Phóng to |
GS Trần Thanh Vân lắng nghe Phan Văn Đại kể lại quá trình vươn lên từ khi được nhận học bổng Gặp gỡ VN và Vallet - Ảnh: H.N. |
Bạn trẻ ấy tên Phan Văn Đại, 26 tuổi, hiện là nhân viên kinh doanh tại một công ty đa quốc gia. Số phận đã giúp Đại được nhận học bổng ngay khi cha mẹ quyết định không cho cậu đi tiếp trên con đường học vấn, và bảy năm sau, trong một chuyến công tác tình cờ đến Quy Nhơn, Đại đã được gặp lại GS Vân, để nói với thầy một lời tri ân.
Tuổi thơ cơ cực
Đại là con giữa trong một gia đình nghèo ở xã Đông Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Bố mẹ làm nông nhưng lúa thu hoạch mỗi vụ chỉ đủ cho cả nhà sống qua ngày nên ngay từ nhỏ Đại đã phải bươn chải kiếm sống. Năm 1995, mẹ sinh em trai, nhà thêm khó khăn, chị gái Đại - lúc đó mới 12 tuổi - phải nhường phần được đi học cho Đại, còn mình đi làm phụ bố mẹ nuôi em.
Ba năm cấp III, Đại luôn đứng đầu lớp. Vừa học giỏi, vừa năng nổ trong các hoạt động văn thể của trường, ba năm liền Đại được thầy cô và các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. Ban ngày Đại đi học, đêm xuống đi kéo lưới thuê. Kỷ niệm tuổi thơ của Đại gắn với những đêm mùa đông dầm mình dưới sông trong cái rét 120C để được 8.000-10.000 đồng, đêm nào nhiều thì kiếm được 15.000-20.000 đồng. Thường thường Đại đi kéo lưới từ 20g-24g, cũng có khi từ 0g-6g sáng.
Đến ngày thi đại học, bố mẹ bảo: “Nếu muốn thi ĐH thì phải thi trường khối quân đội vì khối trường này sẽ được Nhà nước nuôi”. Đại vâng lời đăng ký thi Học viện Hải quân khối A nhưng cũng đăng ký thêm Trường ĐH Nông lâm Huế khối B và chỉ đậu ĐH Nông lâm.
Nhớ lại ngày ấy, Đại cho biết trong anh là buồn vui lẫn lộn, chưa kịp vui vì là một trong số ít học sinh Trường THPT số 1 Bố Trạch đậu nguyện vọng 1 đại học, thì đã buồn vì bố mẹ bảo không thể đi học vì nhà không có tiền. Đang rối bời và hụt hẫng thì nhận được thông báo đi nhận học bổng của Quỹ học bổng Gặp gỡ VN và Vallet.
1,3 triệu đồng thay đổi một số phận
Trong buổi gặp gỡ rất ngắn ngủi giữa giáo sư Trần Thanh Vân và Phan Văn Đại, giáo sư Vân không thể nhớ ra Đại, một trong hàng trăm học sinh Quảng Bình đã được nhận học bổng Gặp gỡ VN và Vallet năm 2006, nhưng ánh mắt của giáo sư lấp lánh niềm vui nhất là khi nghe Đại khoe: “Nhờ suất học bổng mà cháu đã được đi học và bây giờ nhà cháu hết nghèo”. Năm 2001 Hội khoa học Gặp gỡ VN đã lập quỹ học bổng Gặp gỡ VN và Vallet, tính đến năm 2012 đã trao tặng hơn 20.000 suất học bổng với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng các học sinh, sinh viên xuất sắc trên cả nước. Năm 2013, quỹ học bổng Gặp gỡ VN sẽ trao 2.250 suất học bổng với tổng giá trị lên đến hơn 23,5 tỉ đồng. |
Khi Đại được nhận học bổng của Quỹ học bổng Gặp gỡ VN và Vallet, bố mẹ anh hết sức mừng vui và thay đổi hẳn suy nghĩ về việc học hành. Mẹ Đại bảo: “Tau và bố mi sẽ chịu khó làm thuê và vay mượn để cho mi ăn học”. Suất học bổng trị giá 1,3 triệu đồng chưa đủ học phí của năm học đầu tiên nhưng giá trị tinh thần của nó đã làm thay đổi cả cuộc đời Phan Văn Đại.
Ngoài việc cật lực đi làm thợ hồ và phụ hồ, bố mẹ Đại đã bán chiếc khuyên tai, tài sản có giá trị nhất lúc đó của gia đình và vay ngân hàng được 40 triệu đồng để có tiền nuôi con ăn học. Ngoài giờ học, Đại đi dạy kèm, phụ hồ để kiếm tiền trang trải đỡ gánh nặng cho bố mẹ. Những lúc rảnh rỗi, Đại tự học thêm tiếng Anh, dành dụm được đồng nào Đại lại mua sách học tiếng Anh. Suốt năm năm học ở Huế, mỗi lần ra công viên trước trường, thấy khách du lịch nước ngoài là Đại xông vào nói chuyện, cứ thế kỹ năng tiếng Anh tốt lên lúc nào không hay. Năm cuối đại học, khi các công ty nước ngoài đến trường phỏng vấn tuyển dụng, Đại đã trúng tuyển ngay vào cả ba công ty và Đại chọn một trong số đó để gắn bó đến hôm nay.
Đến ngày gặp lại GS Trần Thanh Vân, Đại đã đi làm được đúng hai năm, hai tháng. Đại làm việc ở chi nhánh Đắk Lắk nhưng thường xuyên đi công tác ở các tỉnh và trong chuyến đi họp tại Quy Nhơn, như một duyên may, Đại đã được gặp lại người ơn của mình.
“Nếu không có suất học bổng ấy, có lẽ hôm nay tôi đang là phụ hồ ở quê nhà Quảng Bình, hoặc cũng như các bạn khác vay mượn một số tiền để đi xuất khẩu lao động. Với nhiều người số tiền 1,3 triệu ấy có thể là nhỏ, nhưng đã thay đổi toàn bộ cuộc đời tôi, mở ra cho tôi một tương lai. Sau hơn hai năm đi làm, tôi đã trả hết được số nợ bố mẹ vay mượn cho tôi đi học, sửa được nhà cho bố mẹ, sắm cho bố mẹ vài món đồ đạc và tôi có thể thay bố mẹ nuôi em trai ăn học tử tế, em tôi vừa nhận giấy báo đậu đại học, cũng là ngôi trường tôi đã học” - Phan Văn Đại chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận