, Tùng Ảnh đã không ngừng vươn lên, phát huy sức mạnh nội lực, cùng với sự giúp đỡ của các cấp để tạo nên sức bật mới trên các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn đầu từ năm 2000-2005, Tùng Ảnh là một trong bảy xã đầu tiên hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới do tỉnh Hà Tĩnh đề ra.
Giai đoạn hai từ 2006-2010 đây là xã duy nhất hoàn thành 33 tiêu chí khi đạt chuẩn vào cuối năm 2008, rút ngắn được hai năm. Tiếp đó, tháng 9-2019 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tùng Ảnh đang tiếp tục đột phá khi trở thành một trong hai xã đầu tiên của Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 1-2021.
Từ đó đến nay, xã tiếp tục phát huy xã nông thôn mới kiểu mẫu, hiện đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới thông minh, là điểm đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm với nhiều địa phương trong, ngoài tỉnh.
Đến nay Tùng Ảnh có 4 nhà máy, 34 doanh nghiệp, 585 hộ kinh doanh, buôn bán cá thể, 4 sản phẩm OCOP 3 sao.
Xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả tích cực, hiện hộ nghèo chỉ còn 1,1%. Sự nghiệp giáo dục luôn phát huy được truyền thống, nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, toàn xã cả ba trường đã đạt chuẩn quốc gia.
Ðây là những điểm sáng về phát triển kinh tế, tiến tới xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, hướng con người vươn tới những giá trị nhân văn cao đẹp.
"Những thành tựu đạt được, sự thay đổi rõ nét trên quê hương cố Tổng bí thư Trần Phú hôm nay là kết quả chung sức, đồng lòng, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tùng Ảnh phấn đấu trong một thời gian dài.
Tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương và chí khí của các bậc tiền bối, người dân Tùng Ảnh luôn khắc ghi lời nhắn nhủ "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" của đồng chí Trần Phú để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh hơn", ông Đức tâm sự.
Ông Nguyễn Thành Đồng, bí thư Huyện ủy huyện Đức Thọ, cho biết đến nay có 15/15 xã về đích nông thôn mới, 8 xã về đích nông thôn mới nâng cao và 4 xã về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Về huyện Đức Thọ có thể nhận thấy rất rõ từ cảnh quan, môi trường, đời sống của người dân ngày càng đổi thay và thu nhập tăng lên hằng năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận