Đại biểu Lê Thanh Vân - Ảnh: PHẠM THẮNG
Trong các hình thức hoạt động của Quốc hội, kỳ họp là quan trọng nhất; trong kỳ họp thì thảo luận là vấn đề quan trọng bậc nhất, linh hồn các quyết định của Quốc hội. Chỉ có thảo luận mới đưa ra được các quyết định đúng của cơ quan quyền lực cao nhất. Song thực tế hiện nay chúng ta gọi là thảo luận nhưng phần lớn là đọc tham luận.
Thực tế thời gian qua có tình trạng các đại biểu Quốc hội viết sẵn bài phát biểu, thậm chí viết từ trước khi vào kỳ họp. Đến phiên thảo luận mà không bấm được nút phát biểu thảo luận thì giơ biển tranh luận. Đến lúc bấm được lại đưa bài phát biểu ra đọc! Việc đọc lại có chuyện Quốc hội đang bàn một đằng lại đọc một nẻo. Thậm chí có những việc các cơ quan chức năng đã tiếp thu rồi, nhưng do viết trước và dù lạc hậu với thời sự song... vẫn cứ đọc. Chưa kể có người đọc còn ngắc ngứ. Việc này nhiều cử tri đã phản ảnh.
Có người cho rằng đại biểu Quốc hội đại diện cho các vùng miền, trình độ khác nhau. Có người có kỹ năng nói tốt hoặc được đào tạo kỹ năng thuyết trình trước công chúng hay có người lần đầu tham gia nên không dùng giấy sẽ khó đọc. Song cần phải hiểu đại biểu Quốc hội là chính trị gia nên phải có khả năng hùng biện để thuyết phục chính sách. Muốn vậy trí tuệ phải sáng, tư duy phải mạch lạc, thông tin phải đầy đủ mới tranh luận, hùng biện được. Bên cạnh đó, bước tập dượt quan trọng nhất chính là ở giai đoạn vận động bầu cử. Chẳng lẽ lại cứ cầm giấy đọc như vậy? Mỗi đại biểu phải tự ý thức để tôn trọng cử tri.
Hiện nay chúng ta cũng chưa phân định rõ vấn đề đưa ra thảo luận tổ, đoàn và hội trường. Điều này dẫn tới khi thảo luận tại hội trường có quá nhiều vấn đề từ "hang cùng ngõ hẻm" đến quốc gia đại sự, trong khi chỉ giới hạn có 1,5 ngày. Như vậy làm sao có thể tập trung, có quyết định chất lượng được.
Do vậy, điều quan trọng nhất, theo tôi, là cần thay đổi phương thức thảo luận. Trong đó phải quy định rõ hơn và dựa trên cơ sở phân biệt rạch ròi giữa thảo luận ở tổ, đoàn với thảo luận ở hội trường. Cụ thể, cần định nghĩa đâu là thảo luận tổ, đoàn và quy trình tiến hành, kết quả ra sao. Sau đó mới tiến hành phiên toàn thể.
Phải xác định tổ, đoàn là thảo luận có ý nghĩa "cày vỡ", phát hiện ra những vấn đề nào đồng thuận, nhất trí thì ra Quốc hội không bàn nữa. Còn nếu những vấn đề còn ý kiến khác nhau, vấn đề lớn phát sinh, lúc đó tập trung thảo luận ở phiên họp toàn thể. Chủ tọa phiên họp cũng nên điều hành theo hướng chỉ đưa ra những vấn đề còn ý kiến khác nhau khi thảo luận tổ, vấn đề mới và lớn để các đại biểu tập trung thảo luận theo từng lớp vấn đề.
Đồng thời, nên chọn lọc trong các phiên họp, thảo luận về kinh tế - xã hội chỉ tập trung vào 5-6 vấn đề lớn như việc giải ngân vốn đầu tư chậm nêu rõ điểm nghẽn do đâu, trách nhiệm và việc xử lý cụ thể ra sao... Việc này sẽ tránh cho việc đưa ra những nghị quyết chung chung kiểu tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao... Muốn làm được điều này cũng đòi hỏi đại biểu Quốc hội nắm chắc vấn đề, thảo luận sâu sắc, đưa ra ý kiến chính xác chứ không phải chỉ cầm giấy đọc cho xong.
Khi làm được điều này cũng sẽ giúp nâng cao trình độ và khả năng tranh biện, hùng biện của đại biểu Quốc hội. Đồng thời làm cho chất lượng quyết định của Quốc hội chắc chắn hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận