Nhiều mặt hàng tiêu dùng, nông nghiệp... Trung Quốc có thể tăng xuất khẩu sang VN sau cuộc chiến thương mại với Mỹ. Trong ảnh: trái cây nhãn mác Trung Quốc tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh
Giáo sư Đỗ Tiến Sâm (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc):
Ảnh hưởng việc làm, duy trì sản xuất
"Hiện đang nóng tình trạng heo Trung Quốc xuất lậu sang nước ta qua đường tiểu ngạch. Tiếp đến là những mặt hàng nào nữa? Đây là vấn đề không nhỏ tác động đến sức khỏe, hoạt động sản xuất trong nước…" - giáo sư Đỗ Tiến Sâm cho biết.
Sự đáp trả của Trung Quốc khi Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc muốn khẳng định mình là nước lớn, đủ mạnh để chống lại chính sách bảo hộ mậu dịch, thương mại song phương của Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc muốn đẩy mạnh thương mại đa phương.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chắc chắn ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam vì cả hai cường quốc này là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Với Trung Quốc, họ đã giảm giá khá mạnh đồng nhân dân tệ so với đồng USD với mục đích tăng cường xuất khẩu thì đương nhiên sức ép cạnh tranh với hàng Việt sẽ lớn hơn.
Với quy mô sản xuất lớn, giá hàng Trung Quốc cạnh tranh hơn nhiều so với chúng ta. Trừ một số mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ áp thuế, họ sản xuất tất cả các nhóm mặt hàng từ cây tăm, sợi chỉ đến dệt may, da giày, điện tử, sắt thép...
Hiện đang nóng tình trạng heo Trung Quốc xuất lậu sang nước ta qua đường tiểu ngạch. Tiếp đến là những mặt hàng nào nữa?
Đây là vấn đề không nhỏ tác động đến sức khỏe, đến hoạt động sản xuất trong nước, quyền lợi của người tiêu dùng và đời sống của người lao động. Khi doanh nghiệp khó khăn, hàng làm ra không bán được thì lấy gì trả lương cho người lao động, duy trì sản xuất?...
Tại sao chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới toàn thế giới?
Ông Phạm Tất Thắng (Viện nghiên cứu thương mại - Bộ Công thương):
Nguy cơ khó tránh
Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc chắc chắn khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, kéo theo giảm nhu cầu của người tiêu dùng thế giới.
Điều này ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế, trong đó những nền kinh tế có độ mở gần 200% GDP như Việt Nam sẽ chịu tác động cực kỳ lớn.
Nhiều mặt hàng của Trung Quốc xuất sang Mỹ bị đánh thuế cao, sức cạnh tranh và lợi nhuận giảm sút, nhiều hợp đồng bị xóa bỏ, khi đó họ sẽ tìm tới các thị trường tiêu thụ khác, trong đó Việt Nam là thị trường rất thuận lợi.
Từ trước đến nay, qua chính ngạch, tiểu ngạch đến buôn lậu, hàng Trung Quốc đã làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, việc hàng Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ sẽ "tấn công" sang Việt Nam là khó tránh khỏi.
Cùng với đó, do chiến tranh thương mại nên nhu cầu tại thị trường Trung Quốc suy giảm, khi đó hàng giá rẻ của họ sẽ tiếp tục tuồn xuống Việt Nam. Sức ép của hàng Trung Quốc lên hàng Việt Nam sẽ cực kỳ lớn. Các ngành hàng gặp khó khăn đầu tiên là nông sản, thép, kim loại, điện tử, dệt may...
Nếu vào được Việt Nam, hàng Trung Quốc có thể không chỉ dừng lại ở việc cạnh tranh với hàng Việt, mà sẽ tìm cách "núp danh" thương hiệu "made in Vietnam" để xuất sang Mỹ.
Nếu điều này xảy ra, uy tín hàng Việt sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và Mỹ sẽ có những biện pháp với hàng Việt. Các cơ quan quản lý Việt Nam cần tăng cường kiểm soát các con đường mà hàng Trung Quốc có thể vận chuyển vào Việt Nam, chặn cho được buôn lậu.
Các doanh nghiệp, ngành hàng cần đẩy mạnh phối hợp với Nhà nước để chú trọng quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam thông qua hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.
Trong đó với những ngành hàng có lợi thế xuất khẩu như dệt may, da giày... cần đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp hỗ trợ trong nước, tránh lệ thuộc Trung Quốc.
Ngoài ra, trong bối cảnh bất ổn thương mại như hiện nay, Việt Nam cần phải tận dụng tốt nhất cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU (Liên minh châu Âu) tại Công ty cổ phần SXTM May Sài Gòn (Garmex Saigon JSC) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Nguyễn Công Thừa (chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX Anh Dao Co.op):
Tránh gian lận làm hại ngành nông nghiệp
Hiện nông sản Trung Quốc đội lốt Việt Nam rất nhiều nhưng không phải do Trung Quốc làm, mà chính nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tranh thủ những lúc "tranh tối tranh sáng" làm việc đó.
Do muốn đưa hàng sang Việt Nam dễ dàng, doanh nghiệp Trung Quốc bằng mọi cách đã hạ giá, nhiều mặt hàng rẻ hơn hàng Việt 30-40%. Nhìn thấy lợi ích này, nhiều doanh nghiệp Việt đã ồ ạt nhập hàng Trung Quốc về Việt Nam bán kiếm lời.
Thậm chí vì cái lợi trước mắt, không tránh khỏi việc doanh nghiệp Việt sử dụng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất qua Mỹ. Nếu phát hiện, chắc chắn Mỹ sẽ áp thuế hoặc nghiêm trọng hơn là cấm nhập. Đừng để những cái lợi nhỏ giết chết cả ngành nông nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp có thể kiến nghị lên cơ quan quản lý về các hàng rào thương mại bảo vệ hàng Việt mà không trái với quy định của quốc tế. Vừa qua, Trung Quốc truy xuất lý lịch trái cây Việt, nhưng Việt Nam lại không thể làm điều này với trái cây từ nước họ. Các doanh nghiệp như chúng tôi cũng ấm ức lắm...
Nhiều nước châu Á bị ảnh hưởng mạnh
Các nhà kinh tế ước tính mỗi 100 tỉ USD hàng nhập khẩu bị thuế nhập khẩu sẽ làm giảm khoảng 0,5% thương mại toàn cầu, khiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mất 0,1 điểm phần trăm. Lạm phát toàn cầu cũng tăng 0,1-0,3 điểm phần trăm, chưa tính biến động tỉ giá tiền tệ.
Ước tính của Ngân hàng Morgan Stanley cho biết thương mại thế giới sẽ gián đoạn nghiêm trọng. Tác động trực tiếp khiến GDP của Trung Quốc dự kiến giảm 0,1-0,3%, tăng trưởng xuất khẩu giảm 1%.
Ngân hàng DBS (Singapore) phân tích Hàn Quốc có khả năng giảm 0,4% GDP năm 2018, tương ứng là 0,6% ở Malaysia và Đài Loan, còn Singapore là 0,8%. Thiệt hại có thể tăng trên gấp đôi trong năm 2019.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phân tích số liệu về giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu Trung Quốc theo xuất xứ, cho thấy Đài Loan tham gia nhiều nhất vào hàng xuất khẩu Trung Quốc với hơn 8% GDP. Số liệu này ở Singapore là 4-5%, Việt Nam là 3%.
Nhật Đăng (Theo Reuters)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận