27/05/2012 21:04 GMT+7

Đời không công nghệ, đời vô nghĩa?

PHÚC DƯƠNG
PHÚC DƯƠNG

TTO - Tâm sự Tôi cô đơn vì... công nghệ của Ái Lê nhận nhiều tranh luận. Có bạn đọc đồng ý công nghệ đang khiến giới trẻ ngày càng lười giao tiếp. Nhưng có người nói nếu thiếu công nghệ đời càng vô nghĩa hơn.

Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và chia sẻ quan điểm riêng.

3lsgtJwP.jpgPhóng to

Có phải nếu thiếu vắng công nghệ, cuộc đời hết ý nghĩa? - Ảnh minh họa: từ Internet

Không có công nghệ, đời hết ý nghĩa

Khi đọc bài Tôi cô đơn vì... công nghệ, tôi đọc tới đâu thấy đúng tới đó!

Nhưng nói vậy thôi chứ cuộc sống mà không có công nghệ thì chắc cũng không còn ý nghĩa gì. Tôi là dân công nghệ thông tin, một ngày không kiểm tra email, Facebook... thì đứng ngồi không yên!

Công cụ có gì sai?

Việc gì cũng có hai mặt của nó cả, chỉ là chúng ta quá lạm dụng vào công nghệ mà thôi. Nó giúp chúng ta rất nhiều việc làm cho ta đỡ vất vả hơn.

Trong thế giới công nghệ, tôi không còn là chính mình

Ngay khi bước chân vào đại học, thế giới số đối với tôi là một cái gì đó rất mới mẻ và cao sang. Tôi có thể ngồi hàng giờ để tưởng tưựng ra một chiếc laptop nhỏ gọn, một chiếc điện thoại đa chức năng hay ngẫm nghĩ ra hình dáng của một chiếc Ipad như thế nào.

Có thể nhiều người biết sẽ nói rằng tôi bị khùng, vì một sinh viên mà trình độ chẳng khác nào... bà cụ thời xa xưa, đến cả đứa trẻ tiểu học còn biết. Nhưng đối với một người chân quê, quanh năm liên lạc với bạn bè, người thân bằng thư tay thì những thứ đó quá lạ lẫm, hiện đại.

Rồi dần dần, sống trong môi trường công nghệ số, tôi cũng thay đổi. Tôi biết đến nhiều hơn với những thiết bị số hiện đại, tôi mơ ước được nhìn thấy chiếc Smartphone sành điệu, một chiếc máy tính bảng đa chức năng, đặc biệt được sở hữu một chiếc laptop để có thể liên lạc với bạn bè thay vì những lá thư tay mà tôi đã hằng viết.

Khi tôi tiết kiệm tiền đủ để mua được một chiếc laptop, tôi xem nó như vật bất ly thân, suốt ngày mang theo bên mình mà không ai có thể sờ đến được. Mỗi buổi sáng vừa mở mắt thay vì vệ sinh cá nhân thì tôi lại nhấn nút "power" của chiếc laptop để ngay bên cạnh giường ngủ, dạo quanh một vòng trên Yahoo!, trên Facebook để xem có ai online rồi nói chuyện, có ai vừa mới bình luận trên Facebook không để gửi phản hồi.

Thậm chí, có ngày tôi ngồi như vậy đến chiều online chát chit với bạn bè. Tôi nghĩ rằng thời đại công nghệ chỉ cần ngồi một chỗ là có thể nắm được cả thế giới trong tầm tay, bất cứ mình cần một thông tin gì thì lên Google, gõ bàn phím mấy cái là có thể biết tất cả mọi thứ.

Việc viết thư tay cũng không còn là một thói quen thường ngày của tôi nữa. Công việc đó rất lạc hậu và rất tốn thời gian. Giờ đây những lời hỏi thăm đến bạn bè,những dòng tin nhắn hay những bức thư trao đổi về học hành, về công việc tôi đều gửi qua email. Tôi cập nhật tin tức, chek mail mỗi ngày để không bị bỏ sót một thông tin, hay đơn giản chỉ là một dòng tin nhắn trả lời của bạn bè.

Tôi cho rằng việc học trên mạng giờ đây rất bổ ích, không cần phải đến giảng đường để ngủ gà ngủ gật nghe giảng bài, mà chỉ cần biết thầy dạy bài nào rồi ngồi ở nhà lên mạng đọc tài liệu là mình có thể giỏi hơn mấy đứa bạn suốt ngày đến lớp nghe giảng.

Ở nhà, tôi có thể vừa đọc tài liệu vừa học những thứ khác qua mạng mà không cần trường lớp như học Anh văn trực tuyến, học kỹ năng mềm… Tôi rất tự hào về việc áp dụng công nghệ số như hiện nay.

Nhưng thực tế đã làm tôi giật mình khi tôi nhận được một bức thư của một người bạn đang học trong môi trường quân đội. Bạn ấy chia sẻ cho tôi tất cả về cuộc sống, gợi nhớ cho tôi về kỷ niệm một thời mà hiện tại tôi không có được. Tôi nhận ra mình đang bị cuốn hút vào thế giới mạng quá trầm trọng, tôi có thể quên mọi thứ mà trong quá khứ mình từng gắn bó, trân trọng.

Tôi đã để mất những niềm vui của chính mình trong thế giới thực. Bố mẹ tôi, bạn bè tôi sống không cần công nghệ số nhưng vẫn vui vẻ, gắn kết với nhau, sống với nhau bằng thế giới thực đầy ắp tình người. Tôi nhận ra mình không còn là chính mình như xưa nữa, thế giới ảo đã chôn vùi tất cả quá khứ của tôi.

Tôi chia tay vì anh ấy yêu qua... tin nhắn

Tôi đồng tình với bài viết . Công nghệ không những làm bạn "khô khan" đi mà làm hương vị của tình yêu cũng nhạt dần.

Chuyện tình của tôi thật dài và lãng mạn vô cùng! Nhưng về sau, tôi hiểu rằng đó chỉ là sự lãng mạn nhầm tưởng.

Anh ấy vừa là nhà văn, nhà biên kịch, nhà thơ và là một tiến sĩ về lý luận nữa. Lúc đầu, nhận được những tin nhắn yêu thương, nồng nàn của anh mỗi tối trước lúc đi ngủ và mỗi sáng lúc thức dậy, tôi đã rất hạnh phúc, cảm giác bồng bềnh cả trong giấc ngủ và suốt ngày làm việc hôm sau.

Nhưng rồi tôi tự thắc mắc, tại sao anh không gọi cho tôi mà chỉ nhắn tin? Tại sao anh không tới thăm tôi những lúc tôi buồn, tôi đau ốm mà chỉ nhắn tin động viên và thăm hỏi?

Có phải anh đang quá lạm dụng tin nhắn? Hay tin nhắn đang làm con người cạn dần cảm xúc và lười biếng biểu cảm bằng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói? Tôi yêu anh vô cùng. Nhưng tôi cũng đang dần chán anh đến quặn lòng! Vậy đó!

Công nghệ và hội chứng "gần mà xa"

Công nghệ, mạng xã hội... kéo con người lại gần nhau nhưng không thể khiến con người hiểu nhau. Vậy nên hội chứng "gần mà xa" tấn công người sử dụng công nghệ. Gần nhau nhưng tâm hồn không chạm được nhau, đến cuối cùng chỉ còn lại cảm giác cô đơn, trống trải vô vàn.

Công nghệ có bao giờ khiến bạn cảm thấy cô đơn không? Thời gian "chia tay" công nghệ dài nhất của bạn là bao lâu? Bạn cảm thấy sống ý nghĩa hơn hay "bứt rứt không yên"? Chúng ta nên dành cuộc đời mình cho công nghệ như thế nào là hợp lý?

Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt).

PHÚC DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp