24/02/2015 09:20 GMT+7

​Đổi thay đẹp ở xe buýt Hà Nội

PHẠM NGỌC ÁNH - MAI HOA
PHẠM NGỌC ÁNH - MAI HOA

TT - Cảm nhận của hai hành khách khi có dịp trở lại đi xe buýt ở Hà Nội.

1. Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Vào những năm 1970, tôi còn là học sinh cấp I, II. Kinh tế miền Bắc còn rất khó khăn nhưng khi đi tàu điện, xếp hàng mua hàng hóa tôi thường thấy các anh chị, cô bác hay nhân viên dắt tay lên tàu, nhường chỗ ngồi, nhường mua hàng trước cho người tàn tật, phụ nữ, người già và trẻ em.

Những hành vi này lúc đó được coi là hành vi của những người có học, hành vi của con người mới XHCN. Nhưng khi đất nước đổi mới, kinh tế của người dân đã khá giả thì những hành vi như trên ở ngoài xã hội lại phai nhạt nhiều.

Tôi chuyển công tác và sinh sống tại TP.HCM đã hơn 20 năm, mấy năm gần đây do quá bận bịu công việc không về thăm quê hương được. Vừa qua về thăm thủ đô, tôi quyết định đi thăm bạn ở Gia Lâm bằng xe buýt để cảm nhận sự đổi thay ra sao.

Tôi đi xe buýt - tuyến xe số 11 từ Nhà hát thành phố về Trường đại học Nông nghiệp I. Khi xe vừa dừng, nhân viên nhà xe là một nam thanh niên đã đứng ngay cửa lên xuống đón, đỡ một cụ già và đưa vào ghế ngồi một cách ân cần, chu đáo. Tôi bắt đầu có cảm tình với chuyến xe buýt này. Tôi lên xe, đứng vịn vào thành ghế của một cụ già, phía sau là một cô gái khoảng 19, 20 tuổi.

Thấy tôi mái tóc đã điểm bạc, cô gái rời khỏi ghế nói: “Chú ơi chú ngồi đây đi”. Tôi hỏi lại cô gái: “Cháu xuống điểm tới đây à?”. Cô gái nói: “Cháu xuống điểm cuối chú ạ”. Tuy đã tuổi ngũ tuần, nhưng tôi là một quân nhân nên đứng một lát trên hành trình này thì đâu có thấm chi.

2. Tôi từng có thời gian năm năm đi học ở Hà Nội trước khi vào Sài Gòn làm việc gần ba năm nay. Hồi đó tôi đi học bằng xe buýt và phương tiện này trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Xe buýt cũ, hôi hám, người đông như nêm. Giờ tan học tôi đứng giữa hàng trăm người chờ xe buýt, đuổi theo chiếc xe dừng không đúng bến, xô đẩy nhau để leo được lên xe.

Có bữa xe vừa chạy vừa mở cửa, bạn tôi nhảy lên liền bị phụ xe xô nhào xuống đường. Trên xe người đông đến nỗi cảm giác chân mình không chạm đất. Bị quấy rối, bị móc túi trên xe là chuyện cơm bữa mà chẳng biết phải làm gì.

Một ngày đầu tháng 2 tôi trở về Hà Nội và đi trên tuyến buýt số 32 - tuyến xe buýt trước đây vốn nổi tiếng về nạn móc túi và nhếch nhác. Nay xe đã được thay mới, ghế ngồi ít, nhiều chỗ đứng khiến không gian trong xe thoáng hơn.

Anh phụ xe cũng dễ thương hơn mấy anh hồi xưa tôi gặp nhiều. Dù xe đông, anh vẫn sắp xếp được chỗ ngồi cho người cần được ưu tiên với những ngôn từ rất lịch sự. Tôi nhớ hồi trước phụ xe rất dễ quạu, văng tục và thậm chí còn dồn khách lại một xó để lấy lối đi.

Tôi hỏi một bác lớn tuổi ngồi cạnh. Bác là người Hà Nội gốc, vào Sài Gòn thăm con cháu vừa về. Bác nói rất hài lòng về sự thay đổi của xe buýt Hà Nội thời gian gần đây. “Xe đẹp, thoáng nên đỡ nhếch nhác hẳn. Giữa cái xe đẹp thế này người ta chắc cũng ngại làm bậy. Bữa nào xe vắng bác còn đọc sách được vì xe chạy êm chứ không ầm ầm, đánh võng như hồi trước”, bác nói.

Đúng là đây đó vẫn còn những chuyện chưa đẹp về xe buýt, nhưng với chừng ấy sự hài lòng của người đi xe cũng nên ghi nhận sự tiến bộ của xe buýt Hà Nội để họ có những cải tiến tốt hơn về sau.

PHẠM NGỌC ÁNH - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp