23/05/2011 06:48 GMT+7

Đổi mới nghị trường - Kỳ cuối: Phiên điều trần đầu tiên

TS Nguyễn Sĩ Dũng (phó chủ nhiệmVăn phòng QH)
TS Nguyễn Sĩ Dũng (phó chủ nhiệmVăn phòng QH)

TT - Đầu tháng 4-2010, nhiều tờ báo cùng lúc đăng tin rao: sắp thí điểm điều trần tại Ủy ban Các vấn đề xã hội. Một số tờ báo để từ điều trần trong ngoặc kép. Đến ngày 21-4, ảnh chụp trên các báo về nội dung cuộc làm việc của Ủy ban Các vấn đề xã hội với lãnh đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho thấy trên phông nền không có từ điều trần mà là “hội nghị giải trình”.

ZJbvBdxC.jpgPhóng to

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, thành viên đầu tiên của Chính phủ ra điều trần tại một ủy ban của QH - Ảnh: Lê Kiên

TS Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - giải thích về “sự cố” này như sau: “Trước hội nghị ít ngày tôi đã dùng từ điều trần khi trả lời báo chí. Từ này mới quá nên dư luận xôn xao, lúc đầu có một số người phản ứng và cho là cách dùng từ như vậy khiến người khác nghĩ mình có gì đó gay gắt hoặc đối lập với đối tượng bị điều trần”.

Từ “giải trình” đến “điều trần”

Ông Lợi kể lại đầu đuôi câu chuyện: Tháng 9-2009, một cuộc tọa đàm về hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội (QH) và hoạt động giải trình tại các cơ quan của QH được tổ chức ở Đà Lạt. Tháng 12-2009, Văn phòng QH trình Ủy ban Thường vụ QH một số vấn đề nhằm thí điểm hoạt động này. Ngay sau đó, Ủy ban Các vấn đề xã hội đề xuất được thí điểm đầu tiên.

Tháng 3-2010, ủy ban có công văn gửi bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội và các cơ quan, tổ chức sẽ tham gia giải trình; công văn gửi các thành viên ủy ban để chuẩn bị câu hỏi. Sau đó là việc tập hợp, chọn lọc thông tin, mời và đặt bài chuyên gia để xây dựng bộ tài liệu tham khảo.

Thường trực ủy ban họp nhiều lần để thảo luận kế hoạch tổ chức phiên giải trình, xác định các vấn đề trọng tâm cần làm rõ trong phiên giải trình, cách thức tiến hành phiên giải trình, phân công (chủ nhiệm ủy ban chủ trì, một phó chủ nhiệm phụ trách nội dung và điều hành, một phó chủ nhiệm phụ trách quy trình thủ tục). Kế đến là tổ chức họp chuyên gia để xây dựng bộ câu hỏi và cuối cùng là phần duyệt maket phông, bố trí chỗ ngồi của các đại biểu.

Ngày 21-4-2010, hội nghị giải trình về chính sách giảm nghèo được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo của giới truyền thông.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trở thành thành viên đầu tiên của Chính phủ ra điều trần tại một ủy ban của QH. Bà Ngân, lần đầu tiên trả lời chất vấn trước QH, đã đem theo đội ngũ chuyên viên gần chục người đến nghị trường, trở thành một trong số ít bộ trưởng nhận được nhiều khen ngợi của cử tri bởi phong cách thẳng thắn và nắm vững vấn đề.

Ông Lợi nói rằng sự “sẵn sàng” của bà Ngân là một trong những yếu tố khiến lãnh đạo Ủy ban Các vấn đề xã hội chọn bà làm đối tượng điều trần đầu tiên.

Sáu tháng sau, ngày 19-10-2010, Ủy ban Các vấn đề xã hội tổ chức hội nghị giải trình về quản lý giá thuốc. Hai người điều trần của phiên này là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Thứ trưởng Cao Minh Quang.

Mới đây ngày 10-3, Ủy ban Tư pháp đã chính thức dùng từ điều trần khi tổ chức phiên điều trần về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chức danh tư pháp.

“Điều trần là cách thức để lấy được thông tin nhằm làm sáng rõ một vấn đề gì đó. Điều trần không chỉ là một hình thức của hoạt động giám sát mà còn là một công cụ của hoạt động lập pháp. Khi chuẩn bị một chính sách mà ủy ban của QH điều trần thì cuộc điều trần này phục vụ công tác lập pháp; còn sau khi chính sách đó ban hành, quá trình thực hiện nảy sinh các vấn đề thì lúc này điều trần nhằm phục vụ hoạt động giám sát. Thực chất thì lập pháp và giám sát không tách rời trong công việc của QH.

Điều trần là để các cơ quan của QH có được thông tin, sau đó phân tích, đánh giá vấn đề và trình QH quyết định, chứ một phiên điều trần không nhằm kết luận hoặc quyết định vấn đề gì ngay tại đó”.

Tương lai của điều trần

Ở nghị viện nhiều nước, điều trần tại các ủy ban, tiểu ban của QH là hoạt động diễn ra rất thường xuyên. Một nhóm nghị sĩ cũng có thể tổ chức một cuộc điều trần nếu họ thấy vấn đề đó là cần thiết. Các ủy ban ở hai viện QH Mỹ đã không ít lần tổ chức các phiên điều trần liên quan đến VN, chẳng hạn như việc trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho VN, về hậu quả của chất độc da cam trong chiến tranh VN...

Các ủy ban của Thượng viện Hoa Kỳ cũng thường tổ chức các phiên điều trần để sát hạch một ứng cử viên nội các trước khi tổng thống bổ nhiệm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta từng bị Ủy ban Tình báo gọi ra để “kiểm tra” khi ông này được tổng thống đề cử làm giám đốc CIA. Trường hợp tương tự từng xảy ra với bà Hillary Clinton tại Ủy ban đối ngoại.

Thậm chí, có trường hợp bị điều trần về tiêu dùng cá nhân như Bộ trưởng Nội vụ Anh Jacqui Smith, khi đương chức cũng được Ủy ban điều tra của QH mời đến giải trình về số tiền 100.000 bảng gửi cho chị gái tu bổ ngôi nhà ở London và số tiền lớn khác được bà sử dụng để mua ngôi nhà riêng ở Midlnads.

Còn ở VN, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi trao đổi: “Qua một số tài liệu và sự hiểu biết của tôi về khái niệm điều trần có thể thấy VN và các nghị viện trên thế giới hiểu và nhận thức khác nhau cơ bản về khái niệm điều trần.

Chúng ta cho rằng điều trần giống như tổ chức các hoạt động giám sát của QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH theo Luật hoạt động giám sát của QH. Còn với các nghị viện trên thế giới, điều trần cơ bản chỉ là cơ chế hoạt động, phân tích, đánh giá thông tin của các cơ quan nghị viện trước khi trình hoặc quyết định một vấn đề nào đó”.

Ngày 28-3, QH thảo luận về tổng kết nhiệm kỳ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị: “Nên tiến hành rộng hơn việc điều trần và trong khóa tới nên có tổng kết, luật hóa vấn đề này trong quy trình, thủ tục hoạt động QH vào trong Luật tổ chức QH, trong đó quy định rõ trình tự thủ tục quyền, trách nhiệm của các bên và hậu quả pháp lý của việc điều trần”.

Bà Nga nhận định: “Tôi nghĩ trong tương lai mình hoàn toàn có thể mở rộng phạm vi điều trần như ở các nước, nhưng trước mắt phải tạm thời như vậy đã vì hoạt động này còn mới mẻ với VN. Chúng ta cần phải hoàn thiện pháp luật về điều trần.

Trong hoạt động nghị trường luôn tồn tại chất vấn của cá nhân các đại biểu. Nhưng một cá nhân thì khó có khả năng tiếp cận mọi nguồn thông tin, tài liệu, tổ chức hội thảo... để tường tận một vấn đề. Nhưng nếu vấn đề trở thành chất vấn của tập thể ủy ban thì khác, ủy ban có bộ máy chuyên môn, chuyên gia, đủ điều kiện để xem xét toàn diện một vấn đề.

Chắc chắn là trong khi chờ QH khóa XIII hoàn thiện pháp luật về điều trần, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của QH sẽ tiếp tục mở các phiên điều trần vì không ai còn nghi ngờ kết quả tốt đẹp của nó”.

________________

Đón đọc số tới: Theo dấu chân bò tót

Mới đây đã có người chụp được ảnh hàng chục con bò tót ở giữa vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Đó là một tin vui sau rất nhiều nỗ lực phấn đấu của con người. PV Tuổi Trẻ theo chân những nhà khoa học kể lại cuộc đấu tranh bảo vệ loài động vật quý hiếm ở nơi này.

TS Nguyễn Sĩ Dũng (phó chủ nhiệmVăn phòng QH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp