12/09/2019 20:30 GMT+7

Đôi mắt của mẹ, giảng đường cho con

THÁI THỊNH
THÁI THỊNH

TTO - Bà Nga sinh Tuyền năm 25 tuổi, vài tháng sau thì đôi mắt bà mờ dần rồi không nhìn thấy gì nữa. Tuyền lên lớp 7 thì ba cũng mất vì ung thư gan.

Đôi mắt của mẹ, giảng đường cho con - Ảnh 1.

Đôi mắt mẹ bị mù nên mỗi bữa ăn Tuyền thường chăm lo ăn uống cho mẹ - Ảnh: THÁI THỊNH

Gia cảnh éo le, khó khăn ngày một lớn khi năm nay Hồ Đắc Sơn Tuyền bước vào giảng đường Trường ĐH Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, Bình Định) với nhiều thử thách và cần được tiếp sức hơn bao giờ hết.

Tuyền “bé hạt tiêu” không mặc cảm, tự ti với số phận của mình, nghị lực vươn lên lại đẹp như hoa hướng dương.

Cô giáo NGUYỄN THỊ NHUẦN


Con là đôi mắt của mẹ

Chúng tôi tìm đến căn nhà của mẹ con Tuyền trong một con hẻm nhỏ ở TP Quy Nhơn. Giữa gian nhà cấp bốn, bà Võ Thị Nga (48 tuổi, mẹ của Tuyền), đang bám hai tay vào vai để con dìu từng bước xuống bếp ăn trưa.

Gian bếp có lỗ hổng phía trên đón ánh sáng, Tuyền một tay lấy chiếc ghế gỗ đặt xuống rồi quay người dìu mẹ ngồi. Múc cơm, canh ra bát, Tuyền múc từng muỗng nhỏ thổi cơm đỡ nóng rồi đút cho mẹ ăn. Sợ cơm khô, mẹ khó ăn nên cứ ba muỗng cơm Tuyền lại đút cho mẹ một muỗng canh. Cứ thế, từ ngày mẹ bị mù mắt, mọi sinh hoạt của mẹ đều do anh em Tuyền chăm.

Bà Nga chia sẻ gia đình bà từng là niềm ao ước của nhiều người khi có một ngôi nhà khang trang ở TP Quy Nhơn, có tiệm kinh doanh, có con trai đầu lòng và con gái là Tuyền. Ba của Tuyền là cựu võ sĩ quyền anh Hồ Đắc Sơn, một trong số ít VĐV của thể thao Bình Định được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam tham dự SEA Games 16.

"Nhưng mọi thứ ập đến khi tôi sinh đứa thứ hai, trước khi sinh một mắt tôi đã bị mờ, sinh xong thì cả hai mắt cứ mờ dần đến lúc mù hẳn, không còn thấy gì nữa. Dù đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng đều vô vọng. Còn nỗi đau nào lớn hơn khi được ôm con vào lòng nhưng không nhìn thấy hình hài của đứa con mình sinh ra" - bà Nga bật khóc.

Bà Nga kể ba mất lúc Tuyền lên lớp 7, hai anh em chuyển qua ăn uống nhà ông bà ngoại. Bà Nga không đi đâu được, nên trước bữa ăn Tuyền thường mang cơm về cho bà. Khi đi ra ngoài, sợ mẹ ở nhà một mình buồn, Tuyền hay bật tivi cho mẹ nghe, nghe thôi chứ không xem được. Các vật dụng trong nhà, vị trí đặt nước uống, thức ăn... Tuyền đều dắt mẹ đi, chỉ tận tay nhiều lần cho quen đường rồi mới đi học.

"Lúc mới bị mù, mất đi ánh sáng mọi thứ tối tăm, tôi lúc nào cũng bứt rứt trong người, nghĩ rằng không sống nổi. Nhưng người thân động viên, Tuyền đêm nào cũng ngủ cùng tôi để trò chuyện, chia sẻ rằng mẹ yên tâm còn có chúng con đây. Bao nhiêu năm qua hai đứa con là động lực, thay thế "đôi mắt" để tôi có niềm tin sống tiếp" - bà Nga chia sẻ.

Tấm gương nghị lực của trường

Từ ngày ba mất, mẹ không còn làm việc được, hai anh em Tuyền tự lập mọi thứ.

Trưa hôm chúng tôi đến nhà Tuyền, bà Trảo Thị Tảo (78 tuổi, bà nội của Tuyền) cũng vừa đón xe đò từ huyện Hoài Ân xuống TP Quy Nhơn thăm cháu.

Bà Tảo chia sẻ điều mà bà ray rứt, thương nhất trong mấy chục năm qua là hoàn cảnh hai anh em Tuyền: "Nhiều đêm nằm nghĩ tới cháu ham học nhưng không có tiền, chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè, tôi trằn trọc không ngủ được. Hằng tháng con cháu cho tiền tôi đều để dành gom lại gửi xuống cho Tuyền mua sách vở, quần áo vì sợ nó buồn khi không được bằng bạn bằng bè".

Nói về học trò của mình, cô Nguyễn Thị Nhuần - giáo viên dạy môn ngữ văn, bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Thái Học - cho rằng dù hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, mẹ bị mù, ba mất sớm, anh trai không có việc làm, Tuyền luôn nỗ lực vươn lên, là một trong những tấm gương nghị lực của trường khi học tập ba năm liền đạt học sinh giỏi, vừa là bí thư chi đoàn, lớp phó học tập của lớp.

Với tính cách rất vui vẻ, hòa đồng với mọi người, làm việc có trách nhiệm, Tuyền là một bí thư năng động, luôn tham gia các hoạt động của nhà trường và thường có những sáng kiến trong việc quản lý chi đoàn tốt, hay giải các bài tập ở các môn học, phương pháp học hiệu quả.

Uớc mơ chữa lành đôi mắt cho mẹ

Tuyền chia sẻ với chúng tôi rằng trở thành cô giáo dạy văn là ước mơ từ nhỏ và càng hun đúc dần lên khi đi học gặp được nhiều thầy cô tâm huyết, yêu thương Tuyền. "Mình nghĩ rằng dạy môn văn để có thể giúp đỡ được nhiều học sinh có hoàn cảnh như mình" - Tuyền nói.

Tuyền chọn học sư phạm ở ĐH Quy Nhơn mà không phải các trường khác ở TP.HCM vì mong muốn được gần nhà, tiện chăm sóc mẹ. "Hiện tại mình chỉ có một tâm niệm là cố gắng học để sau này đi làm, có tiền mình sẽ đưa mẹ đi tìm cơ hội chữa mắt, để mẹ tìm lại ánh sáng, trông thấy hai anh em mình khôn lớn, trưởng thành ra sao" - Tuyền chia sẻ.

Suất học bổng Suất học bổng 'Tiếp sức đến trường' trong phòng hồi sức tích cực

TTO - Bíp... bíp... bíp... âm thanh của máy đo nhịp tim theo dõi sự sống của Lương Quang Huy (22 tuổi) vang lên đều đều trong phòng hồi sức tích cực của bệnh viện. Trong cơn mê sảng, Huy không ngừng nói: 'Mẹ ơi, con muốn đến trường'.

THÁI THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp