Di dời nhà dân ở xã A Vương (huyện Tây Giang) ngày 22-10 - Ảnh: P.L.
Cùng với đó là cảnh báo đến các đồn biên phòng ở vùng cao đề phòng nguy cơ sạt lở nguy hiểm.
Quảng Nam: dân tá túc nơi nhà cộng đồng, trường học...
Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi cho biết tới chiều 22-10, huyện đã cho di dời hơn 250 hộ gia đình ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở, nhiều nhất ở ba xã biên giới giáp Lào gồm A Xan, Gari và Ch’Ơm.
"Các trường học, gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), hội trường thôn xã được bố trí tạm để bà con lánh nạn. Ngoài ra, nhà của người dân ở vùng an toàn cũng được huyện huy động để phục vụ nơi tránh trú qua thời gian mưa lũ" - ông Blúi nói.
Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bling Mia cho biết trong ngày 22-10, đoàn công tác của huyện đã thị sát các tuyến đường để chỉ đạo mở đường chở lương thực, thực phẩm, gạo muối lên cho bà con vùng bị cô lập.
"Đường thông tới đâu chính quyền sẽ cung cấp lương thực thực phẩm tới đó để không hộ dân nào bị đói, rét. Việc di tản dân sẽ được làm gấp rút và các hộ sẽ tránh trú tới lúc nào thời tiết hết mưa lũ, đảm bảo an toàn" - ông Mia nói.
Ngoài việc giữ an toàn cho người dân, những ngày tới huyện vẫn phải huy động người để đưa tài sản, trâu bò, tháo dỡ nhà cửa của bà con ra đưa về nơi ở mới.
Với việc mưa kéo dài gây lũ quét và lở núi chưa từng có, nhiều ngôi làng nằm dưới các dãy núi của huyện Tây Giang đã trở thành "vườn không, nhà trống". Tại làng Nal, xã Lăng chiều 22-10 đã có 16 gia đình ở đây dời đi ra trung tâm xã Lăng sơ tán. Những hộ gia đình này cũng được chính quyền, các đoàn hỗ trợ nhu yếu phẩm trong những ngày tránh trú.
Trong khi đó, tại huyện Đại Lộc, 140.000 dân thuộc 18 xã, thị trấn cũng đã được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đợt ngập thứ 5 trong vòng một tháng qua. Ông Nguyễn Hữu Vũ - phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho biết chính quyền đã yêu cầu phát các bản tin cảnh báo mưa lũ liên tục trên hệ thống loa phát thanh đặt dày đặc ở các khu dân cư.
Từng xã cũng đã có các phương án di dời, ứng phó với mưa lũ theo từng cấp độ và từng khu dân cư cũng được yêu cầu chủ động bố trí các điểm cao là các nhà dân, các nhà tránh trú chung để di tản dân khi có tình huống xấu.
Trẻ làng Nal, xã Lăng vui chơi tại khu sơ tán - Ảnh: P.L.
Quảng Bình, Quảng Trị: thêm nguy cơ sạt lở khi bão tới
Ông Đoàn Phúc Hạnh - chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) - cho biết đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đang triển khai xử lý điểm sạt lở lớn tại khu vực gần đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo để kịp thời thông lại tuyến quốc lộ 12 trước khi bão số 8 đổ bộ.
Sau đợt mưa lũ vừa qua, xã này trở thành "điểm nóng" sạt lở của tỉnh Quảng Bình khi có nguyên một quả đồi đổ ập xuống làm sập ba dãy nhà của đồn biên phòng Cha Lo và phá hỏng một đoạn hơn 300m đường. Vì vậy, nguy cơ sạt lở tiếp tục khi bão số 8 đổ bộ được xem là nguy cơ nguy hiểm nhất.
Ông Hạnh cũng cho biết hiện ngoài việc di dời toàn bộ đồn biên phòng thì chính quyền xã đã di dời thêm 34 hộ dân ở gần vùng sạt lở. "Chúng tôi đã di dời các hộ này về một bản gần đó. Một số hộ xin về nhà nhưng chúng tôi tuyệt đối không đồng ý. Nguy cơ sạt lở vẫn còn khi bão đổ bộ" - ông Hạnh nói.
Tỉnh Quảng Trị cũng được xem là nơi có xác suất bão số 8 đổ bộ khá cao. Ngay ngày 22-10, tỉnh này cũng đã có những phương án phòng chống bão với việc di dời dân ở những vùng ven biển hoặc trong nhà thiếu kiên cố.
Ông Hà Sĩ Đồng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết nguy cơ sạt lở do mưa sau bão là nguy cơ tỉnh này phải tính đến trước nhất. Vì trong suốt nửa tháng trước đó tỉnh này đã hứng chịu một lượng mưa cực lớn và đã có gần 30 người thiệt mạng vì sạt lở. Đến ngày 22-10, đường vào các xã vùng bắc Hướng Hóa vẫn chưa thể thông vì sạt lở.
"Đất vẫn còn thấm mưa ở đợt trước. Nếu bão mang theo mưa lớn thì nguy cơ sạt lở sẽ trở lại và còn gây hậu quả lớn hơn, nên tỉnh tập trung đối phó với nguy cơ sạt lở ở vùng núi bằng cách giám sát và di dời dân ở ven những vùng đồi có nguy cơ sạt lở cao đến vùng an toàn trước khi bão đến" - ông Đồng nói.
Huế: cảnh báo sạt lở đồn biên phòng
Chiều 22-10, ông Phan Thanh Hùng - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế - cho biết tỉnh đã lên phương án di dời hơn 24.500 hộ dân với hơn 93.000 nhân khẩu đến nơi an toàn, trong đó có hơn 9.400 hộ dân với hơn 38.000 nhân khẩu ở những nơi có nguy cơ bị lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.
Ông Hùng cho biết ngoài việc di dời, di tản người dân thì ban chỉ huy còn đưa ra những cảnh báo tại các nơi được dự báo có nguy cơ dễ xảy ra sạt lở ở các huyện Nam Đông, A Lưới và Phú Lộc... "Đặc biệt, những đồn biên phòng đang đóng tại các xã miền núi ở huyện A Lưới như đồn Hưng Nguyên, A Roàng, A Đớt... đã được chúng tôi đưa ra cảnh báo sạt lở để Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh tăng cường cảnh giác, nhắc nhở anh em đề phòng" - ông Hùng nói. (N.LINH)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận