19/05/2022 14:53 GMT+7

Đôi giày của Lò Thị Thanh có gì khiến cô phạm quy, bị tước huy chương bạc SEA Games?

ĐỨC KHUÊ
ĐỨC KHUÊ

TTO - Sự cố VĐV Lò Thị Thanh của tuyển điền kinh Việt Nam bị tước HCB nội dung chạy 10.000m nữ vì mang giày sai quy định đã gây ra nhiều tranh cãi.

Đôi giày của Lò Thị Thanh có gì khiến cô phạm quy, bị tước huy chương bạc SEA Games? - Ảnh 1.

Đôi giày mà Lò Thị Thanh đã mang khi thi đấu nội dung 10.000m nữ - Ảnh: NAM TRẦN

Chung kết nội dung 10.000m nữ SEA Games 31 diễn ra vào chiều 18-5 chứng kiến Lò Thị Thanh về nhì và giành HCB (Phạm Thị Hồng Lệ giành HCV).

Dù vậy, niềm vui của Thanh không kéo dài được lâu bởi phía Singapore đã gửi đơn kiện khi cho rằng Thanh mang giày không đúng quy định.

Ban tổ chức môn điền kinh sau đó quyết định tước HCB của Lò Thị Thanh để trao cho người về thứ 3 là VĐV Khin Mar Se (Myanmar). Goh Chui Ling (Singapore) từ vị trí thứ 4 được đôn lên đứng thứ 3, giành HCĐ.

Vậy, đôi giày của Lò Thị Thanh có gì khiến cô bị tước huy chương?

Theo như quan sát, đôi giày của cô giống một đôi Saucony Endorphin Pro, có độ dày đế là 35mm.

Tài liệu ban hành trên trang chủ Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) cho biết với các nội dung từ 800m trở lên, độ dày của đế giày không được vượt quá 25mm. Nếu đúng Thanh mang một đôi Saucony Endorphin Pro thì có vẻ như cô đã phạm quy.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, cho biết: "Trước khi bước vào thi đấu, Lò Thị Thanh đã được ban tổ chức kiểm tra và xác định đôi giày ban đầu không đúng quy định. Vì vậy Thanh đã đổi giày và được chấp thuận.

Nhưng sau khi về đích, phía Singapore lại kiện cáo. Sau khi xem xét thì các trọng tài, ban tổ chức quyết định hủy kết quả của Thanh vì cho rằng đôi giày đã đổi vẫn sai quy định".

Về cái sai của Lò Thị Thanh, ông Hùng cho biết: "Quy định về giày thi đấu thì IAAF cập nhật liên tục, có khi cứ 10 ngày lại cập nhật một lần nên nhiều khi rất khó để theo dõi. Có nhiều yếu tố để một đôi giày sai quy định chứ không chỉ riêng gì phần đế.

Các trọng tài không nói cụ thể giày của Thanh sai ở chỗ nào mà chỉ nói chung chung là nó tạo ra lợi thế trong thi đấu mà thôi.

Về việc các trọng tài vẫn chấp nhận cho Thanh thi đấu rồi lại không công nhận kết quả, chúng tôi đã khiếu nại rồi nhưng họ không đồng ý. Trước khi Thanh thi đấu thì họ chỉ đưa ra khuyến cáo chung chung chứ không nói rõ là đôi giày đó sai quy định. Do đó mà VĐV tưởng rằng mình có thể sử dụng đôi giày này được".

Đề tài gây tranh cãi

Theo thời gian, thành tích của các VĐV điền kinh trên thế giới ngày càng tốt hơn. Điều này đến từ việc họ có được thể chất tốt hơn, chế độ dinh dưỡng, tập luyện được cải thiện, khoa học cũng được áp dụng nhiều hơn,…

Nhưng cùng với đó, có ý kiến cho rằng đôi giày đóng vai trò quan trọng không kém. Những năm gần đây, đề tài đôi giày được "hâm nóng" bởi những tranh cãi về sự bất công. Một trong những hãng đi tiên phong về công nghệ nhưng cũng tạo ra nhiều tranh cãi là Nike.

Năm 2019, huyền thoại marathon người Kenya Eliud Kipchoge tham gia một sự kiện đặc biệt có tên Ineos 1:59 Challenge. Kipchoge về đích với thời gian là 1 giờ 59 giây 40, trở thành người đầu tiên phá vỡ giới hạn 2 giờ của marathon.

Khi đó, Kipchoge đã lựa chọn mang đôi Nike Vaporfly để thực hiện thử thách. Đôi giày này có đế dày, cấu tạo như một chiếc lò xo, được cho là hỗ trợ VĐV chạy nhanh hơn. IAAF không công nhận chính thức kỷ lục mà Kipchoge xác lập ở Ineos 1:59 Challenge.

merlin_143807904_da5a8e92-769a-4d15-85b1-c86438dcef93-jumbo

Huyền thoại Eliud Kipchoge từng sử dụng đôi Vaporfly để chạy marathon dưới 2 giờ - Ảnh: GETTY

Trước thềm Olympic Tokyo, IAAF đã ban bố những quy định đặc biệt. Nike gặp may khi đôi Vaporfly không bị cấm sử dụng. Dù vậy, IAAF cũng đã phải ban hành quy định rằng các loại giày ở nội dung marathon không được phép có đế dày quá 40mm. Các quy định về giày của IAAF nhằm duy trì sự công bằng trong thi đấu giữa các VĐV.

Một đôi giày khác gây tranh cãi ở Olympic Tokyo là đôi Nike Air Zoom Victory, còn được biết đến với biệt danh "super spikes". Nó cũng sở hữu những công nghệ được đánh giá là giúp VĐV đạt hiệu suất tốt hơn và cũng không bị cấm.

Tại hai nội dung 400m rào nam và nữ, những người giành HCV lần lượt là Karsten Warholm và Sydney McLaughlin đều mang đôi giày này và đều phá kỷ lục thế giới.

Trước thềm Olympic Tokyo, huyền thoại Usain Bolt đã chỉ trích quyết định cho phép dùng đôi "super spike" vì cho rằng nó khiến việc thi đấu trở nên không bằng. Anh thậm chí tuyên bố nếu được mang đôi này khi còn thi đấu, anh đã bỏ xa kỷ lục thế giới nội dung 100m do chính mình xác lập (9,58 giây).

Tuy nhiên, có nhiều người chỉ ra rằng bản thân Usain Bolt cũng không thật sự công bằng. Tại Olympic Rio 2016, đôi giày của Bolt được đánh giá là đạt hiệu quả tốt hơn 4% so với những loại giày khác, qua đó giúp anh giành HCV.

Lò Thị Thanh bị tước huy chương bạc nội dung 10.000m Lò Thị Thanh bị tước huy chương bạc nội dung 10.000m

TTO - Vận động viên Lò Thị Thanh của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã bị ban tổ chức tước huy chương bạc nội dung chạy 10.000m tại SEA Games 31 vào tối 18-5 vì lỗi đi giày không đúng quy định.

ĐỨC KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp