Phóng to |
Chính giới truyền thông đã đưa đến cho tôi cảm giác cảm động, vui mừng, hi vọng khi “người đàn ông mất tích” trở về, và rồi (nhanh, phải nói là rất nhanh theo đúng cách mà người ta có thể gọi là cạnh tranh đưa tin) là cảm giác thất vọng từ cùng một sự việc.
Dường như có một cách làm việc mà chúng ta đã quen, đó là ít khi nghi ngờ ngay từ đầu trước những điều “kỳ diệu”. Giá như chúng ta có một sự nghi ngờ cần thiết, mà đúng ra cần phải như thế và nên khuyến khích như thế trước mọi sự kiện thì sẽ tốt biết bao.
Sẽ không có việc các phóng viên bây giờ mới thú nhận về sự bất ngờ khi họ đã không hề thấy có những vết sẹo trên thân thể một người 13 ngày ngâm mình trên biển với những vết lở loét. Thật khó khi đòi hỏi về sự linh cảm, nhưng chắc chắn bạn đọc có quyền đòi hỏi về sự tỉnh táo của những người cầm bút.
Tôi, và nhiều người nữa, hiểu rằng vì áp lực thông tin nhanh nhạy, cộng với sự chia sẻ và cảm thông với nạn nhân cơn bão vừa qua, nên nhà báo đã vội vàng đăng tải bài viết về sự “mất tích trở về”. Nhưng ngoài điều đó ra, phải chăng những người cầm bút đã có một lối quen là hỏi những câu hỏi, đặt những vấn đề theo hướng xuôi chiều chứ không đặt những câu hỏi ngược, những nghi vấn?
Bài học ở đây là: nếu những câu hỏi ngược, sự phản biện được trân trọng và được coi là một phần hiển nhiên và không thể tách rời trong nghiệp vụ báo chí để phấn đấu đạt tới sự thật thì báo chí sẽ không phải trả những cái giá như trong vụ việc này.
Lời tòa soạn
Trước hoàn cảnh đáng thương của các nạn nhân cơn bão Chanchu, trước áp lực thông tin thật nhanh về vụ việc, Tuổi Trẻ đã vội vàng cho đăng bài “Người mất tích trở về” (12-8) mà thiếu sự phối kiểm, tìm hiểu thông tin nhiều chiều cần thiết. Đây là sai sót nghiệp vụ mà chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Tuổi Trẻ chân thành xin lỗi bạn đọc và xem đây như một kinh nghiệm nghiệp vụ quí giá cho mình trong việc đưa thông tin đầy đủ và chính xác đến bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận