Phương án có ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu được Tổ tư vấn kiến nghị chọn làm phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành - Ảnh: ACV |
Được thành lập năm 1992, KAIDI Dương Quang có tên đầy đủ là Tập đoàn năng lượng mới KAIDI Dương Quang (tên tiếng Anh: Sunshine KAIDI New Energy Group Co., Ltd), trụ sở tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Chuyên về điện, chưa từng làm sân bay
Trên trang web của mình, KAIDI Dương Quang tự giới thiệu là nhà xây dựng nhà máy điện và cung cấp các hợp đồng tổng thầu EPC quy mô lớn liên quan tới điện.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất nhiên liệu sinh khối, điện sinh khối, bảo vệ môi trường, các dự án kỹ thuật quy mô lớn.
Lịch sử của KAIDI Dương Quang không thấy nhắc tới kinh nghiệm xây dựng sân bay, nhất là sân bay quốc tế lớn.
Tập đoàn này chỉ chuyên các dự án nhiệt điện, và tại Trung Quốc, KAIDI Dương Quang góp mặt trong nhiều dự án nhà máy nhiệt điện.
Có thể kể ra một số dự án như Nhà máy điện Hán Xuyên (Hồ Bắc), Nhà máy điện Phong Thành (Giang Tây), Nhà máy nhiệt điện Tô Châu (Giang Tô).
KAIDI Dương Quang chỉ bắt đầu để ý tới vấn đề môi trường trong thời gian gần đây khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu mạnh tay với các nhà máy gây ô nhiễm.
Có thể kể đến một số dự án kiểu này như Nhà máy xử lý nước thải BOT Vũ Hán, nhà máy nhiệt điện sinh khối Sùng Dương (Hồ Bắc), nhà máy điện gió Bình Lục (Sơn Tây)…
Tưởng lạ, hóa quen ở Việt Nam
Trước khi trình hồ sơ xin đầu tư xây dựng sân bay Long Thành với cam kết “giá thấp nhất” cùng Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền, KAIDI Dương Quang đã xuất hiện trong một số dự án khác tại Việt Nam về… nhiệt điện, và chỉ nhiệt điện.
Các dự án này bao gồm:
- Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê (Quảng Ninh): Tập đoàn công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư, công suất 400MW. KAIDI Dương Quang làm tổng thầu EPC.
- Nhà máy nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh): Geleximco làm chủ đầu tư. KAIDI Dương Quang làm tổng thầu EPC.
- Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam): Vinacomin là chủ đầu tư, công suất 30MW, KAIDI Dương Quang tư vấn dự án.
- Dự án nhà máy nhiệt điện Hải Dương: xây dựng theo hình thức BOT, vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Tổng công suất 1.200MW.
- Dự án nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3 (Quảng Ninh): Vinacomin hợp tác với KAIDI Dương Quang đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, KAIDI Dương Quang còn góp mặt trong các dự án khử lưu huỳnh của một số nhà máy điện tại Việt Nam như Nhà máy điện Thái Bình giai đoạn 2, Nhà máy điện Mông Dương giai đoạn 2...
Ngoài Mạo Khê đã đi vào hoạt động năm 2014 và Thăng Long vừa hòa vào lưới điện quốc gia ngày 31-5, các dự án còn lại vẫn chưa hoàn tất, thậm chí bị trì trệ.
Cam kết giá thấp nhất
Trước đó, Geleximco cùng đối tác Trung Quốc KAIDI Dương Quang đã gửi văn bản đến Thủ tướng muốn xây dựng sân bay Long Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) "hiện đại và văn minh" mà giá thấp.
Cụ thể, hai đơn vị đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức PPP.
Tự giới thiệu có kinh nghiệm và có khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án, lãnh đạo hai doanh nghiệp này cam kết xây đựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đại và văn minh.
Về tiến độ xây dựng, hai nhà đầu tư một Việt Nam, một Trung Quốc này đưa ra là 3-5 năm với "giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại".
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng, lãnh đạo Geleximco giới thiệu họ có mối quan hệ chặt chẽ với KAIDI Dương Quang trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Tập đoàn này cũng nói rằng mình có mối quan hệ với các quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc (Hoa Dung) là một công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỉ USD hay Công ty TNHH cổ phần Đầu tư Dân Sinh, IDG...
Đến nay Geleximco và đối tác đã thành lập một Quỹ đầu tư trị giá 15 tỉ USD và bắt đầu giải ngân giai đoạn đầu khoảng 6 tỉ USD.
Trung Quốc xây sân bay nước ngoài nhiều hơn xây trong nước Dự kiến từ nay đến năm 2025, Trung Quốc sẽ xây thêm 136 sân bay mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng trong nước. Tuy nhiên, ngoài một số vấn đề về an ninh, việc đặt chất lượng công trình lên hàng đầu khiến ít tập đoàn tư nhân góp mặt vào các dự án xây dựng sân bay của Trung Quốc. Như Tổng công ty xây dựng quốc gia Trung Quốc (CSCEC), một tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, chỉ được góp mặt vào 2 sân bay quốc tế Trường Thủy Côn Minh (tỉnh Vân Nam) và Bảo An Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông). Tuy nhiên, tình hình ở nước ngoài, đặc biệt tại châu Phi lại rất khác. Những sân bay do các công ty Trung Quốc (cả tư nhân lẫn sở hữu nhà nước) xây mọc lên nhanh chóng tại các nước như Kenya, Mali, Mauritius, Mozambique, Nigeria, Cộng hòa Công, Togo… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận