Bên trong phòng công nghệ VAR ở vòng chung kết Asian Cup 2019 - Ảnh: AFC
Sau VCK Asian Cup 2019, đây là lần thứ hai VAR được AFC sử dụng với mục tiêu mang lại công bằng trong cuộc đua giành vé dự Olympic 2020.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với trưởng ban trọng tài quốc gia - cựu trọng tài FIFA Dương Văn Hiền để cung cấp thêm thông tin cho người hâm mộ về công nghệ VAR.
* Khi nào VAR sẽ can thiệp vào trận đấu đang diễn ra, thưa ông?
- FIFA đưa ra 4 trường hợp VAR sẽ can thiệp, đó là: 1- Có hoặc không có bàn thắng; 2- Phạt đền hay không phạt đền; 3- Thẻ đỏ hay không thẻ đỏ; 4- Can thiệp để giúp trọng tài không bị nhầm đối tượng khi phạt thẻ, đặc biệt là với thẻ vàng thứ hai với một cầu thủ để tránh bị oan sai.
* Có bao nhiêu người làm việc trong phòng VAR?
- Theo quy định của FIFA, trong phòng VAR có tối thiểu là 5 người, bao gồm: 1 trọng tài, 1 trợ lý trọng tài, 2 chuyên viên công nghệ thông tin, 1 giám sát trọng tài (hoặc là giảng viên trọng tài).
* Trọng tài sẽ thực hiện như thế nào khi nhận thông báo từ phòng VAR?
- Khi phát hiện ra sự cố trên sân, trọng tài VAR tiếp tục theo dõi trận đấu trên sân. Trong khi đó, trợ lý trọng tài VAR sẽ quan sát, chiếu chậm lại để xác định.
Nếu như xác định được sự cố, tổ trọng tài VAR sẽ thông báo qua bộ đàm cho trọng tài trên sân để dừng trận đấu.
Tiếp đó, trọng tài sẽ chạy đến khu vực riêng để xem lại các cảnh chiếu chậm rồi đưa ra quyết định cuối cùng.
Đây là quyết định cao nhất của trọng tài điều khiển trận đấu, đội ngũ trọng tài - giám sát từ phòng VAR không được can thiệp vào quyết định cuối cùng của trọng tài chính trên sân.
Cựu trọng tài FIFA Dương Văn Hiền
* Ban huấn luyện hay cầu thủ thi đấu trên sân có được phép đề nghị trọng tài xem lại VAR hay không? Nếu có, mỗi trận được quyền khiếu nại mấy lần?
- Câu trả lời: không được phép. Thậm chí, ban huấn luyện hay cầu thủ sẽ bị cảnh cáo bằng thẻ vàng vì trọng tài cho rằng họ tạo áp lực, cản trở công việc trên sân của tổ trọng tài.
Thậm chí, cầu thủ hoặc thành viên ban huấn luyện sẽ bị phạt thẻ đỏ nếu phản ứng thái quá khi yêu cầu trọng tài phải dừng trận đấu để xem lại VAR.
Khi trọng tài xem lại VAR, tuyệt đối không ai được đến gần khu vực đặt màn ảnh truyền hình. Nếu có, người đó sẽ bị phạt thẻ đỏ.
* VAR có can thiệp vào việc cầu thủ bị phạt thẻ vàng?
- FIFA không đề cập đến việc này.
* Không hẳn rằng lúc nào VAR cũng mang lại sự chính xác tuyệt đối. Nhiều HLV, cầu thủ Giải ngoại hạng Anh liên tục đưa ra phản ứng trong thời gian gần đây với công nghệ VAR?
- Phản ứng là điều tất yếu và có thể hiểu được, bởi VAR sẽ mang lại cái lợi cho đội này và bất lợi cho đội khác.
Bên cạnh đó là sự gián đoạn của trận đấu khiến cầu thủ lẫn người xem đánh mất đi cảm hứng. Nhưng phải thừa nhận, sự can thiệp của VAR ít nhiều giúp cầu thủ giải oan hoặc sai sót của đội ngũ trọng tài giảm đi trong một trận đấu.
* Theo ông, tâm lý của cầu thủ có bị ảnh hưởng hay không khi công nghệ VAR được áp dụng?
- Có VAR hay không thì nhiệm vụ của cầu thủ là phải thi đấu theo đúng tinh thần của luật bóng đá.
Công nghệ VAR sẽ buộc các cầu thủ, nhất là hàng phòng ngự, phải cẩn trọng hơn với các động tác thừa của đôi tay như: lôi kéo, xô đẩy, túm áo... rất dễ khiến đối phương bị ngã trong vòng cấm địa dẫn tới bị phạt đền.
Mặt khác, những trò tiểu xảo, ăn vạ cũng sẽ giảm thiểu vì không thể qua mặt được ống kính ghi hình.
* Ông có lời khuyên nào với các tuyển thủ U23 VN ở giải đấu sắp tới tại Thái Lan?
- Trước các giải đấu lớn, mới nhất là SEA Games 30, nhiều thành viên ban trọng tài quốc gia được LĐBĐVN (VFF) mời đến hướng dẫn các điều luật mới, công nghệ VAR cho hai đội tuyển nữ VN và U22 VN.
Tóm lại, mọi tuyển thủ đều được trang bị kiến thức về luật, kể cả công nghệ VAR. Do đó, họ không thể biện minh cho sai phạm của mình là do không hiểu luật.
Tôi không khuyên nhủ mà chỉ nhắn gửi các tuyển thủ U23 VN: hãy tập trung vào việc thi đấu để giành chiến thắng, đừng tranh cãi với trọng tài, hạn chế phạm lỗi bằng những động tác thừa trong vòng cấm địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận