Thạnh Mỹ, ngôi làng thanh niên lập nghiệp ở vùng núi phía tây Quảng Nam, nằm trên một ngọn đồi với 60 hộ dân đều là những người trẻ chí thú đổi đời.
Gieo mầm xanh trên núi đá
Con đường bê tông dẫn vào làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam) qua một con dốc dựng đứng, những dãy nhà xếp liền kề hai bên đường. Nhà cửa sạch sẽ, khang trang, trước cổng đều treo cờ Tổ quốc, vườn rợp cây trái...
Những người trẻ đến lập nghiệp ở đây như hành trình gieo mầm xanh trên đá, khi nhát cuốc bập xuống là đá vôi. Nó đã bị bỏ hoang, mặc cho cây rừng mọc được gì thì mọc.
"Hồi mới lập làng đất đai nơi đây khô cằn, không nghĩ trồng cây ăn quả được đâu, giờ đây anh đi khắp làng, nhà nào cũng có mảnh vườn đầy cây trái" - anh Nguyễn Ngọc Thu, cán bộ tổng đội Thanh niên xung phong Quảng Nam, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và phát triển làng, khoe.
Người Cơ Tu ở tuổi 37, Arất Bước, một cư dân của làng, hì hục chăm sóc khu vườn nhà mình với đủ loại cây trái. Bảy năm trước, chàng trai chẳng có cái nghề ổn định, khi có vợ, sinh được một đứa con, ở ké nhà ba mẹ.
Nghe làng thanh niên lập nghiệp được xây dựng, Bước cùng những chàng trai Cơ Tu trong làng đăng ký. "Hồi đó được cấp đất ở, được hỗ trợ vài chục triệu làm nhà, rồi được cấp gà, heo giống kèm sáu tháng gạo ăn. Có được vốn bước đầu, mừng lắm", Bước kể.
Được cán bộ tổng đội Thanh niên xung phong hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, từ đó chàng trai trẻ chí thú làm ăn.
Rẫy thì trồng keo, lúa, bắp, làm trang trại nuôi bò, heo, mảnh vườn được Bước trồng cây ăn quả phủ kín.
Mỗi năm, từ mảnh vườn, rẫy, Bước cũng kiếm tiền trăm triệu, cộng với lương hợp đồng 3 triệu với tổng đội Thanh niên xung phong và vài triệu đồng từ nghề nấu ăn của vợ, gia đình Bước không phải lo cái đói bủa vây như xưa, yên tâm nuôi ba đứa con ăn học.
"Từ khi lên làng lập nghiệp, cuộc sống của mình đã có nhiều sự đổi thay, ổn định hơn lúc trước", anh nói.
Không cho đất trống
Ban ngày đi đầu làng tới cuối xóm, nhà nào cũng cửa đóng then cài, vắng lặng. Anh Thu cười xòa: "Lạ không! Ai cũng lên rẫy, làm trang trại, lấy đâu ra người. Ở đây muốn gặp được dân thì chỉ có chiều tối thôi".
Không cho đất trống, đó là những gì thấy được ở ngôi làng. Đất đâu, mầm xanh hiện diện ở đó.
Lom khom trên đám rẫy rộng hơn 1ha, một phụ nữ đang chăm chút cho ruộng rau đậu kết hợp trồng cây ăn trái của nhà mình.
Chị Hôih Thị Aví nói rằng từ khi gia đình lên đây lập nghiệp, có đất được cấp, tùy mùa mà vợ chồng chị chọn loại cây trồng phù hợp. Mùa này chị trồng đậu, rau cải, rau má, rau khoai kết hợp với cây ăn quả như chuối, bưởi, ổi. Cả khu đồi rẫy thênh thang chẳng khoảng trống nào không rợp màu xanh.
Sao trồng nhiều vậy? Đáp lại, Aví cười: "Muốn khá thì trước hết phải tự phục vụ cho mình đã. Những năm dịch bệnh, dù bị phong tỏa nhưng nhờ mảnh vườn này, gia đình không thiếu cái ăn".
Gần nhà Aví là nhà Hồ Xuân Bình, bộ đội xuất ngũ. Dạo khu vườn kết hợp trang trại nuôi heo, gà không khỏi ngạc nhiên với cái cách người trẻ phát triển kinh tế ở đây. Vườn chanh không hạt nhà anh trĩu quả.
Xen kẽ chanh là những hàng ổi, mít thẳng tắp. Đàn gà hàng trăm con được nuôi thả dưới mảnh vườn xanh mướt. Mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp của anh là mô hình điểm phát triển kinh tế ở làng. Cách làm ăn của những người trẻ ở đây khác hẳn, bài bản, có toan tính và bền chí.
Người góp công thầm lặng
Vườn bưởi da xanh ở đầu làng với hơn 300 cây mùa này đã cho đợt quả đầu tiên. "Vườn đó được chúng tôi trồng thử nghiệm đã được bốn năm rồi. Cắm được cây bưởi ở đất này, sinh trưởng, phát triển, cho quả vậy, mồ hôi đổ xuống không biết bao nhiêu", anh Nguyễn Ngọc Thu bộc bạch.
Tám năm trước, khi làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ được xây dựng, người cán bộ của tổng đội Thanh niên xung phong nhận lệnh ngược núi, vào làng với công việc vừa quản lý làng vừa là cánh tay đắc lực của tổng đội hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi giúp các hộ thanh niên trẻ.
Anh thực hiện một mô hình điểm để bà con thấy mà làm theo. "Rút kinh nghiệm từ những ngôi làng khác đã thất bại, làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ phải có một kế hoạch dài hơi, vạch ra chiến lược, các hộ phát triển theo hình mẫu của mình, mình làm được rồi anh em cố gắng làm theo", anh Thu kể.
"Trồng cây gì, nuôi con nào?", câu hỏi đó cứ lởn vởn trong đầu người cán bộ trẻ, rồi thử nghiệm, bưởi là cây được anh chọn để trồng. Và trang trại gà, kết hợp nuôi heo bản địa cũng thực hiện song song.
Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả, anh triển khai cho bà con cùng làm. Anh hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm mình tích lũy được để bà con cùng làm. "Mình và bà con là quan hệ cộng sinh. Mình chịu trách nhiệm coi sóc, hướng dẫn họ làm ăn sinh sống, theo dõi sự phát triển của họ từng ngày", anh Thu kể.
Cả 60 hộ thanh niên lên đây lập nghiệp ai cũng dần có cơ ngơi vững chãi với vườn cây và chuồng trại. Thanh niên làng đều chí thú làm ăn, không một ai phải bỏ làng rời đi. Đổi lại, làng bao nhiêu tuổi thì anh Thu chừng đó năm xa vợ con ở đồng bằng, một mình ở khu nhà hành chính của tổng đội để giúp đỡ người dân làm kinh tế.
Chăm chỉ làm ăn, nhiều thanh niên lập nghiệp trở thành đội viên tổng đội Thanh niên xung phong, được ký hợp đồng, phân công nhiệm vụ tham gia trồng trọt, chăn nuôi cho làng. Arất Bước và Hiên Chưu giờ đã trở thành trợ thủ đắc lực cho anh Thu. Ngoài chăm sóc các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, hai người này còn hướng dẫn bà con các kỹ thuật. Mỗi tháng họ được trợ cấp khoảng 3 triệu đồng.
Người trẻ của chính ngôi làng này giờ đây quay trở lại giúp những người trẻ mới đến ở làm ăn, phát triển kinh tế, như một điểm nhấn thú vị đúng nghĩa với cái tên làng thanh niên lập nghiệp.
Ở đó, đá đã nở hoa cùng cuộc đổi đời của những người trẻ.
Đứng ở vườn bưởi, ổi, măng cụt rộng thênh thang trên ngọn đồi, anh Thu mường tượng một giấc mơ trong tương lai Thạnh Mỹ sẽ trở thành ngôi làng du lịch cộng đồng kết hợp phát triển kinh tế, bà con được hưởng lợi.
Anh ra vườn hái một quả bưởi mời khách. Vị chua kèm ngọt thanh, nó như kết quả của một hành trình đẫm mồ hôi và khao khát tuổi trẻ.
Chục năm trước, Tỉnh đoàn Quảng Nam khởi công làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ và đây là ngôi làng đầu tiên được khởi công trong tổng số 15 làng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2013 - 2020.
Thạnh Mỹ là một trong 15 làng được Trung ương Đoàn đầu tư nhằm thực hiện chương trình của Chính phủ về giãn dân trên đường Hồ Chí Minh, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp. Đến năm 2017 những cư dân trẻ đầu tiên đã được đưa vào làng dựng nhà, mỗi hộ được cấp 600m2 đất ở, vườn và khoảng 3.000m2 đất rẫy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận