Ông Thành nói: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng trên cơ sở kế thừa ưu điểm của chương trình cũ. Điểm đổi mới quan trọng là định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh thay cho chỉ chủ yếu truyền đạt kiến thức.
Nếu làm đúng tinh thần này, tôi khẳng định chương trình hiện hành phù hợp với học sinh các cấp học. Chương trình mới không yêu cầu theo hướng nặng hơn về mức độ kiến thức so với trước đây, chỉ điều chỉnh mục tiêu, cách làm để phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Áp lực điểm số
* Trên thực tế, việc quá tải vẫn được các trường, giáo viên, học sinh phản ánh. Một bộ phận học sinh vì chưa nắm được bài trên lớp nên cha mẹ phải cho học thêm. Vậy để giảm tải, theo ông, các trường hiện nay cần phải làm gì và trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục thế nào?
- Hiện Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường quyết định kế hoạch giáo dục nhà trường trong mỗi năm học. Việc sắp xếp nội dung dạy học phù hợp với điều kiện hiện do hiệu trưởng quyết định. Để kế hoạch này phù hợp, hiệu quả, hiệu trưởng các trường cần dựa vào tổ chuyên môn.
Các tổ chuyên môn thảo luận, dự thảo tiến độ dạy học, sắp xếp nội dung dạy học, đề xuất các hình thức, phương pháp hợp lý tương ứng với mỗi môn học, lớp học. Tổ chuyên môn cũng là nơi thảo luận, chia sẻ những khó khăn phát sinh để đề xuất lên lãnh đạo trường điều chỉnh khi cần thiết.
Về nguyên tắc, chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT phê duyệt phải được triển khai trong giờ dạy học chính khóa, đảm bảo các yêu cầu cần đạt. Ở những trường có điều kiện dạy học hai buổi/ngày thì buổi hai dành để luyện tập, thực hành và làm các nội dung theo quy định về nội dung dạy học buổi hai.
Các phòng giáo dục, sở GD-ĐT phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyên môn và có hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường, thầy cô giáo kịp thời. Về việc này Bộ GD-ĐT cũng có trách nhiệm kiểm tra.
* Áp lực điểm số và thi cử có lẽ vẫn là nguyên do chính khiến nhiều phụ huynh phải tìm thầy bên ngoài nhà trường cho con học thêm, nhất là đối với học sinh cuối cấp. Theo ông, giải quyết vấn đề này thế nào?
- Đó là một thực tế phải thừa nhận. Điểm số trong quá trình học tập liên quan tới việc xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh đại học. Các kỳ thi chuyển cấp hiện vẫn khá căng thẳng ở một số địa phương, nhất là ở các thành phố lớn làm gia tăng tình trạng dạy thêm, học thêm.
Đây là vấn đề cần được xử lý từ nhiều góc độ. Nhưng với trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã và đang xử lý nhiều vấn đề như đổi mới quy định về kiểm tra đánh giá học sinh (gồm cả thường xuyên và định kỳ), đổi mới thi tốt nghiệp THPT.
Việc đổi mới kiểm tra, thi cử đều theo hướng đánh giá đúng và khích lệ thầy trò dạy và học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất chứ không phải chỉ thu nhận kiến thức thuần túy. Với yêu cầu mới này, việc luyện thi theo cách truyền thống trước đây sẽ dần không còn phù hợp.
Tại các thông tư quy định kiểm tra đánh giá học sinh phổ thông đã có nhiều điều chỉnh, ghi nhận các hình thức đánh giá đa dạng, nhân văn, khích lệ học sinh tiến bộ, khích lệ các hình thức "thầy tổ chức, trò thực hiện nhiệm vụ" hơn là việc kiểm tra trên giấy với cách tăng mức độ khó của bài tập. Các bài kiểm tra theo hình thức truyền thống vẫn có nhưng sẽ đảm bảo đúng ma trận được Bộ GD-ĐT quy định.
Khi việc này được làm tốt và có chuyển biến sâu ở các nhà trường, học sinh sẽ yên tâm với việc học ở trường, học qua hoạt động nhóm, qua dự án học tập, qua việc tự học hơn là chạy theo các lớp ôn luyện. Đây là quá trình không giúp chấm dứt ngay việc dạy thêm, học thêm tràn lan nhưng sẽ có tác động lớn đến động cơ học thêm của học sinh, của phụ huynh.
Không cho phép tăng tiết so với quy định
* Ở nhiều trường hiện nay tổ chức dạy các môn năng khiếu, thể thao, kỹ năng sống, ngoại ngữ... ngoài giờ chính, việc này có được phép không? Cơ sở pháp lý nào cho việc thực hiện này?
- Bộ GD-ĐT đã có thông tư 04 quy định nội dung dạy học ngoài giờ chính khóa. Và việc thực hiện dạy một số nội dung ngoài giờ chính khóa trong nhà trường cũng phải tuân thủ quy định trong nghị định 24 của Chính phủ. Theo đó, ở mỗi địa phương HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định danh mục được phép dạy ngoài giờ chính khóa. Ví dụ muốn học sinh học bơi phải tổ chức dạy bơi. Những nội dung dạy học này theo hình thức tự nguyện, với mức thu do HĐND tỉnh, thành phố quy định.
* Vậy còn trường hợp các trường tổ chức dạy thêm một số môn học? Có trường tăng tiết ngay trong thời gian học chính khóa, có trường bố trí ngoài giờ chính khóa. Nhiều trường quy định 100% học sinh phải tham gia và những tiết tăng cường này thu thêm tiền của cha mẹ học sinh. Như vậy có đúng không?
- Trước hết phải khẳng định Bộ GD-ĐT không cho phép tăng tiết dạy/môn học so với chương trình đã quy định đối với một năm học. Việc các nhà trường tăng tiết có thu thêm tiền, bản chất chính là dạy thêm, học thêm. Và việc này cần được thực hiện đúng với thông tư 17 quy định về vấn đề dạy thêm, học thêm. Theo đó, nhiều vấn đề sẽ cần tuân thủ như không tổ chức lớp dạy thêm theo biên chế các lớp chính khóa mà phải phân loại trình độ học sinh.
Giáo viên không dạy thêm cho học sinh của cả một lớp mình đã dạy chính khóa, không dạy nội dung kiến thức mới trong chương trình ở lớp dạy thêm. Các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không được phép tổ chức dạy thêm ngoài giờ. Việc dạy thêm, học thêm này tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, không ép buộc.
* Việc dạy thêm ngoài nhà trường hiện nay đang có nhiều bất cập, nhưng có vẻ như thông tư 17 chưa đủ mạnh. Ông có cho rằng nếu nó được quản lý theo luật như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ khắc phục được?
- Thực ra thông tư 17 đã quy định những nội dung cần thiết chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Bộ GD-ĐT đang có hướng sửa thông tư này nhưng chủ yếu giải quyết vướng mắc trong việc cấp phép cho các tổ chức dạy thêm. Nếu nó được đưa vào luật như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì vướng mắc này sẽ dễ xử lý hơn.
"Không phải mọi giáo viên dạy thêm vì thu nhập thấp"
* Nhiều ý kiến cho rằng khi chế độ đãi ngộ nhà giáo còn chưa tốt, nhiều giáo viên phải dạy thêm để trang trải cuộc sống. Ông có nghĩ đây là lý do chính và cũng khó giải quyết nhất trong bối cảnh hiện nay không?
- Lương giáo viên chưa đủ sống là vấn đề trăn trở của ngành giáo dục và đúng là có nhiều giáo viên phải dạy thêm, một cách tăng thêm thu nhập bằng nghề. Nhưng tôi không cho rằng mọi giáo viên dạy thêm đều vì thu nhập thấp. Có những giáo viên có thu nhập ổn định, họ vẫn dạy thêm. Bởi khi có nhu cầu học thì có nhu cầu dạy.
Người thầy dạy thêm vì nhiều lý do khác nhau. Có những người không muốn dạy nhưng vì mong muốn của phụ huynh, của học sinh, muốn trọn vẹn trách nhiệm với học sinh của mình họ vẫn cố duy trì.
Nên một mặt ta cần cải thiện chế độ đãi ngộ xứng đáng với nhà giáo là việc cần thiết. Nhưng đồng thời vẫn cần quản lý chặt chẽ hoạt động chuyên môn trong các nhà trường, hoạt động dạy thêm của giáo viên để tránh sai phạm. Việc này cũng giúp những nhà giáo dạy thêm đúng quy định không bị đánh đồng với những việc một số ít sai phạm mà xã hội vẫn lên án.
"Học thêm để hy vọng thầy cô nâng đỡ là không nên"
* Ông có chia sẻ gì với những phụ huynh đang "đau đầu" vì chuyện học thêm của con?
- Học thêm để nâng cao năng lực, kỹ năng, có thể hiểu biết là nhu cầu chính đáng nhưng nếu học thêm chỉ với hy vọng được thầy cô dạy trước, nâng đỡ để nâng mức điểm trong các bài kiểm tra thì không nên. Vì việc đó chỉ có hại cho những đứa trẻ.
Sau này khi ra cuộc sống, điều những học sinh hôm nay cần hơn là có một thể lực tốt, năng lực, kỹ năng tốt, thái độ tốt đối với công việc và cộng đồng chứ không phải điểm số có được một cách không thực chất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận