18/10/2015 08:45 GMT+7

Đội kèn nữ xã Trọng Quan

 HẢI DƯƠNG
HẢI DƯƠNG

TT - Giờ đây trong các đám tang, lễ rước, mừng thọ... người dân xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, Thái Bình và các vùng phụ cận đã quen với hình ảnh đội kèn Tây toàn nữ chơi rất điêu luyện.

Đội nhạc nữ (chị Toan chỉ huy đi giật lùi) phục vụ một đám tang - Ảnh H.Tùng
Đội nhạc nữ (chị Toan chỉ huy đi giật lùi) phục vụ một đám tang - Ảnh H.Tùng

Chúng tôi tìm gặp đội trưởng đội kèn Nguyễn Thị Toan. Chị Toan là người gắn bó với đội ngay từ ngày đầu. Nghe hỏi, sao phụ nữ trong xã thích kèn Tây thì chị buột miệng: “Ôi! Bọn mình thích và đam mê thì chơi thôi, có gì đâu”.

Chính quyền thôn và xã chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc chị em chơi nhạc và kiếm thêm thu nhập. Đội của chị Toan mới thành lập vài năm mà họ đã chơi tốt và hay lắm, tôi đi theo họ ở mấy đám tang, lễ mừng thọ nên biết. Ở nông thôn mà chị em say sưa học kèn, chơi nhạc như thế, theo tôi là rất đáng khích lệ và ủng hộ

Ông NGUYỄN CÔNG CHÂU  (trưởng thôn Tràng Quan)

Bén duyên kèn Tây

Khoảng sáu năm trước, cha Nguyễn Văn Đạt - đứng đầu nhà thờ chính tòa giáo xứ Tràng Quan, xã Trọng Quan - đã gợi ý và động viên một số chị em, trong đó có chị Nguyễn Thị Toan, tập chơi kèn, học nhạc. Vị đức cha này đã lặn lội lên tận Hà Nội và sang làng kèn đồng ở Xuân Trường, Nam Định để tìm mua nhạc cụ.

Khi đã có một số nhạc cụ như kèn trumpet, saxophone, trombone, cornet... nhóm chị Toan bắt đầu đến nhà thờ vào các buổi tối để học nhạc. Người dạy cho đội những ngày đầu tiên ấy cũng chính là cha Đạt. Mấy chị đều không qua trường lớp âm nhạc, thậm chí học chữ chưa hết phổ thông nên lúc đầu còn rất bỡ ngỡ với mấy cây kèn Tây to đùng, nặng trịch.

“Những ngày đầu bọn mình học thổi buồn cười lắm. Có khi thổi cả buổi chẳng thành nốt nhạc nào nhưng dần cũng quen và mê mấy cây kèn Tây từ lúc nào không hay. Trước đây mấy chị em lúc nông nhàn thường đi làm cắt may, phu hồ để kiếm thêm thu nhập. Nhưng từ khi tập chơi kèn Tây chẳng thiết làm mấy việc kia nữa” - chị Toan kể lại.

Buổi tối học ở nhà thờ chưa đủ, họ lại vác kèn về nhà mình tập ngày tập đêm và người đánh giá, thẩm định họ không ai khác chính là chồng con. Dù ít tiền nhưng chị Toan đã tự bỏ tiền túi ra mua ba cây kèn saxophone cả chục triệu đồng. Nhiều chị em khác đã vay mượn thêm để quyết mua được ít nhất một cây kèn đồng cho riêng mình.

Cứ nghĩ phụ nữ liễu yếu đào tơ, nhưng để chơi được những nhạc cụ phương Tây này các chị em ở Tràng Quan cần có sức khỏe thật tốt, vì có nhiều lúc phải cầm nhạc cụ đứng hàng giờ làm lễ trong thánh đường. Ngoài sức khỏe của đôi tay, cơ thể thì các chị em phải học điều tiết hơi thở và luôn phải giữ cổ họng của mình thật tốt. “Nhiều lúc trở trời để bị viêm họng, ho thì không thể thổi được kèn đâu” - chị Toan nói.

Từ sự đam mê và người này mách người kia nên đội kèn nữ ở xã Trọng Quan đã tập trung được khoảng 30 chị em. Ở đội có bà Lê Thị Mến đã 57 tuổi vẫn miệt mài theo học thổi kèn suốt hơn năm năm qua. Đội hiện tập trung các chị em từ 30 tuổi đến gần 60 tuổi, nhưng một số em gái ít tuổi trong vùng cũng đang có mong muốn theo học.

Nâng trình độ để kiếm tiền

Khi những yêu cầu cơ bản để chơi mấy chiếc kèn Tây đã được đáp ứng thì các chị em bắt đầu nâng cao trình độ. Lúc đầu chị Toan và các nhạc công khác chỉ tập trung học và chơi một số bản nhạc trong nhà thờ kèm với vài ba bài tủ là Tình cha, Lòng mẹ... Để thổi đúng và hay mấy bài đó cũng không hề dễ dàng đối với các phụ nữ dân quê. Để nâng cao trình độ, nhà thờ đã thuê cho đội một vị nhạc sư chuyên nghiệp từ thành phố Thái Bình để truyền dạy thêm cho đội.

Phú quý sinh lễ nghĩa, khi các gia đình đã khá giả về kinh tế, trong nhà có người mất, họ muốn có một đội kèn Tây chơi những bài Tình cha, Lòng mẹ... để báo hiếu và tiễn đưa người quá cố về nơi suối vàng. Để đáp ứng nhu cầu, khoảng ba năm trở lại đây, đội kèn đồng nữ Tràng Quan đã không ngần ngại đến phục vụ các đám tang, rồi cả lễ mừng thọ, các lễ rước ở đình, chùa... Không chỉ phục vụ trong làng ngoài xã, đến tận vùng Cẩm Phả - Quảng Ninh, Hưng Yên, Nam Định mà có lời mời, đội kèn này đều nhận lời mà không tính giàu nghèo, sang hèn, so đo công cán bao nhiêu.

Với gia đình nào khá giả, khi đội kèn phục vụ cho họ một ngày một đêm ở đám tang, họ trả 5 triệu đồng tiền công rồi lại biếu thêm 2-3 triệu đồng cho cả đội như lời cảm ơn. Nhưng cũng có nhiều gia đình khó khăn, họ vẫn muốn đội nhạc đến phục vụ, nhưng khi xong việc họ chỉ đưa 2 triệu đồng, bằng giá với đám kèn ta năm người. Khi đó chia đều cho mỗi chị em cũng chỉ được 100.000 đồng dù mệt bở hơi tai, nhưng chị Toan bảo cả đội cũng chẳng ai phàn nàn gì.

Khi có tiền công, tất cả đều được chia như nhau cho mọi thành viên trong đội, không phân biệt đội trưởng, đội phó hay các nhạc công phụ. Có tháng các chị em kiếm được 5 - 6 triệu đồng từ việc chơi kèn Tây. Nghề phụ mà cho thu nhập tầm đó ở vùng nông thôn như Trọng Quan cũng tốt lắm rồi.

Chị Trần Thị Yến, một thành viên trong đội nhạc, bộc bạch trước đây chị đi phụ hồ, làm quần quật cả ngày cũng chỉ được 3 triệu đồng/tháng. Từ khi theo đội chơi nhạc có tháng mang về cho chồng con 5 - 6 triệu đồng nên thích lắm, càng chơi kèn càng ham. Chồng con ở nhà đều ủng hộ việc chơi nhạc nên chị em cũng có động lực lớn.

Nhưng dù có kiếm được tiền, mọi người vẫn luôn giữ tôn chỉ mục đích ban đầu đó là có được một đội kèn đồng nữ quy củ, đạt chất lượng nghệ thuật đại diện cho giáo xứ đi biểu diễn ở các hội thi, hội diễn...

HẢI DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp