28/06/2020 07:12 GMT+7

Đối đầu trong gia tộc Lý Hiển Long

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử Singapore (10-7), chính trường nước này đã xuất hiện những diễn biến đáng chú ý. Em trai Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Lý Hiển Dương, đã gia nhập Đảng Tiến bộ Singapore (PSP), đảng đối lập với đảng của anh trai.

Đối đầu trong gia tộc Lý Hiển Long - Ảnh 1.

Ba anh em, hai hướng: Lý Hiển Long, Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương - Ảnh: Today Online

Việc ông Lý Hiển Dương gia nhập PSP, đối thủ của Đảng Nhân dân hành động (PAP), tạo ra suy đoán rằng ông Lý Hiển Dương sẽ tham gia, làm ứng viên tranh cử cho PSP ngày 10-7 tới.

PSP ngày 26-6 ra danh sách 6 người cuối cùng thuộc nhóm tổng cộng 24 ứng viên cho đợt tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng trái với dự đoán, cái tên Lý Hiển Dương đã không xuất hiện.

Ngay lúc này, giữ cho Singapore tiến bước, bay thẳng và đi lên an toàn qua cơn khủng hoảng là ưu tiên cấp thiết và vấn đề nan giải nhất đối với chính phủ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Xung quanh ngôi nhà 38 đường Oxley

Danh sách cuối cùng cho cuộc bầu cử sẽ chốt vào ngày đề cử 30-6. Theo chủ tịch PSP Tan Cheng Bock, trong chính trị, mọi thay đổi đều có thể xảy ra, nên lúc này tất cả không còn cách nào khác ngoài chờ đợi diễn biến tiếp theo.

Điều này cũng có thể xem như một cách ông Tan để ngỏ khả năng ông Lý Hiển Dương sẽ góp mặt một cách đầy bất ngờ nào đó. Tuy vậy, theo đánh giá của tờ Straits Times ngày 27-6, nhiều khả năng ông Lý Hiển Dương sẽ không được đề cử.

Trong khi PAP là đảng cầm quyền, vốn được thành lập từ thời cố thủ tướng Lý Quang Diệu, PSP đang mong tạo ra sự thay đổi. Việc xuất hiện cái tên Lý Hiển Dương trước thềm bầu cử là một cú "épphê" đáng giá, ít nhất xét về mặt truyền thông.

Ông Lý Hiển Dương cùng chị gái Lý Vỹ Linh lâu nay là tâm điểm trong câu chuyện lục đục nhà Thủ tướng Lý Hiển Long.

Hồi năm 2017, chị em Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương từng công bố một bức thư dài 6 trang, trong đó bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương nhắm vào ba vấn đề chính: số phận của ngôi nhà số 38 đường Oxley; biểu hiện lạm dụng quyền lực của ông Lý Hiển Long và tham vọng chính trị của ông Lý Hiển Long cho đời sau - con trai mình.

Ngôi nhà số 38 đường Oxley chính là nơi cha của ba người, ông Lý Quang Diệu, sinh sống cả đời. Ông Lý Quang Diệu là biểu tượng cho sự vươn lên thần kỳ của Singapore, và ngôi nhà ấy được cho sẽ là một di sản, là địa điểm để tưởng nhớ công lao của ông.

Chị em Lý Vỹ Linh và Lý Hiển Dương muốn đập bỏ ngôi nhà vì cho rằng theo di chúc của người cha, không nên giữ lại ngôi nhà như một biểu tượng.

Hôm 14-6, bà Lý Vỹ Linh còn đăng lại lên Facebook lời của chính bà 3 năm trước, rằng: "Chúng tôi không còn tin Hiển Long cả trong vai trò là anh trai lẫn nhà lãnh đạo. Chúng tôi đã mất hết niềm tin với ông ấy".

Khó có thay đổi

Trong khi phe đối lập muốn thổi làn gió mới vào Singapore, có nhiều lý do để tin rằng vị trí của ông Lý Hiển Long khó bị thách thức.

Cuộc bầu cử này đã được tổ chức sớm thay vì đợi tới đầu năm 2021. Đại dịch COVID-19 đã đóng vai trò quan trọng trong bức tranh chính trường Singapore. Nền y tế và kinh tế của đảo quốc sư tử chịu hậu quả khá nặng nề vì dịch bệnh, và đang cần hồi phục.

Trong bối cảnh này, phe ông Lý Hiển Long đã ra thông điệp rất rõ ràng: tập trung cho vấn đề việc làm, kinh tế và sức khỏe nhân dân.

Hôm 27-6, PAP ra thông điệp cho tổng tuyển cử 2020 với khẩu hiệu "Sinh mệnh của chúng ta, Công việc của chúng ta, Tương lai của chúng ta", trong đó chỉ ra rằng cuộc bầu cử này diễn ra "trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới phải đối mặt trong nhiều thập kỷ".

Ông Lý Hiển Long nói: "Người Singapore hiểu rằng đây không phải lúc kinh doanh như bình thường hay làm chính trị như bình thường. Các bạn muốn biết cách thức chính phủ sẽ làm việc cùng các bạn để giải quyết những gánh nặng lo âu".

Đặt ra bối cảnh COVID-19 và xây dựng tương lai dài hạn cho Singapore, thông điệp của Thủ tướng Lý Hiển Long đặt trọng tâm vào sự cần thiết của việc duy trì sự ổn định thượng tầng, từ đó mới mong phục hồi kinh tế và nối tiếp các sáng kiến cho một Singapore vững mạnh hơn.

Hạt nhân Vương Thụy Kiệt

Thông điệp dùng sự ổn định để mời chào cử tri của ông Lý Hiển Long cũng được khéo léo đưa vào lá thư phản hồi thư từ nhiệm của ông Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống) hôm 25-6.

Ông Ngô Tác Đống, cựu thủ tướng Singapore sau thời Lý Quang Diệu, đã thông báo nghỉ hưu ở tuổi 79, không quên khẳng định sự ủng hộ vào "đội 4G" của nội các ông Lý Hiển Long, hiện do Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat) làm hạt nhân.

Ông Vương Thụy Kiệt là nhân vật từ lâu được đồn đoán sẽ là lãnh đạo tương lai của Singapore.

Đáp lại, ông Lý Hiển Long cũng cảm ơn ông Ngô Tác Đống và nhắc lại những cuộc khủng hoảng trong quá khứ mà ông Ngô đã vượt qua. Năm 2003, thế giới cũng trải qua đại dịch SARS và ông Lý Hiển Long được xem như đã kế nhiệm thành công, giúp Singapore vượt qua dông bão.

Em trai thủ tướng Lý Hiển Long gia nhập đảng đối lập trước bầu cử Em trai thủ tướng Lý Hiển Long gia nhập đảng đối lập trước bầu cử

TTO - Lý Hiển Dương, em trai đương kim Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ngày 24-6 cho biết ông đã tham gia đảng đối lập cạnh tranh với anh ruột trong cuộc bầu cử ngày 10-7 sắp tới. Song ông Dương chưa quyết định có ra tranh cử hay không.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp