Phóng to |
Ông Trần Văn Trí (giữa) - tổng giám đốc Công ty Bình An - tại cuộc họp báo ngày 7-3 - Ảnh: chí quốc |
Buổi họp báo do ông Trần Văn Trí - tổng giám đốc công ty - chủ trì. Theo ông Trí, vợ ông là bà Phạm Thị Diệu Hiền, chủ tịch hội đồng quản trị công ty đi chữa bệnh hiểm nghèo ở nước ngoài.
Bán cổ phần để trả nợ
Mở đầu buổi họp báo, ông Nguyễn Định Cường - người phát ngôn Công ty Bình An - cho biết hiện doanh nghiệp này có hơn 4.000 công nhân và trong chín tháng đầu năm 2011 tình hình sản xuất, xuất khẩu của công ty ổn định. Nhưng từ cuối năm 2011 đến nay các ngân hàng đồng loạt thu hồi vốn nên công ty gặp khó khăn. Việc nợ tiền cá nông dân kéo dài là do khó khăn chung và “công ty đang có kế hoạch hữu hiệu nhất để trả nợ, ổn định sản xuất”.
Không đồng ý với cách trả lời chung chung, các phóng viên đề nghị công ty cho biết đến nay số tiền mua cá nợ nông dân là bao nhiêu và kế hoạch trả cụ thể thế nào. Ông Trí cho biết: đến nay công ty còn nợ nông dân 264 tỉ đồng và trong tháng 3 sẽ “giải quyết các vụ nợ lẻ”.
Để có tiền trả nợ, công ty đang rao bán hai dự án bất động sản tại đường Nguyễn Văn Trỗi và Cao Thắng (TP.HCM), riêng nguồn vốn vay phải chờ cấp cao hơn giải quyết.
Hiện công ty còn nợ Ngân hàng ACB 62 tỉ đồng và muốn vay tiếp với số tiền lớn hơn phải trả 62 tỉ đồng này. Công ty sẽ lấy nhà máy thủy sản thế chấp cho Ngân hàng NN&PTNT, nếu có tiền sẽ trả cho dân.
Công ty Bình An đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài bán 80% cổ phần công ty bằng 120 triệu USD. Nhưng sau đó đối tác chỉ chấp nhận mua lại 80 triệu USD do những thông tin trên báo chí về công ty và cân nhắc việc nợ tiền dân của đơn vị này. Công ty còn hai hợp đồng xuất khẩu trị giá lần lượt là 18 triệu USD, 24 triệu USD qua Mỹ và Nhật.
“Vì báo chí đăng nên công nhân hoang mang, đối tác thập thò, ngân hàng thì đóng cửa” - ông Trí phân trần.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ có hay không việc Công ty Bình An thất hứa với dân (khi trả lời riêng cho báo Tuổi Trẻ trước đó bà Phạm Thị Diệu Hiền nói trả hết nợ trong tháng 12-2011 nhưng thực tế không đúng như vậy), ông Trí đáp: “Vợ tôi hứa trả trong tháng 12 là hoàn toàn đúng vì lúc đó thấy chắc”.
Ông giải thích lúc đó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có ý kiến về việc vay của công ty nhưng sau này ngân hàng thương mại không chịu cho vay nên “vợ tôi có thất hứa”.
Dù là buổi họp báo nhưng có rất đông nông dân nuôi cá tra là chủ nợ của Công ty Bình An đến dự. Đại diện những hộ này, ông Thái Bá Thi (Q.Thốt Nốt, TP Cần Thơ) không giấu được nỗi băn khoăn, xin đứng lên có ý kiến: “Công ty nợ tui 2 tỉ đồng khoảng 10 tháng nay, nguy cơ tài sản của tui sẽ bị ngân hàng kê biên. Chúng tui hiểu doanh nghiệp khó khăn nên cũng thông cảm, nhưng cần có tiền để trả nợ ngân hàng và sẽ chấp nhận hình thức trả dần của công ty”.
Đáp lại, ông Trí khẳng định: “Tôi sẽ trả, không để anh mất nhà mất đất đâu”. Tuy nhiên, khi phóng viên cho rằng tại buổi họp báo có mặt nhiều người dân, công ty cần ký cam kết về việc trả nợ trong tháng 3-2012, ông Trí không trả lời trực tiếp.
Theo ông Trí, công ty “còn cân đối được để trả nợ cho dân và ngân hàng, nhưng trả bằng cách nào chúng tôi sẽ có kế hoạch sau”.
Phóng to |
Bà Phạm Thị Diệu Hiền - chủ tịch HĐQT Công ty Bình An |
Cho công nhân tạm nghỉ
Các phóng viên cũng đặt câu hỏi có hay không việc Công ty Bình An cho hàng ngàn công nhân nghỉ việc nhiều ngày, ông Trí nói trước đó chỉ cho một số công nhân nghỉ luân phiên vài ngày trong tuần, kể từ thứ sáu tuần rồi mới cho tạm nghỉ hẳn.
Bổ sung vấn đề này, một phó tổng giám đốc Công ty Bình An cho biết: “Đây là bức xúc số 2 của chúng tôi sau khoản nợ tiền cá nông dân”. Theo ông này, đến nay công ty đã trả hết lương tháng 1 cho công nhân và đang tiếp tục trả lương tháng 2.
Nhiều phóng viên đặt vấn đề trước đây dù trong tình trạng “sức khỏe kém” nhưng vì sao công ty vẫn quảng cáo, khuếch trương thanh thế, ông Trí phân trần: “Tôi không có chủ trương phô trương, mấy anh thấy không hài lòng gì thì chúng tôi sửa”.
Tuy nhiên, ông Trí thừa nhận việc thành lập thêm Viện nghiên cứu thủy sản Bình An rất tốn kém và trong tuần tới sẽ cải tổ bộ máy công ty. Riêng việc có hay không số tiền mà công ty nợ ngân hàng đến 1.500 tỉ đồng như dư luận đưa ra, ông Trí xin khất vì “phải về kiểm tra, thống kê lại”. Ông chỉ xác nhận cụ thể hiện công ty nợ Ngân hàng ACB 62 tỉ đồng và “đến nay đã có mấy ngân hàng có văn bản đòi nợ”.
Cũng tại buổi họp báo, các phóng viên chất vấn ông Trí về việc đang nợ nần chưa có tiền trả nông dân nhưng gia đình ông lại tổ chức đám cưới cho con rất đình đám với cả dàn siêu xe, ông Trí giải thích đó là dàn xe con ông mượn từ bạn bè. Cầm hồ sơ thanh toán tiền với nhà hàng sau tiệc cưới, ông Trí thông tin thêm tiền tổ chức đám cưới cho con ở TP.HCM là 222 triệu đồng và tại TP Cần Thơ là 155 triệu đồng.
Công nhân chán nản Chiều 7-3, tại trụ sở Công ty Bình An, một số công nhân cho biết đây là tuần thứ hai công ty cho nghỉ việc nhưng không cho biết cụ thể lý do. Công nhân chỉ được quản lý thông báo là ngày 12-3 làm việc lại bình thường. Theo một công nhân làm việc lâu năm tại công ty, hiện nhiều công nhân làm việc tại đây đều có chung tâm lý chán nản vì lương thấp (trung bình trên 2 triệu đồng/tháng) và có quá ít hàng để làm. Công nhân này cho biết từ trước Tết Nguyên đán, trung bình công nhân làm một ngày nghỉ một ngày, nhưng thời gian gần đây do không có nhiều hàng nên có khi trong tuần công nhân làm một ngày mà nghỉ 3-4 ngày. Hiện thu nhập của công nhân giảm sút liên tục, tiền lương kiếm được không đủ trang trải chi phí sinh hoạt, trả tiền thuê nhà trọ, chi phí điện nước... Chị Diễm, một công nhân mới nghỉ việc tại công ty, cho biết rất nhiều công nhân của công ty đã xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại các công ty thủy sản khác ở Khu công nghiệp Trà Nóc. Theo chị Diễm, ngoài nguyên nhân chủ yếu do thu nhập của công nhân liên tục giảm sút, thông tin công ty nợ nần quá nhiều cũng khiến công nhân cảm thấy bất an. |
Một số ngân hàng xác nhận nợ của Công ty Bình An Chiều 7-3, ông Hà Hồng Ngọc - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ - cho biết Công ty Bình An vay nhiều ngân hàng trong và ngoài địa bàn TP Cần Thơ nên không nắm rõ tổng số nợ của công ty này. Qua báo cáo trước đây của các ngân hàng ở TP Cần Thơ, Công ty Bình An vay Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang khoảng 300 tỉ đồng, Ngân hàng cổ phần thương mại An Bình chi nhánh Cần Thơ trên 200 tỉ đồng và một số ngân hàng khoảng mấy chục tỉ đồng. Theo ông Ngọc, Ngân hàng Nhà nước VN đã nắm tình hình số nợ của Công ty Bình An nhưng không thể can thiệp vì đây là giao dịch giữa các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp, các ngân hàng phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định cho vay. Trong khi đó chiều cùng ngày, ông Lương Quang Minh, giám đốc Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Cần Thơ - Hậu Giang, chỉ xác nhận hiện Công ty Bình An vay trên 200 tỉ đồng, phía ngân hàng đang bàn nhưng chưa tìm ra hướng xử lý số nợ này. Còn bà Phạm Hoàng Thúy, giám đốc Ngân hàng cổ phần thương mại An Bình chi nhánh Cần Thơ, cho biết Công ty Bình An nợ trên 200 tỉ đồng bằng tài sản thế chấp nhưng chưa quá hạn, hằng tháng công ty vẫn trả nợ gốc và lãi. Chiều qua, ông Võ Thành Thống - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng liên tục cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình nợ nần của Công ty Bình An để có hướng ứng phó kịp thời. Trước đó, UBND TP Cần Thơ đã lập tổ kiểm tra tình hình nợ tại Công ty Bình An do Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP Cần Thơ chủ trì. Cũng theo ông Thống, UBND TP đã thống nhất với tòa án và viện kiểm sát, việc nợ giữa nông dân và các ngân hàng với Công ty Bình An là quan hệ về hợp đồng mua bán, tín dụng, sẽ được tòa án giải quyết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận