Phóng to |
GS Phạm Phụ phát biểu tại hội thảo ngày 8-6 - Ảnh: Minh Châu |
PGS.TS Phan Thanh Bình, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng giáo dục đại học VN đang tồn tại nhiều điểm như tư duy hội nhập chậm thay đổi ở chính những con người đang làm giáo dục ĐH, đặc biệt là ý thức “ngại thay đổi, ngại thêm việc” của các giảng viên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết để đẩy nhanh tiến độ hội nhập quốc tế về giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương xây dựng khung trình độ quốc gia, hoàn thiện nghị định phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học, điều chỉnh cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp tương thích với các nước trên thế giới, hoàn thiện các chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển hợp tác quốc tế… |
Có định hướng về hội nhập quốc tế với mục tiêu rõ ràng nhưng chưa có lộ trình chi tiết mang tính ràng buộc và mang tính khả thi cao. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý giáo dục ĐH chưa được thay đổi triệt để. Sự phân cấp trong giáo dục ĐH vẫn mang nặng tính hình thức.
Đội ngũ quản lý, giảng viên sử dụng thuần thục một ngoại ngữ (tiếng Anh) không nhiều…
Đầu tư khiêm tốn
Phát biểu tại hội thảo GS.TSKH Bùi Văn Ga - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho rằng để hội nhập sâu và rộng vào nền giáo dục ĐH thế giới, giáo dục VN còn phải vượt qua nhiều thách thức, thực tế nguồn lực đầu tư cho giáo dục ĐH còn rất thấp.
Mặc dù đã huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục ĐH, nhưng hiện chi phí đơn vị trên mỗi sinh viên chưa tới 500 USD/năm. So với các nước phát triển và cả một số nước trong khu vực, mức chi phí đơn vị cho sinh viên VN còn quá nhỏ bé. Do chi phí đơn vị thấp dẫn đến nhiều hệ lụy trong thực hiện chương trình đào tạo toàn diện, nâng cao kỹ năng thực hành…
Ông Ga cho rằng nghiên cứu khoa học trong trường ĐH còn rất hạn chế do thiếu thốn cơ sở vật chất, giảng viên phải giảng dạy quá nhiều, không còn thời gian chăm lo cho công tác nghiên cứu khoa học. Do không được “nhúng” trong môi trường nghiên cứu khoa học và sáng tạo nên sinh viên VN ra trường thua kém sinh viên các nước trong khu vực về nhạy bén, tính thích nghi vào môi trường công tác.
GS.TS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng khi chi phí đơn vị quá thấp, một mặt nền giáo dục ĐH sẽ không đủ sức để đảm bảo chất lượng cho nguồn nhân lực được đào tạo, mặt khác sẽ có luồng sinh viên chạy ra nước ngoài học tập…
Ông cho biết năm 2004, Ngân hàng Thế giới đã có nhận xét: chi tiêu bình quân trên đầu sinh viên công lập ở VN chỉ đạt 53-57% của GDP/đầu người, con số này thấp hơn nhiều so với bình quân của 117 quốc gia trên thế giới có số liệu, khoảng 93% GDP/đầu người. “Chi phí đơn vị hợp lý hiện nay nên vào khoảng 120% GDP/đầu người, khoảng 1.600-1.700 USD/năm mới có thể đảm bảo sức cạnh tranh của nền giáo dục ĐH trong bối cảnh hội nhập quốc tế” - GS Phụ nói.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng cho rằng tài chính hiện nay được xem như một nút thắt cổ chai đối với các nỗ lực đổi mới trong lĩnh vực giáo dục.
“Nhiều quy định đã không còn phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội hiện nay. Ngân sách nhà nước cấp và mức thu học phí không tạo đủ điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó giải quyết được bài toán về tài chính là một trong các giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục ĐH” - ông Nghĩa nói.
Tăng học phí và nhấp nhận học phí chênh lệch
PGS.TS Trần Chí Đáo, nguyên giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng đầu tư cho một sinh viên ở VN là quá thấp do nguồn lực quốc gia thấp và khả năng của phần đông gia đình cũng thấp. Các ĐH công lập ở nước ta học phí cho một sinh viên khoảng 11 triệu đồng (tương đương 500 USD). Trong khi đó học phí của một sinh viên nhiều nước từ 15.000-32.000 USD.
“Với học phí của sinh viên học trong nước như hiện nay, các ĐH nước ta phải nỗ lực rất lớn để có chất lượng đào tạo. Đầu tư tài chính cho một sinh viên thấp mà yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vô vàng khó khăn” - ông Đáo nhận định.
Cũng theo ông Đáo, có một vấn đề lớn là dân ta còn nghèo, không có khả năng đóng học phí cao. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều gia đình gửi con em đi du học nước ngoài. Số lượng sinh viên du học nước ngoài ngày càng nhiều hơn. Như vậy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn.
“Do đó phải có chính sách học phí sát thực tế. Với người nghèo phải tăng cường chính sách xã hội như: Nhà nước cho vay với điều kiện vay dễ dàng hơn, học phí có nhiều mức khác nhau từ giảm đến miễn và học phí ở từng trường cũng khác nhau. Có trường do có chất lượng cao, uy tín, dễ tìm việc sau khi tốt nghiệp sẽ có học phí cao hơn. Nhà nước cho mở nhiều nhà máy thì phải kèm theo mở nhiều trường chuyên nghiệp. Tăng học phí và chấp nhận học phí chênh lệch để cách biệt giữa các trường có chất lượng khác nhau” - ông Đáo đề xuất.
Trong khi đó, GS Phạm Phụ cũng cho rằng khi cải cách tài chính giáo dục ĐH theo hướng tăng chi phí đơn vị và học phí, nếu không có những giải pháp đi kèm thì người nghèo buộc phải bỏ học, vấn đề công bằng xã hội đương nhiên sẽ trầm trọng hơn. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, theo ông Phụ, kinh nghiệm của thế giới cho thấy giải pháp hợp lý nhất là phải xây dựng các “quỹ cho sinh viên vay vốn” đi kèm với chính sách “học phí cao - tài trợ nhiều”.
“Thực tế cho thấy khi tăng học phí mà có quỹ cho sinh viên vay vốn thì gần như không ảnh hưởng mấy đến bài toán công bằng xã hội. Lấy tiền đâu để xây dựng các loại quỹ cho sinh viên vay vốn, có thể lên đến nhiều tỉ USD? Tại sao chúng ta có thể đi vay quốc tế nhiều chục tỉ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng như công nghiệp với suất thu lợi khó đạt trên mức 10% mà lại không đi vay vài ba tỉ USD để xây dựng các quỹ cho sinh viên vay vốn?” - GS Phụ đặt vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận