17/08/2021 11:17 GMT+7

Đổi tên danh hiệu thi đua 'gia đình văn hóa' thành 'gia đình tiêu biểu'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Cơ quan thẩm tra dự án Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi) cũng chỉ ra tình trạng doanh nhân, doanh nghiệp phải nộp tiền để nhận giải thưởng, danh hiệu.

Đổi tên danh hiệu thi đua gia đình văn hóa thành gia đình tiêu biểu - Ảnh 1.

Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định hình thức khen thưởng đối với đại biểu dân cử - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 17-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến về dự án Luật thi đua khen thưởng (sửa đổi). Đây là dự luật đã được Chính phủ dự thảo theo hướng bổ sung phạm vi điều chỉnh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết thường trực ủy ban nhất trí phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án luật, bổ sung đối tượng khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng, trong đó quan tâm đến công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất và cá nhân, tập thể người nước ngoài; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Ủy ban đề nghị Chính phủ rà soát đối tượng có thành tích, cống hiến trong bảo vệ Tổ quốc từ sau năm 1975 đến nay (tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây - Nam, hải đảo) để có quy định hình thức khen thưởng phù hợp, trong đó có thanh niên xung phong, người dân có công lao, thành tích mà chưa được khen thưởng.

Ủy ban chỉ ra thực trạng đáng lưu ý là thời gian qua có một số giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam do các cơ quan, đơn vị không có thẩm quyền tổ chức ở nước ngoài khi không được sự đồng ý của chính quyền nước sở tại, hoặc vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, hình thức.

"Có tình trạng yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nộp kinh phí để được giải thưởng gây ảnh hưởng đến quan hệ với bạn bè quốc tế, gây bức xúc cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải và dư luận không tốt trong xã hội" - bà Thúy Anh nói.

Dự thảo luật đã đổi tên danh hiệu thi đua "gia đình văn hóa", "thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa" thành "gia đình tiêu biểu", "thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu". Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở của việc đổi tên này khi các quy định về "gia đình văn hóa", "thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa" đã ổn định, phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội nhiều năm qua.

Góp ý vào dự thảo luật, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng nhiều quy định thi đua khen thưởng hướng về cơ sở là điều rất đúng. Công nhân, nông dân, người lao động… có thành tích sẽ được nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng. Việc đơn giản hóa các thủ tục để nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng là rất cần thiết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: Luật thi đua khen thưởng là sản phẩm luật đầu tay nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cần đầu tư làm kỹ, tránh tình trạng quy định "khung", "ống" hoặc quy định cứng nhắc dẫn đến khó thực hiện.

"Sửa đổi luật này phải khắc phục bằng được "bệnh" hình thức trong thi đua khen thưởng, đó là tình trạng xin - cho, "chạy" trong thi đua khen thưởng, "chạy" bằng khen, "chạy" danh hiệu" - ông Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội: Tránh việc trình luật mà không được thông qua, tuổi thọ luật ngắn Chủ tịch Quốc hội: Tránh việc trình luật mà không được thông qua, tuổi thọ luật ngắn

TTO - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết cần chuẩn bị xây dựng pháp luật sớm nhằm tránh tình trạng luật có tuổi thọ ngắn, phải sửa đổi liên tục. Đồng thời, không để lặp lại việc trình luật ra mà không thành công.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp