Cán bộ đang chấm các môn thi trắc nghiệm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017 (ảnh chụp tại một địa điểm thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cạnh đó, tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm của các hội đồng thi...
Liệu đây đã phải là những "chốt chặn" để có được kỳ thi sạch? Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến.
Bất cứ sự thay đổi nào của kỳ thi thì đối tượng chịu áp lực lớn nhất với những thay đổi này chính là thí sinh.
Vì vậy, để tránh áp lực cho người học, mặt nào đã thực hiện ổn định và hiệu quả thì không nên thay đổi, chỉ những mặt hạn chế, bất cập mới cần cải tiến cho phù hợp. Với góc tiếp cận như vậy sẽ thấy rõ điều lo lắng nhất là ở khâu bảo quản bài thi và chấm thi.
Công tác chấm thi bộc lộ bất cập vì sự thiếu trách nhiệm, có động cơ vụ lợi của một số cán bộ tham gia. Vì vậy, cần phải hoàn thiện quy trình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ hơn.
Hướng chấm thi tập trung theo cụm nếu thực hiện phải song song với việc tăng cường đầu mối giám sát, thanh tra.
Tuy nhiên cũng có điểm lưu ý là bên cạnh mặt tích cực thì thay đổi này cũng sẽ có tác động ngược, gây khó khăn hơn trong công tác vận chuyển và bảo quản bài thi, nhất là từ những địa bàn xa xôi.
Việc bảo quản bài thi chỉ liên quan đến một số người, trong một quy trình khép kín thì nếu có sự "bắt tay" gian lận và trục lợi sẽ kín đáo hơn nhiều.
Với quy mô chấm tập trung, công tác thanh tra, kiểm tra chấm thi không thể chỉ đơn giản là cử người này, người kia tham gia giám sát mà phải tạo ra cơ chế giám sát chéo lẫn nhau giữa những người thực thi nhiệm vụ này.
Đã có hiện tượng người được cử làm công tác thanh tra nhưng không nắm vững quy chế, không hiểu đủ quy trình, buông lỏng trách nhiệm.
Trường ĐH được phân công làm nhiệm vụ thanh tra thì có trường coi trọng, cử người am hiểu về thi, tuyển sinh, nhưng cũng có trường chỉ phân công người đang rảnh việc hay người sẵn sàng đi công tác cho có.
Trong khi những bất cập nảy sinh gian lận từ kỳ thi vừa qua cho thấy cái chúng ta phải đối mặt và xử lý không phải là quy trình mà chính là con người.
Về lâu dài, các trường ĐH đều phải có trách nhiệm lựa chọn phương án tuyển sinh hợp lý cho mình.
Kỳ nên được tổ chức đúng bản chất là kỳ sát hạch để kiểm tra kiến thức bậc THPT. Kỳ thi này nên được tổ chức theo cách nhẹ nhàng, nghiêm túc nhưng không quá căng thẳng.
Thực tế những năm qua kỳ thi này được tổ chức khá tốt. Năm 2018 có một số tiêu cực ở vài địa phương nhưng số lượng thí sinh có điểm thi gian lận không nhiều. Việc tổ chức như hiện tại giúp thí sinh thuận lợi hơn trong việc đi lại, tiết kiệm chi phí.
Đối với việc xét tuyển ĐH, hiện nay nhiều trường đã kết hợp nhiều hình thức khác nhau như học bạ, kiểm tra năng lực, kiểm tra năng khiếu.
Điểm thi THPT là một trong số những tiêu chí xét tuyển, ngoại trừ các trường y dược, công an, quân đội hầu như căn cứ hoàn toàn vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Nếu không tin tưởng kết quả điểm thi THPT quốc gia, các trường có thể kết hợp với các hình thức và phương thức tuyển sinh bổ sung. Thực tế kỳ tuyển sinh 2018, rất nhiều trường sử dụng nhiều hơn một phương pháp để xét tuyển.
Để kỳ thi nghiêm túc và khách quan hơn, tôi cho rằng không cần thiết phải thay đổi quá nhiều, chỉ cần có những giải pháp để siết lại những lỗ hổng đã xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 về lưu trữ, vận chuyển bài thi và chấm thi.
Đặt ra vấn đề chấm tập trung theo cụm, có thể có ý kiến cho rằng như vậy là can thiệp sâu vào kỳ thi được tổ chức tại địa phương.
Tuy nhiên, để kỳ thi được tin cậy, công bằng, khách quan khi nó đã bộc lộ những bất cập thì dù có tốn kém hơn về tài chính hay vất vả hơn trong đầu tư công sức thì cũng phải làm.
Với một kỳ thi THPT quốc gia, trước khi tính toán các giải pháp hiệu quả hơn - kể cả ứng dụng công nghệ 4.0 - để kỳ thi tối ưu nhẹ nhàng thì vẫn phải đặt lên trên hết tính công bằng, tin cậy.
Vì vậy, nếu có đề xuất lắp camera cho phòng chấm thi để công tác chấm thi, công việc "cầm cân nảy mực" được minh bạch hơn thì cũng là đề xuất cần được xem xét nghiêm túc.
Với kỳ thi quốc gia, dù nhà quản lý có coi đây chỉ là kỳ thi tốt nghiệp thì thí sinh vẫn dốc sức nặng nề vì ngoài xét tốt nghiệp THPT, các trường ĐH còn dùng kết quả này để xét tuyển.
Mặt khác, có thể thấy điểm bất cập là mấy năm gần đây, chính nhiều trường ĐH cũng không định hướng được nhu cầu tuyển sinh của mình, không rõ ngành đào tạo của mình cần đối tượng tuyển sinh thế nào cho phù hợp.
Ở nhiều trường có tình trạng tổ hợp xét tuyển không liên quan đến tính chất của ngành đào tạo, khiến Bộ GD-ĐT phải khuyến cáo điều chỉnh. Trong khi việc tuyển sinh ĐH cần hướng đến việc chọn lựa thí sinh thực sự phù hợp với nhu cầu đào tạo của từng ngành.
Thực tế, luật đã quy định các trường ĐH có quyền tự chủ tuyển sinh và đã đến lúc các trường phải chủ động sử dụng phương thức xét tuyển phù hợp với nhu cầu đào tạo, đối tượng tuyển sinh của mình, không nhất thiết chỉ phụ thuộc duy nhất vào kết quả thi THPT quốc gia.
Nếu trường ĐH chủ trì việc coi thi như các năm trước thì lực lượng coi thi cũng phải huy động từ giáo viên địa phương. Do đó việc tổ chức, coi thi vẫn giao cho các địa phương. Tuy nhiên, có một số điều cần phải điều chỉnh để hạn chế thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra.
Theo đó, khâu đề thi phải được làm nghiêm túc hơn. Năm 2018, đề thi các môn được giao cho trưởng điểm thi trước kỳ thi. Như thế rất dễ xảy ra tiêu cực, nhất là ở vùng sâu vùng xa.
Khi chúng tôi chủ trì cụm thi, đề thi hằng ngày được giao cho các điểm thi vào sáng cùng ngày chứ không bàn giao toàn bộ cho các điểm thi. Trưởng điểm thi chỉ làm nhiệm vụ chỉ đạo coi thi ở điểm thi đó chứ không làm các công tác liên quan đến việc lưu giữ, bảo mật đề thi.
Về chấm thi, cần giao cho các trường ĐH thực hiện vận chuyển, lưu giữ bài thi và chấm thi. Trường ĐH coi thi ở tỉnh nào sẽ chấm bài thi của tỉnh đó.
Sau khi kỳ thi kết thúc, các trường sẽ vận chuyển về trường, làm phách và chấm thi. Đội ngũ giáo viên chấm có thể huy động từ chính giáo viên của tỉnh đó. Kết quả thi sẽ được chuyển cho địa phương để công bố.
Tôi cho rằng để địa phương tổ chức, coi thi cũng được bởi những tiêu cực vừa qua xảy ra ở khâu lưu trữ và chấm thi. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế cho thấy việc tổ chức của các địa phương cũng có vấn đề chưa ổn.
Chẳng hạn việc sắp xếp phòng thi, điểm thi, không phải địa phương nào cũng sắp xếp khách quan theo thứ tự mà theo một trật tự có chủ đích.
Thanh tra thi của tỉnh là phó giám đốc sở GD-ĐT của tỉnh đó. Họ đưa đi đâu, thanh tra các trường ĐH đi theo đó, không có vai trò gì cả. Đó là chưa kể họ chỉ đưa đi những điểm thi tốt, những điểm có vấn đề họ sẽ không đưa thanh tra từ các trường ĐH đến.
Để kỳ thi khách quan và công bằng, tốt nhất giao toàn bộ việc tổ chức, chấm thi cho các trường ĐH, địa phương chỉ phối hợp với trường ĐH như kỳ thi năm 2015. Trường ĐH sẽ toàn quyền sắp xếp điểm thi, cán bộ coi thi, thanh tra, giám sát, lưu trữ, vận chuyển bài thi và chấm thi.
Các trường sẽ tự vận chuyển bài thi về trường mình và tổ chức chấm thi, sau đó gửi kết quả cho sở GD-DT địa phương công bố. Trường ĐH hoàn toàn không có các mối quan hệ hoặc quen biết các thí sinh nên sẽ khó xảy ra tình trạng gian lận.
Trong trường hợp không giao cho các trường ĐH tổ chức toàn bộ thì việc chấm thi nhất thiết phải giao cho trường ĐH thực hiện. Khâu chấm thi rất quan trọng, không chỉ chính xác mà còn đòi hỏi tính khách quan.
Nếu giao việc chấm thi cho các địa phương sẽ rất dễ xảy ra tiêu cực, kể cả việc chấm chéo địa phương đi nữa. Bên cạnh đó, thanh tra phải là người độc lập chứ không thể là người của địa phương như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận