22/04/2025 14:22 GMT+7

Đổi mới quyền lực bóng đá châu Á

Thế áp đảo tuyệt đối của nhóm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Saudi Arabia với bóng đá châu Á có thể sẽ sớm thay đổi trong những năm tới khi Uzbekistan vươn lên mạnh mẽ.

bóng đá - Ảnh 1.

Tuyển U17 Uzbekistan ăn mừng chức vô địch châu Á - Ảnh: AFC

Chỉ trong 7 năm, Uzbekistan đã thâu tóm toàn bộ các danh hiệu bóng đá trẻ ở châu Á.

Uzbekistan khiến vùng Trung Đông vỡ mộng

Đó là các chức vô địch U23 châu Á 2018, U20 châu Á 2023 và mới nhất là U17 châu Á 2025. Không chỉ vô địch, Uzbekistan còn trình diễn phong độ đáng kinh ngạc xuyên suốt giải đấu.

Ở vòng bảng, họ thắng thuyết phục Thái Lan, Trung Quốc lẫn Saudi Arabia. Vào vòng đấu loại trực tiếp, U17 Uzbekistan lại thắng cách biệt UAE (3-1), Triều Tiên (3-0), trước khi tạo cú sốc ở chung kết. Vì sao lại sốc? Vì Uzbekistan bị đuổi 2 người trong hiệp một, nhưng rồi Saudi Arabia vẫn chỉ biết chịu trận. Cần biết, Saudi Arabia là đội chủ nhà của giải đấu.

Không chỉ vậy, đây còn là lứa cầu thủ được Saudi Arabia kỳ vọng trong tương lai bởi quốc gia vùng Trung Đông sẽ đăng cai World Cup 2034. Theo tính toán, lứa U17 hiện tại của Saudi Arabia sẽ nắm vai trò chủ chốt khi đội nhà bước vào kỳ World Cup sau 9 năm nữa.

Nền bóng đá Saudi Arabia đã làm gần như tất cả để phục vụ cho kế hoạch kéo dài 10 năm của mình. Từ việc xây dựng những học viện hàng đầu, chi tiền mang về hàng loạt siêu sao để nâng cấp giải vô địch quốc gia, cho đến tích cực mở rộng quan hệ thông qua các CLB châu Âu (như việc Quỹ đầu tư công Saudi Arabia mua lại CLB Newcastle), Saudi Arabia được ví như Man City, PSG của bóng đá châu Á lúc này.

Ngoài Saudi Arabia, hai đại gia khác của vùng Trung Đông là UAE và Qatar cũng có những nỗ lực tương tự, thậm chí còn đẩy mạnh việc nhập tịch cầu thủ. Nhưng rồi tất cả đều phải ngả mũ trước Uzbekistan.

Đi lên nhờ công nghệ

Trước Saudi Arabia, UAE cùng Qatar đã là bại tướng của Uzbekistan ở cấp độ tuyển quốc gia. Tại vòng loại World Cup, Uzbekistan vượt mặt UAE và Qatar để chễm chệ ở vị trí nhì bảng sau Iran trong cuộc đua bảng A. 

Chỉ cần thắng thêm 1 trận là Uzbekistan sẽ vượt mặt hai đại gia vùng Trung Đông để giành vé. Còn ở bảng C, Saudi Arabia đang đối diện nguy cơ mất cả chì lẫn chài nếu thua 2 vòng đấu cuối cùng. Đó sẽ là một đòn giáng nặng nề vào tham vọng vươn mình của bóng đá Saudi Arabia.

Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Saudi Arabia (không tính Úc) là 4 cái tên đã chiếm lĩnh mọi cuộc đua của bóng đá châu Á trong 2 thập niên qua. Lần cuối cùng có một cái tên đánh bật một đội trong nhóm này ở vòng loại World Cup là vào World Cup 2010, khi Triều Tiên vượt qua Iran và Saudi Arabia để giành vé.

bóng đá - Ảnh 2.

U17 Saudia Arabia và U17 Iran trong trận chung kết U17 châu Á 2025 - Ảnh: AFC

Việc FIFA mở rộng quy mô World Cup mang đến cơ hội để các nền bóng đá khác của châu Á vươn mình cũng như thay đổi trật tự nhàm chán đã kéo dài 2 thập niên qua. Những tưởng vùng Trung Đông với sức mạnh tiền bạc sẽ áp đảo, nhưng rồi Uzbekistan lại đang vượt lên.

Đã có nhiều phân tích về thành công của Uzbekistan, bao gồm cả góc độ khoa học thể thao. Hơn 10 năm trước, Rustam Mukhamedov, một nhà khoa học tại Viện Hóa học hữu cơ sinh học của Uzbekistan, đã bỏ công nghiên cứu gene của các VĐV vô địch Uzbekistan. 

Kết quả nghiên cứu này được Chính phủ Uzbekistan áp dụng nhằm sàng lọc, tìm kiếm rồi đưa ra lời khuyên phù hợp cho những VĐV trẻ có tố chất. Kết quả là sau một thập niên, bóng đá cùng nhiều môn thể thao khác của Uzbekistan sản sinh ra liên tiếp thế hệ VĐV trẻ đầy tài năng.

Công nghệ sàng lọc gene có thể chỉ là một trong số rất nhiều bước công nghệ mà thể thao Uzbekistan áp dụng, học hỏi từ Nga để cải thiện phương pháp đào tạo của mình. Theo đó, họ sử dụng nguồn nội lực sẵn có rồi tập trung nâng cao khả năng đào tạo. Nó khác hoàn toàn so với xu hướng mời chào những siêu sao để mong đi "đường tắt" như bóng đá vùng Trung Đông.

Đổi mới quyền lực bóng đá châu Á - Ảnh 2.Giải mã hiện tượng Uzbekistan

TTCT - Ở vùng Trung Á, Uzbekistan đang nổi lên như một cường quốc thể thao mới, với một chương trình quốc gia về thể thao gây nhiều tranh cãi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp