18/03/2016 07:27 GMT+7

Đổi thay cho những phận nghèo

QUANG THẾ
QUANG THẾ

TT - 60 hộ nông dân tỉnh Hà Nam nhận trợ vốn “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” trong ngày hôm nay, 18-3, đều có ham muốn làm giàu từ chăn nuôi nhưng nhiều khốn khó cứ dồn dập đè lên cuộc sống của họ.

  • “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tỉnh Hà Nam  
  • Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn Hà Nam và Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam
  • Tài trợ: Công ty cổ phần Greenfeed Việt Nam
Chị Phạm Thị Tươi mong được giúp vốn mua thêm vịt chăn để kiếm tiền lo cho ba con - Ảnh: Quang Thế
Chị Phạm Thị Tươi mong được giúp vốn mua thêm vịt chăn để kiếm tiền lo cho ba con - Ảnh: Quang Thế

Như câu chuyện của chị Phạm Thị Tươi (34 tuổi, ở thôn Trì Xá, xã Châu Giang, huyện Duy Tiên), chồng mang bệnh ung thư, trong nhà có gì cũng bán hết để chạy chữa suốt hai năm nhưng vẫn không qua khỏi.

Chồng mất, để lại cho chị ba con thơ, nhà cửa không có, đến gạo trong thùng cũng không còn...

Mơ vốn để thoát nghèo

Sau ngày chồng mất, mấy mẹ con chị Tươi phải ra bụi tre cạnh cánh đồng để tá túc. Chị kể có nhiều đêm mưa kéo đến không ngớt khiến chiếc chăn mỏng cũ nát cũng bị ướt, mấy mẹ con chỉ biết ngồi ôm nhau mà khóc.

Thương mẹ con chị, những người thân người giúp miếng tôn, người góp viên gạch, người đỡ ngày công dựng cho chị căn nhà nhỏ trên đất ruộng.

Để có tiền lo cái ăn cái mặc cho các con, chị Tươi phải làm việc quần quật cả ngày, hết nuôi heo lại nuôi vịt. Dáng người chất phác, mắt nổi quầng sau nhiều đêm thiếu ngủ, chị nói như đang tiếc nuối: “Tôi mới gây dựng được ít heo và vịt đẻ trứng nên suốt ngày phải chăm nom, có những đêm gần như thức trắng. Sống ở vùng này chỉ có chăn nuôi mới thoát nghèo được. Trước, chồng tôi còn sống, vợ chồng ấp ủ dự định có trang trại nuôi heo, vịt, cá nhưng rồi đành bỏ ngang. Nếu được đầu tư vốn, tôi sẽ nuôi thêm vịt, bắt thêm heo về nuôi để chuồng không còn bị trống nữa”.

Cũng như chị Tươi, cuộc đời chị Nguyễn Thị Ren Ly (33 tuổi, ở thôn Du My, xã Châu Giang) cũng đầy nước mắt. Đang hạnh phúc cùng gia đình, chồng chị đi xuất khẩu lao động và không về nữa, bỏ lại chị và hai con trai còn nhỏ. Những ngày ấy chị chỉ biết ôm con khóc.

Được mọi người động viên chị đã đưa con về quê Hà Nam từ năm 2011 nương tựa vào người thân để lo cho con. “Thời gian đầu khi mới trở lại quê nhà, cả hai con tôi thường xuyên phải nhập viện. Nghĩ đến cảnh trời mưa trời gió đưa con đi bệnh viện mà không có đồng tiền nào trong túi, nhiều lúc tôi không dám bước tiếp nữa...” - chị Ren Ly tâm sự.

Vất vả chạy vạy kiếm đồng tiền, bát gạo cho các con với cái nghề “ai kêu gì làm nấy”, đến nay chị Ren Ly và hai con vẫn phải nương tựa vào ngôi nhà cũ kỹ của bố mẹ đẻ. Được người trong thôn chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim bồ câu, chị đã gây dựng được khoảng 30 đôi chim bồ câu, mỗi tháng cũng bán được vài con non, tích cóp thêm tiền cho hai con ăn học.

“Nếu có vốn tôi sẽ gắng đầu tư vào chăn nuôi để cuộc sống khá hơn. Ước nguyện của tôi là có được một căn nhà riêng để mẹ con ở và dành dụm đủ tiền cho các cháu lấy cái ăn, cái mặc và tiền học sau này” - chị Ren Ly bày tỏ.

Những dự định mới...

“Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” không chỉ trợ vốn tiếp sức cho những hộ nông dân nghèo mà còn là sự động viên, khích lệ về mặt tinh thần giúp họ vượt lên, nuôi dưỡng ước mơ thoát nghèo và tạo nền tảng để con em họ được tiếp tục đến trường.

Những gia đình được nhận trợ vốn mấy năm trước đây phần lớn đã thoát nghèo, xây thêm được nhà, tăng đàn heo, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho chăn nuôi, ngăn dòng bỏ học của chính con em họ.

Cuộc sống gia đình chị Lê Thị Hạnh (36 tuổi, ở thôn Quan Trung, xã Văn Lý, huyện Lý Nhân) đã có những đổi thay. Chồng mắc căn bệnh hiểm nghèo rồi mất vào năm 2005, khi con trai lớn của chị mới tròn 5 tuổi và con gái nhỏ mới hơn 1 tháng tuổi.

Trong hoàn cảnh cuộc sống túng quẫn, chị phải gửi con nhỏ, rời quê đi bán bánh rán dạo gần bốn năm ở ga Hà Nội kiếm từng đồng lo cho hai con ăn học. Con lớn một chút, chị về quê bắt đầu chăn nuôi để ở gần chăm sóc cho con.

Năm 2012, chị được trợ vốn để thoát nghèo và nguồn vốn đó đã góp phần giúp chị từ một hộ nông dân sống nương tựa trong căn nhà chật hẹp của bố mẹ, không có tài sản gì đáng giá thì sau một thời gian đã có thể sắm thêm được tivi, xe đạp cho con đến trường.

“Nếu ngày đó tôi không được vay vốn thì cũng không biết bây giờ cuộc sống sẽ ra sao. Đã nghèo mà con cái bỏ học giữa chừng thì lại càng khốn khổ. Có sự tiếp sức của chương trình khiến mẹ con tôi ổn định hơn, hai cháu nhỏ học hành ngày một giỏi” - chị Hạnh chia sẻ.

Nhưng chị vẫn còn nhiều dự định phía trước, như một chuồng heo rộng đủ nuôi cả vài chục con đến nay chỉ mới dựng được phần thô và vẫn đang còn để trống mặc cho rêu, mốc bủa vây do thiếu tiền đầu tư.

“Nếu được trợ vốn thêm một lần nữa, tôi sẽ mua tôn lợp mái chuồng heo tiếp tục chăn nuôi tăng số lượng heo thịt lên, kiếm thêm tiền cho con ăn học” - chị Hạnh nói trong hi vọng.

Giúp vốn giúp cả kỹ thuật

Trước ngày được chương trình trợ vốn cách đây ba năm, tài sản của cả gia đình anh Phạm Lương Bằng (48 tuổi, ở xóm 5, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân) chỉ có một con heo nái, trong khi con trai thứ hai của anh chị đau ốm quanh năm.

Được đầu tư vốn, với khát khao vươn lên làm giàu, đến nay gia đình anh đã có năm con heo nái, trong chuồng lúc nào cũng có hàng chục con heo thịt. Bình quân một năm gia đình anh Bằng bán được khoảng 10 tấn hơi heo thịt, ngoài trang trải lo cho các con ăn học, vợ chồng anh còn tích cóp dựng được căn nhà hai gian.

“Gia đình tôi không chỉ được hỗ trợ về vốn mà còn được nhiều chuyên gia trong chăn nuôi tư vấn về kỹ thuật nên đàn heo không bị bệnh, ít gặp rủi ro” - anh Bằng cười nói.

QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp