Đồng lúa hữu cơ ở HTX Tân Bình (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) - Ảnh: NGỌC TÀI
Một báo cáo của Hãng Bloomberg đã gây rất nhiều tranh cãi khi kết luận rằng người Việt ăn sáng sang nhất thế giới. Báo cáo cho biết người Việt chi tới 12% thu nhập để ăn sáng, trong khi các nước phát triển, trong đó có người Nhật, chỉ chi khoảng 1% thu nhập cho nhu cầu này. Tại sao người Nhật không chi nhiều hơn cho bữa ăn trong khi thu nhập cao gấp 15 lần người Việt?
Ăn không chỉ để no
Theo lý thuyết của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow (1908 - 1970) về nhu cầu con người từ thấp đến cao, ăn chỉ là một nhu cầu cơ bản, nằm ở tầng thấp nhất cùng với mặc và ở. Cao hơn nữa là các nhu cầu về an toàn, được gia nhập nhóm, được quý trọng, cuối cùng là trở thành người dẫn đầu. Người Nhật đã dùng gần hết thu nhập để đáp ứng các nhu cầu khác, chứ không phải để ăn.
Người Việt rồi cũng sẽ như vậy. Kinh tế phát triển, bữa cơm của người Việt đang thay đổi dần từ bữa ăn no sang bữa ăn dinh dưỡng. Theo đó, lượng tiêu thụ gạo bình quân của người Việt Nam đã giảm từ 145kg gạo/người/năm trước đây nay còn khoảng 100kg và sẽ tiến dần đến mức của Hàn Quốc, Nhật Bản là 65-70kg gạo/người/năm trong vài năm tới.
Kinh tế càng phát triển, con người sẽ càng dành nhiều tiền hơn chi dùng cho các nhu cầu cao cấp khác, chứ không phải để ăn và ăn cũng chọn thực phẩm sạch, an toàn.
35 năm qua, năng suất lúa trung bình của Việt Nam tăng 3,68 tấn/ha, tương đương 169,6%, gấp 3 lần trung bình thế giới. Trong khi các nước xuất khẩu gạo khác lại hướng vào gạo chất lượng cao, không quá chú trọng vào tăng năng suất. Với Ấn Độ, sau 35 năm, năng suất chỉ tăng có 80kg/ha, Pakistan tăng 9 tạ/ha và Thái Lan tăng 6,4 tạ/ha. Nông dân Việt vẫn đang trồng cây theo hướng tăng năng suất bằng mọi cách, đầu tư quá nhiều vào phân bón, thuốc trừ sâu để cuối cùng thu về sản phẩm chất lượng thấp. Bảo sao khó bán! Hỏi sao nhà nông không nghèo!
Làm nông "đẳng cấp" hơn
Nhu cầu sống của người Việt đã thay đổi. Từ ăn no mặc ấm đến ăn ngon mặc đẹp và giờ đây là ăn dinh dưỡng, mặc thời trang. Điều đó giải thích vì sao một bộ phận gia đình Việt (kể cả người dân vùng trồng lúa) hiện đang tìm mua gạo Campuchia, gạo Nhật... cho bữa cơm hằng ngày.
Và Việt Nam dù đã trên 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo nhưng chỉ quanh quẩn trên dưới 10 thị trường quen thuộc, chủ yếu là các nước có thu nhập trung bình và thấp thuộc châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Trong khi Campuchia mới chỉ có 5 năm nhưng gạo của nước bạn đã có mặt ở 53 quốc gia và vào được những thị trường khó tính như EU, Mỹ.
Nhiều người dám ăn sushi cá ngừ 250 triệu đồng/kg, ăn gạo 5 triệu đồng/kg ở Nhật. Gần hơn là ở Việt Nam, có nhà hàng bán bánh mì 100 USD/ổ, phở 100 USD/tô. Nhu cầu cái ăn của con người ngày càng cao. Nguyên liệu của những bữa tiệc sang trọng đến những bữa ăn ngày thường cũng đều từ gạo, cá, thịt, rau... Vấn đề là cá, thịt được nuôi, gạo, rau được trồng một cách rất khác, rất ngon, rất bổ và rất an toàn.
Ở Đồng Tháp, gạo Tâm Việt của nông dân 9X Võ Văn Tiếng (xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) bán 30.000 đồng/kg, sản xuất không đủ hàng giao. Hay xoài cát chu trồng theo phương pháp hữu cơ vi sinh của lão nông Nguyễn Phú Hiệp (xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh) được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá đắt gần gấp đôi so với xoài trồng theo phân thuốc hóa học thông thường.
Do đó, nhìn từ tháp nhu cầu Maslow, nông dân Việt có thể giàu nếu dám từ bỏ tư duy sản xuất với giá rẻ, chuyển sang các loại nông sản an toàn, đẳng cấp cao hơn. Và giảm diện tích trồng lúa, chuyển sang trồng nông sản sạch, dinh dưỡng cao là xu hướng tất yếu.
Ông Lê Minh Hoan (bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp):
Cần thoát khỏi tư duy mùa vụ và thương vụ
Thủ tướng Chính phủ vừa có những chỉ đạo các bộ, ngành liên quan gấp rút hành động để xử lý một tình huống "chẳng đặng đừng", đó là giải cứu lúa gạo, giải cứu nông dân. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần thoát khỏi "tư duy mùa vụ và thương vụ" để kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn cho một nông sản là sinh kế của hàng chục triệu nông dân.
Nông sản Việt, trong đó có lúa gạo, để không tiếp tục phải chờ "giải cứu", để nông dân không còn ngồi trên đống lửa, cần một chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, liên tục, kiên trì để thoát khỏi cách làm nông "chi phí cao, chất lượng kém".
Để vượt qua lời nguyền đó, không thể tiếp tục sản xuất cá thể, mạnh ai nấy làm, mà phải cùng hợp tác với nhau. Điều đó cho thấy hợp tác xã là giải pháp duy nhất trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy còn những rào cản về thể chế nhưng Đồng Tháp đã, đang và sẽ kiên trì hướng đến mục tiêu đó trên nền hơn 60 hội quán nông dân - tiền đề để phát triển nông nghiệp.
Xem bản đồ hoa anh đào, nghĩ về bản đồ lúa gạo
Người Nhật đã luôn làm cho thế giới nể phục khi họ chi tiết và kỹ lưỡng trong mọi việc dù lớn, dù nhỏ! Chỉ một việc vẽ bản đồ dự báo thời gian mùa hoa anh đào nở tại các khu vực khác nhau trên nước Nhật, phục vụ người dân và du khách đã cho thấy sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng cho từng việc.
Nghĩ về hội nghị bàn giải pháp "cứu lúa" đông xuân 2019, nhiều lần giải cứu nông sản cho thấy sự thiếu chủ động trong việc dự báo và xử lý tình hình. Dưa hấu không phải một ngày là chín, heo không một ngày là lớn, lúa không một ngày đạt năng suất cao... Một tháng, nửa tháng trước khi thu hoạch lúa, cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đã có thể có được dự báo về năng suất, sản lượng lúa toàn quốc.
Chúng ta cũng có thể nắm bắt sản lượng lúa dự trữ của thế giới còn bao nhiêu tấn, từ đó có chính sách, sự chuẩn bị kịp thời cho công tác mua, dự trữ lúa gạo, giúp bà con không bị thương lái ép giá...
Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động hơn trong việc ứng phó và có nhiều phương án xử lý nhằm ổn định thị trường nông sản, đặc biệt là lúa gạo! Xin đừng để nước đến chân mới nhảy, xin đừng để được mùa lại là nỗi bất hạnh của bà con nông dân!
Trương Thế Quốc (chủ tịch Công ty CP phân bón hữu cơ Trương Việt)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận