29/06/2014 13:00 GMT+7

Đội mũ bảo hiểm dỏm, có phạt được không?

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ

TT - Theo nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, từ ngày 1-7, người đi xe máy (kể cả xe máy điện) đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn sẽ bị phạt 100.000-200.000 đồng.

CtwaFWks.jpg
Mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán trên đường Nguyễn Trãi, Q.1, TP.HCM chiều 28-6 - Ảnh: Quang Định

Liệu quy định này có hợp lý, thực tế là có xử phạt được không?

* Đại tá Đào Vịnh Thắng (trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an Hà Nội):

Còn nhiều vướng mắc

Bắt đầu từ ngày 1-7, lực lượng CSGT Hà Nội thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử phạt đối với mũ bảo hiểm không đúng quy cách, không đảm bảo chất lượng (mũ bảo hiểm dỏm). Để kiểm tra, xử lý hành vi này, CSGT Hà Nội thông qua việc xử lý các vi phạm khác như chở quá số người quy định, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ... chứ không phải dừng bất kỳ phương tiện nào lại để kiểm tra rồi xử phạt về mũ bảo hiểm. Tinh thần là những ngày đầu vẫn nhắc nhở nhân dân, giải thích cho người dân biết và thay đổi sang loại mũ đúng chủng loại, quy cách.

Tuy nhiên, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng cũng gặp không ít vướng mắc. Thứ nhất, theo quy định thì chỉ có phạt chứ không có hướng dẫn về việc thu lại chiếc mũ không đúng chất lượng. Nếu thu mũ, dẫn đến chuyện người dân để đầu trần đi xe máy thì lại vi phạm; còn như không thu mũ, rất có thể người dân lại đội mũ cũ thì cũng tiếp tục vi phạm. Thứ hai, bằng mắt thường, lực lượng CSGT không thể dễ dàng khẳng định đâu là chiếc mũ không đúng quy cách, không đảm bảo chất lượng.

* Đại tá Nguyễn Đến (trưởng Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng):

Khó xử phạt dân

Người dân khi mua mũ bảo hiểm làm sao phân biệt được đâu là mũ thật, đâu là mũ không đảm bảo chất lượng. Và khi người dân tham gia giao thông thì CSGT cũng không thể dừng xe rồi kiểm tra và nhận biết đâu là mũ tốt, đâu là mũ dỏm. Thực tế rất khó nhận biết được mũ bảo hiểm nào không đạt chất lượng, trừ một số mũ có hình dáng, mẫu mã khác thường. Lúc dừng xe, CSGT không thể lật mũ của dân ra rồi kiểm tra từng chi tiết để phân tích cho dân biết mũ họ đang đội có đảm bảo chất lượng hay không. Nói thật CSGT không phân biệt được mũ đảm bảo chất lượng thì làm sao nói dân khi có thắc mắc.

Sắp tới CSGT Đà Nẵng vẫn chưa tiến hành xử phạt các nội dung liên quan đến đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng. Hiện chúng tôi chỉ tuyên truyền, vận động người dân khi mua mũ bảo hiểm thì nên chọn các điểm có uy tín hay điểm đổi mũ bảo hiểm giá rẻ chất lượng do Ủy ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng triển khai đổi hoặc bán. Mấu chốt để người dân khi tham gia giao thông không phải đội cái mũ kém chất lượng lên đầu là chúng ta phải xử lý từ gốc, đó là các cơ sở sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng. Chúng ta phải quyết tâm chặn ngay tận gốc, xử phạt thật nặng đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh mũ giả mới hi vọng chấm dứt được nạn mũ bảo hiểm kém chất lượng.

* Thượng tá Nguyễn Văn Tám (phó trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Cần Thơ):

Xử nghiêm

Từ ngày 1-7, CSGT TP Cần Thơ sẽ xử phạt nghiêm người điều khiển môtô, xe máy, xe máy điện đội mũ bảo hiểm không đúng quy định, kể cả người ngồi phía sau. Việc xử phạt thực hiện theo thủ tục đơn giản (xử phạt tại chỗ), biên lai theo mẫu đã có trước đây. Theo quy định, mũ bảo hiểm phải có nhãn “mũ bảo hiểm dành cho người đi môtô, xe máy”, tuy nhiên nhiều mũ bảo hiểm trước đây không có dán nhãn này. Trong trường hợp đó, CSGT chỉ nhắc nhở và yêu cầu đổi mũ khác cho phù hợp chứ không xử phạt, nhằm giải quyết theo hướng có lợi cho người dân.

* Đại tá Ngô Văn Chiến (trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai):

E rằng không ổn

CSGT xử lý người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm dỏm là cái khó chứ không phải dễ. Tôi đơn cử, khi CSGT nghi ngờ mũ bảo hiểm dỏm, kiểm tra thì người dân đòi hỏi chúng tôi phải chứng minh thế nào là mũ dỏm, có thể nói là rất khó làm được điều này. Thậm chí, người dân đưa ra chiếc mũ kém chất lượng có dán tem như thật, cho rằng họ là nạn nhân, không biết đâu là thật - giả thì phải xử lý ra sao? Không khéo người vi phạm lại nghĩ thế này thế nọ về CSGT, vô tình làm hình ảnh CSGT thiếu thiện cảm trong mắt người dân.

Theo tôi, trong việc này, cùng với việc xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chỉ rõ cho người dân các quy chuẩn của mũ bảo hiểm. Khi đó, chúng ta xử phạt thì người dân mới tâm phục khẩu phục. Còn bây giờ mà phạt thì e rằng không ổn...

* Trung tá Nguyễn Bình Tâm (đội trưởng đội CSGT Công an Q.Bình Tân, TP.HCM):

Đẩy cái khó cho dân và cho cả công an

Cho tới nay chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể cách phân biệt các loại mũ bảo hiểm hợp chuẩn, hợp quy hay không, đâu là cơ sở để phát hiện, xử lý đối với người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn. Khi có đầy đủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, cách phân biệt loại đạt và không đạt, phân biệt hàng thật - hàng giả thì các cơ quan liên quan mới có căn cứ để xử phạt. Hiện chúng ta cứ để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán tràn lan ngoài thị trường, người dân thoải mái mua, rồi buộc lực lượng công an có trách nhiệm phải kiểm tra và xử phạt, như vậy là đẩy cái khó cho cả công an lẫn người dân.

Tôi nói thật, nếu nghi một người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn mà CSGT dừng xe lại kiểm tra thì sẽ không biết nói sao khi người dân hỏi: “Cơ sở nào để nói mũ của tôi không đạt chuẩn?”.

Người dân không phân biệt được mũ dỏm, mũ thật

* Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):

Theo tôi, giữa thị trường muôn vàn mẫu mũ bảo hiểm, làm sao người dân phân biệt được mũ nào dỏm, mũ nào là đúng quy cách. Chưa chắc mũ đắt tiền là đạt chuẩn, mũ rẻ tiền là dỏm. Để tình trạng mũ bảo hiểm dỏm phổ biến như hiện nay là trách nhiệm của cơ quan chức năng chứ đâu phải lỗi của dân. Vì vậy, Nhà nước không nên phạt khi người dân đội mũ dỏm. Nhà nước phải phạt người bán, phạt người sản xuất hay nhập khẩu mũ bảo hiểm khi phát hiện họ kinh doanh hàng không đạt chuẩn.

* Chị Nguyễn Thị Như Hà (36 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Việc xử phạt người dân đội mũ bảo hiểm dỏm tôi nghe nói cách đây hơn một năm rồi. Từ đó đến nay tôi thường xuyên chú ý kỹ khi chọn mua mũ bảo hiểm. Nhưng thú thật đến giờ tôi vẫn chưa biết loại mũ nào là đạt chuẩn. Thậm chí, cách đây khoảng một tháng khi tôi mua một mũ bảo hiểm mới, dù mũ có tem CR đàng hoàng nhưng nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn cho rằng đó là tem giả. Liệu CSGT có đủ thiết bị để xác định chính xác tem CR trên mũ của tôi là thật - giả trước khi xử phạt hay không?

* Anh Hoàng Văn Phương (quê Tiền Giang, ngụ Q.5, TP.HCM - nhân viên giao hàng):

Đội mũ bảo hiểm trước hết là để bảo vệ cho chính mình, do đó người tham gia giao thông nào cũng muốn đội một chiếc mũ đảm bảo chất lượng để mang lại cảm giác an toàn khi đi xe. Nhưng mũ bảo hiểm như thế nào là chất lượng, hợp chuẩn thì lại vượt ngoài sự hiểu biết của một người dân như tôi. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người dân hiện nay vẫn chưa phân biệt được đâu là mũ bảo hiểm đạt chuẩn, đâu là tem thật, đâu là tem giả...

D.N.HÀ - M.TRƯỜNG

* Ông Hoàng Lâm (giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3):

Cần có hóa đơn khi mua mũ bảo hiểm

Theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN về “Mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe gắn máy”, mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy có kết cấu gồm ba thành phần chính: vỏ cứng, lớp xốp giảm chấn và quai mũ có khóa cài. Tuy nhiên mũ bảo hiểm hợp lệ là loại được chứng nhận hợp quy bởi các tổ chức chứng nhận hợp quy do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ định (danh sách hiện hành gồm bốn tổ chức: QUACERT, QUATEST 1, QUATEST 2, QUATEST 3, xin xem tại địa chỉ http://www.tcvn.gov.vn/default.asp). Trên mũ phải được dán tem chứng nhận hợp quy có tên của tổ chức chứng nhận hợp quy, phải có nhãn thể hiện tên cơ sở sản xuất, địa chỉ, cỡ mũ, thời gian sản xuất.

Hiện trên thị trường có rất nhiều loại mũ giả mạo, kém chất lượng, vẫn có đủ ba thành phần theo quy định, cũng có tem chứng nhận hợp quy giả mạo, có chất lượng không phù hợp. Thường có thể nhận biết mũ bảo hiểm dỏm qua lớp vỏ không đủ cứng, dễ biến dạng khi dùng tay bóp nhẹ hai cạnh ngang mũ, lớp xốp mỏng hoặc rất mỏng, mềm, dễ để lại vết lõm khi bấm nhẹ ngón tay... Tuy nhiên việc nhận biết trong nhiều trường hợp là không dễ dàng đối với người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên mua các loại mũ bảo hiểm có nguồn gốc xuất xứ thể hiện trên tem dán tại các cửa hàng có địa chỉ kinh doanh rõ ràng và đại lý của các cơ sở sản xuất. Khi mua nên kiểm tra kỹ các dấu hiệu nêu trên, yêu cầu có hóa đơn để có cơ sở khiếu nại khi cần thiết. Không nên mua mũ bảo hiểm bày bán tại các nơi không có địa chỉ rõ ràng, trên vỉa hè, có nguồn gốc trôi nổi, không rõ xuất xứ, nhất là các loại mũ có lớp xốp quá mỏng, các loại mũ bơm hơi...

D.N.HÀ ghi

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp