Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng thu hồi đất (sai) mà không rõ trách nhiệm thì ắt dẫn đến sự bức xúc trong dân - Ảnh: Việt Dũng |
Nội dung thảo luận khá phong phú, từ những vấn đề lớn liên quan đến việc đổi mới đất nước cho đến cụ thể từng câu, từng chữ.
Hậu thế sẽ đánh giá
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng sửa đổi Hiến pháp là việc trọng đại mà tác động của nó có thể thúc đẩy hoặc cản trở bước tiến của lịch sử. “Hậu thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII đã làm gì để thúc đẩy chứ không cản trở sự phát triển của dân tộc” - ông nói như một nhắc nhở.
Theo ông Nghĩa, ngay tại kỳ họp Quốc hội lần này đã có không ít ý kiến trăn trở nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì tình hình đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản.
Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân là công cuộc đổi mới thể chế và luật pháp đã chậm bước so với nhu cầu của đất nước. “Không ít ý kiến cử tri cho rằng Hiến pháp (sửa đổi) chính là giải pháp của mọi giải pháp” - ông Nghĩa nói.
Trong mạch ý kiến về động lực đổi mới đất nước qua sửa đổi Hiến pháp, trung tướng Bế Xuân Trường (ủy viên Trung ương Đảng, tư lệnh Quân khu 1) phân tích: khi bước vào thời kỳ đổi mới, Bộ Chính trị đã có nghị quyết 10 về đất đai. Nhờ đó, từ chỗ một nước nông nghiệp sản xuất không đủ ăn, đến bây giờ chúng ta đã đảm bảo lương thực trong nước, có dự trữ, đặc biệt còn là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. “Như vậy điều rút ra ở đây là gì? Đó là chúng ta đổi mới tư duy về đất đai, quan hệ sản xuất và ứng dụng khoa học vào nông nghiệp. Nhìn lại từ ngày đổi mới đến giờ, trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ vẫn còn lúng túng, bị động, vẫn mang nặng dáng dấp của nền kinh tế bao cấp. Do vậy, chúng ta chưa huy động được mọi nguồn lực xã hội trong và ngoài nước vào phát triển kinh tế - xã hội” - ông nói.
Theo ông Trường, kinh tế thị trường là quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người. Đây không phải quy luật dành riêng cho chủ nghĩa tư bản mà tất cả quốc gia trên thế giới nếu năng động sáng tạo đều hướng tới.
“Nếu chúng ta chịu đổi mới tư duy, đột phá về vấn đề này, ta sẽ huy động được các nguồn lực của đất nước, của các thành phần kinh tế vào cuộc phát triển kinh tế đất nước. Chắc chắn chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng một nước trung bình như hiện nay và sớm trở thành nước phát triển khá trong khu vực” - ông Trường nói.
Đất phải là tài sản
Trong thảo luận về dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng nổi lên băn khoăn của nhiều đại biểu trước các quy định về đất đai.
Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), dự thảo quy định người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất. Ghi như vậy rất cụ thể nhưng rất thiếu bởi vì người sử dụng đất có rất nhiều quyền: quyền sang nhượng, cho tặng, thế chấp tài sản, góp vốn...
Mặt khác, thực chất quyền sử dụng đất hiện nay chính là quyền tài sản, tuy trong văn bản chưa ghi nhưng trong thực tiễn nó chính là tài sản. “Tôi đề nghị Hiến pháp cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản mới công bằng” - ông nói. Theo ông, quy định như vậy sẽ làm cơ sở cho việc quy hoạch, thu hồi, giải tỏa, đền bù theo đúng bản chất đó là quyền tài sản mới đảm bảo sự công bằng, dân chủ và khách quan.
Liên quan đến trách nhiệm của người ra quyết định thu hồi đất, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho rằng: thời gian qua rất ít người chịu trách nhiệm về tình trạng không hiệu quả trong thu hồi đất, ký mà không chịu trách nhiệm hoặc “đổ được trách nhiệm” mà ký có lợi cho cá nhân thì ký bừa. “Nếu xác lập trách nhiệm thì chắc chắn khác đi nhiều” - ông đòi hỏi. Ông cũng cho rằng thu hồi đất không rõ trách nhiệm thì dù có hạn chế thu hồi đi nữa song bức xúc sẽ không giảm. Vì vậy theo ông, cử tri cho rằng xác định trách nhiệm là biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế thu hồi và nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận