Người dân Philippines biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Trong phiên tranh tụng thứ hai tại PCA ở The Hague (Hà Lan), phái đoàn Chính phủ Philippines giữ lập luận khẳng định PCA có đủ thẩm quyền xử lý vụ kiện Trung Quốc đòi chủ quyền vô lý trên Biển Đông.
Hôm qua 14-7, PCA tuyên bố phía Philippines cần phải đệ trình tài liệu trả lời các câu hỏi của từng thẩm phán tại tòa. Theo báo Daily Inquirer, PCA cũng cho biết sẽ ra phán quyết về việc tòa án có thẩm quyền xử lý vụ kiện của Philippines hay không trong năm nay.
Nếu PCA xác định tòa án này có thẩm quyền xử lý vụ kiện, phía Philippines sẽ tiếp tục tranh tụng về tính hợp lý của các luận điểm mà nước này đưa ra để chống lại Trung Quốc.
PCA cho biết trong hai phiên tranh tụng từ ngày 7 đến 13-7 vừa qua, các đại diện chính quyền Manila không yêu cầu tòa án ra phán quyết về vấn đề chủ quyền lãnh thổ trong tranh chấp với Trung Quốc.
Vi phạm UNCLOS
Theo trang tin GMA News, tại phiên tranh tụng, luật sư Paul Reichler đại diện Chính phủ Philippines khẳng định “chủ quyền lịch sử không thể tranh cãi” mà Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông, bao gồm bản đồ “đường chín đoạn”, đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
Luật sư Reichler lập luận rằng các cấu tạo trên Biển Đông bị Trung Quốc chiếm đóng và cách hành xử của Bắc Kinh trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS, do đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền xét xử của PCA.
Luật sư Reichler cũng bác bỏ lập luận của Bắc Kinh rằng Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) hoàn toàn không ngăn cản quyền giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế trọng tài theo UNCLOS.
Ông nhấn mạnh DOC không phải là thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý, đồng thời trong DOC không có bất kỳ điều khoản nào ngăn chặn cơ chế trọng tài. Trong khi đó TAC cũng ghi rõ vấn đề tìm các “biện pháp khác” để giải quyết tranh chấp.
Luật sư Reichler cho biết Philippines đã đáp ứng mọi nghĩa vụ do UNCLOS quy định trước khi đưa vụ kiện tới PCA. Ông nhấn mạnh Manila đã nỗ lực đàm phán với Bắc Kinh nhưng bất thành.
Sẽ phán quyết thế nào?
Trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD), nhận định đây là một vụ kiện hết sức phức tạp bởi nó chống lại Trung Quốc, một cường quốc ở châu Á.
“Tuy nhiên lập luận của Philippines không tập trung vào vấn đề chủ quyền, mà hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền của PCA. Nhiều khả năng PCA sẽ ra phán quyết xác định tòa án này có quyền xử lý vụ kiện” - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhận định.
Tuy nhiên theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Trung Quốc là một cường quốc, có ảnh hưởng quốc tế lớn, do đó cơ hội của Philippines vẫn chỉ là 50/50: “Trong năm luận điểm Philippines đưa ra tòa án có thể chỉ phán xử có lợi cho nước này một nửa, phần còn lại nếu không có lợi cho Trung Quốc thì cũng sẽ không bất lợi cho nước này.
Điều quan trọng nhất là vấn đề bản đồ đường lưỡi bò, nếu PCA bác đường lưỡi bò thì sẽ rất tốt. Đó là một xác suất cao bởi không quốc gia nào trên thế giới công nhận bản đồ vô lý này”.
PCA cho Trung Quốc cơ hội để phản ứng lại các lập luận của Philippines trước ngày 17-8. Hiện Bắc Kinh vẫn đang gây sức ép ngoại giao lên Manila.
Theo báo PhilStar, hôm qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Philippines hủy bỏ vụ kiện và “quay trở lại với cơ chế đàm phán để giải quyết tranh chấp”.
Bà Hoa nhấn mạnh Trung Quốc “sẽ không bao giờ chấp nhận các hành vi đơn phương nhằm đưa bên thứ ba vào giải quyết tranh chấp”.
Nguồn tin của Chính phủ Philippines tiết lộ phía Trung Quốc đe dọa rằng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tẩy chay Hội nghị APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) ở Manila vào tháng 11 tới nếu Philippines không chịu hủy bỏ vụ kiện.
5 luận điểm của Philippines Trong phiên tranh tụng đầu tiên, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario công bố rõ năm luận điểm. Thứ nhất, Trung Quốc không có quyền thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” ở các vùng biển vượt ra ngoài quy định của UNCLOS. Thứ hai, bản đồ “đường chín đoạn” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế. Thứ ba, các cấu tạo Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông không phải là đảo, do đó Bắc Kinh không thể đòi chủ quyền đối với vùng biển 12 hải lý xung quanh. Các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng cũng không thể thay đổi bản chất tự nhiên của những cấu tạo này. Thứ tư, Trung Quốc xâm phạm UNCLOS khi cản trở Philippines thực hiện quyền hợp pháp trên vùng biển nước này ở Biển Đông. Thứ năm, Trung Quốc đã phá hoại nghiêm trọng môi trường tự nhiên trên Biển Đông, vi phạm UNCLOS. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận