04/02/2021 09:27 GMT+7

Đòi 'nợ' 73 tỉ đồng hứa tài trợ bắn pháo hoa rồi... lơ

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - 4 công ty nợ hơn 73 tỉ đồng ủng hộ kinh phí bắn pháo hoa với Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM từ năm 2018. Trách nhiệm của sở ra sao, đòi nợ như thế nào và 4 đơn vị có bị chế tài?

Đòi nợ 73 tỉ đồng hứa tài trợ bắn pháo hoa rồi... lơ - Ảnh 1.

Kinh phí bắn pháo hoa tại TP.HCM đã được xã hội hóa từ năm 2017 - Ảnh: TỰ TRUNG

Mới đây, Thanh tra TP.HCM công khai kết luận có 4 doanh nghiệp đến nay vẫn chưa chịu đóng hơn 73 tỉ đồng tiền hỗ trợ bắn pháo hoa trong 2 năm 2018 - 2019 cho Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM.

Hứa hỗ trợ rồi... lơ

Theo kết luận thanh tra, các công ty đã tham gia sự kiện, lễ hội (xã hội hóa) nhưng chưa thực hiện đúng cam kết tài trợ kinh phí (xã hội hóa) để bắn pháo hoa tại TP.HCM. Trong đó, Công ty TNHH đầu tư phát triển bất động sản Bình Minh cam kết tài trợ nhưng chưa nộp số tiền hơn 27 tỉ đồng.

Tương tự, những đơn vị khác chưa nộp tiền tài trợ gồm: Công ty TNHH đầu tư xuất nhập khẩu Viễn Đông là hơn 46 tỉ đồng, Công ty Megacom Việt Nam "nợ" số tiền 500 triệu đồng và Công ty cổ phần I Sáu Mươi Tám chưa nộp số tiền 350 triệu đồng.

Sở Văn hóa và thể thao đã ban hành các văn bản đôn đốc thu số tiền nợ trên nhưng chưa có biện pháp xử lý, để phát sinh nợ đọng kéo dài từ năm 2018.

Đồng thời sở cũng đã có báo cáo cho UBND TP về tình hình thu, chi, công nợ của các công ty nhưng chưa đề xuất hướng xử lý việc các công ty vi phạm cam kết, chậm thực hiện nghĩa vụ đóng góp kinh phí ngân sách nhà nước trong hoạt động xã hội hóa nêu trên.

Kết luận nhận định để xảy ra thiếu sót như trên trách nhiệm thuộc về giám đốc sở, các phòng chuyên môn nghiệp vụ thuộc sở, cá nhân và các công ty có liên quan đến vụ việc.

UBND TP cũng đồng ý kết luận thanh tra, giao trách nhiệm giám đốc sở phải đề xuất hướng xử lý (lập kế hoạch cụ thể) thu đủ số tiền đóng góp hỗ trợ (hơn 73 tỉ đồng) của các công ty trên trình UBND TP xem xét, quyết định.

Thu hồi "nợ" ra sao?

Nhận định về hướng thu hồi số tiền trên, PGS.TS Lê Minh Hùng - trưởng bộ môn luật dân sự Đại học Luật TP.HCM - cho hay các công ty cam kết tài trợ kinh phí cho sở để bắn pháo hoa vào các dịp lễ, tết trên địa bàn TP về bản chất là một giao kết dân sự.

Việc công ty tài trợ kinh phí có thể vô điều kiện hoặc có thể có điều kiện (ví dụ: được truyền thông, gắn tên công ty trên bảng quảng cáo, sự kiện, lễ hội...).

Do đó nếu các đơn vị đã cam kết đóng góp kinh phí cụ thể, rõ ràng về nghĩa vụ đóng góp thì phải có trách nhiệm thực hiện. Khi các công ty vi phạm nghĩa vụ đóng góp tiền thì sở có thể khởi kiện dân sự để yêu cầu tòa buộc các công ty phải thực hiện nghĩa vụ chi tiền theo cam kết. Lúc đó, văn bản cam kết, hợp đồng tài trợ, chứng từ điện tử... giữa hai bên sẽ là chứng cứ để tòa án xem xét.

"Tuy nhiên, việc kiện các công ty ra tòa sẽ không đạt được ý nghĩa khuyến khích xã hội hóa. Có thể các công ty gặp khó khăn tài chính nên vi phạm nghĩa vụ cam kết..." - ông Lê Minh Hùng nói.

Còn luật gia Nguyễn Hải Long cho rằng căn cứ nghị định 29/2018/NĐ-CP và thông tư 57/2018/TT-BTC, số tiền đóng góp từ 4 công ty theo cam kết với sở thì phải được sở thực hiện đúng theo quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng.

Cụ thể, khi tiếp nhận số tiền đóng góp, sở sẽ thực hiện thủ tục nhập vào ngân sách nhà nước. Sau đó mới lên phương án sử dụng ngân sách đó (tiền đóng góp), trích ngân sách vào việc chi mua pháo hoa để bắn.

"Nếu chưa nhận được tiền đóng góp vào ngân sách để sử dụng theo quy trình mà sở tạm ứng ngân sách để bắn pháo hoa trước là thực hiện không đúng quy định. Trong trường hợp các công ty nợ tiền, sở chỉ còn cách kiện dân sự. Hiện không có quy định chế tài (hành chính) nào đối với các đơn vị chậm nghĩa vụ đóng góp tiền..." - luật gia Nguyễn Hải Long phân tích.

Ông Võ Trọng Nam (phó giám đốc Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM):

Các đơn vị trả nợ từ từ

Lâu nay kinh phí bắn pháo hoa tại TP không dùng ngân sách nhà nước, mà lấy từ nguồn xã hội hóa. Tiền này do các đơn vị xã hội hóa góp và Kho bạc Nhà nước giữ. Sở chỉ có nhiệm vụ đi vận động các đơn vị góp tiền cho hoạt động bắn pháo hoa, một năm vận động cũng được hơn 10 tỉ.

Có những đơn vị đóng tiền tài trợ theo hình thức trả nợ từ từ. Ví dụ khi làm ăn được họ đóng 5 tỉ, 7 tỉ, còn lại họ nợ và đóng tiếp. Điều này là chủ trương được thường trực ủy ban đồng ý ra văn bản cho phép thực hiện xã hội hóa trong hoạt động bắn pháo hoa từ năm 2017.

Vậy ai chi tiền cho việc bắn pháo hoa? Do UBND TP ra quyết định chi. Tiền lấy từ Kho bạc Nhà nước. Sở Văn hóa và thể thao cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị đóng tiền đúng hạn. Dù chậm nhưng họ vẫn đóng, vừa mới thu vào 10 tỉ. Và số tiền các đơn vị còn nợ là hơn 20 tỉ.

Thực ra, những đơn vị này vẫn nhiệt tình với các công tác xã hội của TP. Họ chậm nộp tiền vì trong làm ăn có khó khăn thôi.

Cũng cần nói thêm, việc bắn pháo hoa có hai dạng: TP chi tiền từ xã hội hóa để bắn pháo hoa tại một số điểm. Còn dạng thứ hai là các đơn vị xin phép bắn pháo hoa tại địa điểm của họ cũng là xã hội hóa.

Ví dụ như Đầm Sen, chủ địa điểm xin phép Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM và ủy ban được phép bắn. Hay điểm Landmark ở Bình Thạnh cũng do người ta xin phép TP và được phép bắn. Toàn bộ đều là nguồn xã hội hóa hết.

LAM ĐIỀN ghi

Hãy dùng tiền bắn pháo hoa hỗ trợ dân nghèo vùng lũ Hãy dùng tiền bắn pháo hoa hỗ trợ dân nghèo vùng lũ

TTO - Chủ trương không bắn pháo hoa dịp Tết đã được nhiều người đồng tình ủng hộ. Số tiền bắn pháo hoa đó dành để chăm lo cho người nghèo có một cái tết tươm tất hơn.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp