03/11/2022 09:10 GMT+7

'Đói' đơn hàng, doanh nghiệp gặp khó

NGUYỄN TRÍ
NGUYỄN TRÍ

TTO - Dù được hưởng lợi lớn khi tỉ giá USD tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu trong các lĩnh vực như da giày, may mặc, đồ gỗ... vẫn không thể vui do đơn hàng sụt giảm mạnh, phải thu hẹp, thậm chí phải ngừng sản xuất.

Đói đơn hàng, doanh nghiệp gặp khó - Ảnh 1.

Các công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Vexos Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ... đã phải đóng dây chuyền, ngừng sản xuất và sa thải lao động. 

Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình khó khăn dự báo sẽ kéo dài sang năm 2023, nên các doanh nghiệp cần sớm có kế hoạch ứng phó dài hạn, nhanh chóng tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng thêm thị trường, đặc biệt khu vực còn ổn định, ít lạm phát.

Sản xuất thời trang lo đóng cửa

Nhiều tuần qua, ông Vũ Hoàng Minh - giám đốc một doanh nghiệp gia công mặt hàng giày da tại TP.HCM - cho biết dù đã cắt giảm 20% trong số hơn 150 lao động nhưng đơn vị phải tìm phương án cắt giảm thêm khoảng 20% do đơn hàng thiếu trầm trọng.

"Hơn một tháng qua, chúng tôi phải luân phiên cho công nhân nghỉ, nhưng các chi phí vẫn không giảm nhiều, trong đó quỹ lương hơn 1 tỉ đồng mỗi tháng là áp lực quá lớn khi đơn hàng giảm 40%", ông Minh than.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh, phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM, xác nhận nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng giảm mạnh. 

Cụ thể, sản lượng xuất khẩu đã giảm ít nhất 30% so với lúc ổn định, trong đó Mỹ và châu Âu chiếm khoảng 60-70% lượng hàng giày da xuất khẩu của VN nhưng đang giảm mạnh lượng mua vì người dân thắt chặt chi tiêu.

"Nhiều đối tác thời điểm này ngưng hẳn nhập khẩu vì lượng hàng tồn kho đang nhiều, một số cam kết sẽ nhập thêm nhưng chỉ khi nào hàng tồn được bán hết, nhưng khi nào bán hết thì không ai khẳng định. Các khó khăn trên khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng", ông Khánh thông tin.

Tương tự, đại diện Hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết đơn hàng xuất khẩu đến tháng 9-2022 vẫn ổn nhờ các hợp đồng được ký kết trước đó, còn thực tế từ cuối tháng 7-2022 nhu cầu thế giới đã có dấu hiệu giảm và giảm liên tục đến nay, đặc biệt hai thị trường lớn là Mỹ và châu Âu.

"Mọi năm, nhiều đối tác đã tất bật đặt hàng cho năm tới nhưng thời điểm này việc đặt hàng cho năm tới rất hạn chế. 

Trong quý 4 năm nay và khả năng quý 1 năm tới, ngành dệt may sẽ gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp có thể bị giảm 50% đơn hàng", vị này nói và nhận định hàng loạt doanh nghiệp nhỏ với quy mô vài trăm lao động trở xuống có nguy cơ phải đóng cửa vì không đủ vốn để xoay xở.

Đói đơn hàng, doanh nghiệp gặp khó - Ảnh 2.

Hàng thực phẩm cũng gặp áp lực vì nhu cầu đối tác nước ngoài sụt giảm - Ảnh: N.TRÍ

Hàng lương thực thực phẩm gặp áp lực lớn

Tương tự, nhiều mặt hàng lương thực thực phẩm cũng đang đối mặt với tình trạng sụt giảm đơn hàng. Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Bạch Khánh Nhựt - phó chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) - cho biết tỉ giá USD tăng nhưng tính ra doanh nghiệp không vui nổi vì nhu cầu thế giới giảm khiến ngành điều rơi vào giai đoạn ảm đạm với mức tiêu thụ đang giảm ít nhất 20-25% so với lúc ổn định.

Đặc biệt, do ảnh hưởng từ chính trị thế giới bất ổn, lạm phát tăng cao nên sức tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ (chiếm khoảng 30% lượng xuất) và châu Âu (chiếm 25%) đều kém đi rõ rệt, người dân không dành tiền cho các mặt hàng không thiết yếu như hạt điều. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc (chiếm 25%) cũng gặp khó vì ảnh hưởng dịch COVID-19.

"Có lợi được từ tỉ giá nhưng lượng hàng sụt giảm mạnh nên tính ra khó khăn nhiều hơn là thuận lợi. Ngành điều sẽ ảm đạm trong các tháng tới, giá bán khó tăng trở lại, thậm chí khó khăn có thể kéo dài sang năm 2023 nếu lạm phát không hạ nhiệt", ông Nhựt nhận định.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu VN cũng cho biết do nhu cầu tiêu thụ chậm nên giá sản phẩm này chỉ còn 56.500 đồng/kg, giảm đến 30.000 đồng so với đầu năm, và là "giá đáy" của hơn một năm qua, nhưng vẫn có khả năng sẽ còn giảm thêm.

"Lạm phát gia tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn của VN là Mỹ, khiến khách hàng giảm lượng mua, trong khi lượng bán ra lại tăng vì nhiều nhà thu mua bán tháo để xử lý nợ, càng khiến giá bán hồ tiêu giảm liên tục".

Với mặt hàng bún, phở, bánh tráng..., đại diện Công ty thực phẩm Duy Anh (TP.HCM) cho biết hiện lượng xuất đi giảm khoảng 30% so với lúc tốt năm ngoái, trong đó châu Âu có mức giảm mạnh nhất. 

"Do hàng bán chậm nên nhiều đối tác đã xin dời lại thời hạn nhập hàng, phổ biến là trễ hơn 2-3 tháng so với lúc ổn định. Dời thời hạn nhập hàng khiến nhiều thời điểm đơn vị bị động sản xuất, chạy không đủ công suất máy", vị này thông tin.

Phải cắt giảm lao động, tìm thị trường mới...

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, việc cắt giảm chi phí thời điểm này là cần thiết, trong đó có thể nghĩ đến phương án cắt giảm lao động một cách phù hợp, hoặc giảm giờ làm bằng cách cho sản xuất luân phiên, nghỉ cuối tuần... 

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần khẩn trương tìm kiếm thêm thị trường mới, thị trường chưa được khai thác nhiều như châu Phi, khu vực Trung Đông... để bù đắp phần nào đơn hàng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may VN, cũng cho rằng với hơn 100 triệu dân, dư địa thị trường trong nước vẫn còn, doanh nghiệp cần sớm có phương án tận dụng. 

Ngoài ra, khai thác triệt để thị trường vừa được ưu đãi về thuế suất như châu Âu hoặc tăng mạnh khai thác ở các thị trường lân cận, còn ổn định như khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc...

"Nếu sớm có cách tiếp cận phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế phần nào sự sụt giảm đơn hàng để vượt qua năm nay, khỏe hơn khi đơn hàng có thể tăng dần trở lại trong năm tới. 

Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp cần sớm tăng mạnh tự động hóa trong sản xuất để tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh trong thời điểm khách hàng ngày càng ưu tiên về giá", bà Mai nói.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, các doanh nghiệp cần hạn chế bung vốn sản xuất thời điểm này, thậm chí xem xét thu nhỏ quy mô, chỉ nên ưu tiên những mặt hàng có nhu cầu tốt, giá tốt nhờ yếu tố thời vụ, đặc biệt Mỹ, châu Âu cũng có những mùa cao điểm và thấp điểm đối với nhập hàng từ VN.

Ngoài ra, với hạn sử dụng có thể 2-3 năm, doanh nghiệp nên gia tăng mạnh chế biến sâu để duy trì được sản xuất và không quá áp lực về người mua...

Đói đơn hàng, doanh nghiệp gặp khó - Ảnh 3.

Nhiều doanh nghiệp may mặc đang gặp khó vì lượng hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh - Ảnh: Q.ĐỊNH

Nhiều công ty đóng xưởng, cho công nhân nghỉ việc

Cuối tháng 10 vừa qua, nhiều công ty sản xuất quy mô từ 100-200 đến hơn 1.000 lao động đã thông báo đóng xưởng, cho công nhân nghỉ việc với lý do thiếu đơn hàng.

Anh Nguyễn Ngọc Nhân (40 tuổi), công nhân Công ty TNHH Ta Shuan (KCN Tân Tạo), cho biết công ty này vừa thông báo đóng cửa từ 5-11 nên dù vẫn còn đến xưởng làm nhưng tinh thần của công nhân rất uể oải. "Tôi đã làm ở công ty 20 năm, qua được đợt dịch tưởng sẽ dần ổn định nhưng giờ lại cho nghỉ hẳn, chưa biết tính sao", anh Nhân chia sẻ.

Khoảng ba tháng trước, công ty đã không còn cho công nhân tăng ca, thường xuyên nghỉ thứ bảy, chủ nhật, "có những tuần chỉ làm bốn ngày".

Theo thông báo của Công ty Ta Shuan, do khách hàng tạm ngưng kinh doanh, không tiếp tục đặt hàng nên công ty hết đơn hàng, tài chính công ty khó khăn, buộc phải cho công nhân nghỉ không lương trong thời gian ba tháng.

Tương tự, Công ty TNHH Tỉ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) cũng vừa thông báo chấm dứt hợp đồng với gần 1.200 người lao động kể từ 1-12 do không có đơn hàng, bởi "dù đã tìm mọi cách nhưng không thể phục hồi như kế hoạch".

VŨ THỦY

Xoay xở để công nhân được tăng ca

Chị Cao Thị Huỳnh Giao, công nhân Công ty TNHH Vexos VN, KCX Tân Thuận (quận 7), cho biết do đơn hàng chững lại, không được tăng ca nhiều, nên mức lương chỉ còn hơn 6 triệu đồng/tháng thay vì 9-10 triệu đồng/tháng khi tăng ca nhiều.

Tuy nhiên, theo chị Giao, dù sao vẫn còn việc làm, chứ nhiều công nhân đang mất việc làm do hàng loạt công ty thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng dây chuyền do thiếu đơn hàng.

Anh Nguyễn Huỳnh Thanh Sơn - tổ phó sản xuất của doanh nghiệp này - cho biết bình thường dây chuyền gắn linh kiện mà anh đang điều hành chạy bốn line, nhưng nay chỉ chạy ba line, các nhân công trong dây chuyền phải tạm thời chuyển sang choàng gánh những công việc khác của công ty.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, do đơn hàng giảm, linh kiện nhập khẩu cũng không về đầy đủ nên nhà máy phải điều chỉnh sản xuất, giảm tăng ca.

Nếu công nhân nào quyết định nghỉ việc, nhà máy sẽ thanh toán hai tháng tiền lương cơ bản và tiếp tục nhận vào làm việc trở lại nếu tình hình đơn hàng ổn hơn. "Số giờ lao động của các công nhân này sẽ được bù vào cho các công nhân khác để tăng ca, người lao động có thêm thu nhập", vị này cho biết.

NGỌC HIỂN

Bình Dương: giảm việc, nhưng vẫn được trả lương

Ngày 2-11, trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết trong số 800.000 lao động tại các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở, có tới 240.000 lao động phải nghỉ việc ngày thứ bảy hoặc làm cách nhật, chiếm khoảng 30% tổng số lao động, xảy ra nhiều nhất tại các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và giày, may mặc... do thiếu đơn hàng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp có kế hoạch giảm sản xuất nhưng vẫn nỗ lực trả lương ngừng việc cho người lao động.

Tại Công ty TNHH Chí Hùng (thị xã Tân Uyên, có khoảng 10.000 lao động) có kế hoạch ngừng việc 8 ngày/tháng trong ba tháng (từ tháng 11-2022 đến tháng 1-2023), nhưng vẫn trả lương ngừng việc là 180.000 đồng/ngày.

Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (thành phố Thuận An) cũng dự kiến ngưng việc 6 ngày trong tháng (một số bộ phận nghỉ từ 8 - 20 ngày/tháng) kể từ tháng 11-2022, nhưng vẫn trả lương cho công nhân 196.000 đồng/ngày.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết sẽ phối hợp với các sở, ngành để có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về việc giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động.

BÁ SƠN

92% doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số, nhưng không biết bắt đầu từ đâu 92% doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số, nhưng không biết bắt đầu từ đâu

TTO - Kết quả một khảo sát từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa) cho thấy, có 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số.

NGUYỄN TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp