Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp - Ảnh: DASSAULT
Ngày 12-9, Thủ tướng Hi Lạp Kyriakos Mitsotakis đã công bố một chương trình mua sắm vũ khí lớn kèm theo kế hoạch "đại tu" quân đội nước này trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ tại Đông Địa Trung Hải.
Đây được cho là cuộc cải cách quân đội tham vọng nhất của Hi Lạp trong gần 2 thập kỷ qua.
Tuy nhiên sau đó, truyền thông Pháp cho biết trong gói hàng 18 chiếc Rafale chỉ có 6 chiếc là làm mới, còn lại 12 chiếc kia là mua hàng "đã xài qua chút ít", theo cách dùng từ của Thủ tướng Mitsotakis.
Theo thông tin mới nhất, các lô hàng bắt đầu được giao trong năm 2021 và hoàn tất vào đầu năm 2022.
Dẫu vậy, trong bài diễn văn ở thành phố Thessaloniki, miền Bắc Hi Lạp, ông Mitsotakis nói: "Đã đến lúc cần củng cố các lực lượng vũ trang... Những sáng kiến này sẽ tạo thành một chương trình lớn để hình thành lá chắn quốc gia".
Cũng theo Thủ tướng Mitsotakis, ngoài hợp đồng 18 máy bay chiến đấu Rafale do Pháp chế tạo, Hi Lạp sẽ mua 4 tàu khu trục hạm đa nhiệm và 4 máy bay trực thăng hải quân, đồng thời tuyển thêm 15.000 binh sĩ và dồn các nguồn lực cho ngành công nghiệp vũ khí quốc gia cũng như chiến lược phòng thủ trước các cuộc tấn công mạng.
Ngoài ra, chương trình cũng bao gồm việc nâng cấp 4 tàu khu trục hiện có và tạo ra hàng ngàn việc làm mới.
Thủ tướng Mitsotakis được cho là đề ra kế hoạch mua sắm vũ khí nói trên sau cuộc đàm phán với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị thượng định các nhà lãnh đạo Nam Âu trong tuần qua tại Corsica. Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ Hi Lạp trong căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.
Đương nhiên, bên vui sướng hơn cả là hãng Dassault chế tạo Rafale và Bộ Quốc phòng Pháp. Tính đến nay, Hi Lạp là quốc gia châu Âu đầu tiên mua máy bay Rafale. Các khách hàng của Dassault không nhiều, chỉ có thể điểm qua vài cái tên như Ai Cập, Qatar, Ấn Độ.
Tàu thăm dò địa chất Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AFP
Quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng sau khi Ankara triển khai thăm dò dầu khí ở Đông Địa Trung Hải, nơi hai quốc gia thành viên khác của EU là Cộng hòa Cyprus và Hi Lạp cũng xác nhận chủ quyền.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây triển khai tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hi Lạp ở Đông Địa Trung Hải nên đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước, thậm chí hai nước tiếp tục leo thang căng thẳng với nhiều hoạt động quân sự trên biển.
Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực Đông Địa Trung Hải trong những năm gần đây càng làm dấy lên một cuộc tranh giành nguồn tài nguyên không chỉ giữa hai nước này mà còn cả CH Cyprus, Ai Cập và Israel.
Trong phát biểu ngày 10-9, Thứ trưởng Ngoại giao Hi Lạp Miltiadis Varvitsiotis cho rằng EU cần áp đặt trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara không rút các tàu quân sự và tàu thăm dò khí đốt khỏi vùng biển ngoài khơi Cộng hòa Cyprus.
Sau đó, căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao khi cả hai bên tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở phía Đông Địa Trung Hải, với Thổ Nhĩ Kỳ tập trận cùng Mỹ, còn Hi Lạp tập trận chung với Pháp, Ý và Cộng hòa Cyprus.
Tuy nhiên trong ngày 13-9, các dữ liệu theo dõi hàng hải của Refinitiv cho thấy tàu thăm dò địa chất Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ và hai tàu hộ tống đã quay trở lại vùng biển gần tỉnh Antalya ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận